Đừng nghĩ nhiều có an toàn không, hãy tiêm ngay vaccine COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hãy tiêm ngay vaccine COVID-19 là lời kêu gọi của BS Nguyễn Thanh Trường – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trước sự do dự của nhiều người về tính an toàn của vaccine.
BS Nguyễn Thanh Trường và BS Lê Hồng Nga tại cuộc toạ đàm trực tuyến “Hiểu đúng về vaccine” COVID-19 - Ảnh: Hoà Bình
BS Nguyễn Thanh Trường và BS Lê Hồng Nga tại cuộc toạ đàm trực tuyến “Hiểu đúng về vaccine” COVID-19 - Ảnh: Hoà Bình

Trước những “làn sóng” mới của đại dịch COVID-19 đang quét qua tàn phá Ấn Độ và nhiều nước châu Á như hiện tại, công chúng tiếp tục quan tâm, tò mò về vaccine COVID-19. Tại toạ đàm trực tuyến do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tổ chức tối 29-4, BS Nguyễn Thanh Trường – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và BS Lê Hồng Nga (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM) đã giải đáp nhiều thắc mắc về tính an toàn của vaccine COVID-19.

“Tiêm vaccine để cơ thể chúng ta tạo ra kháng thể, để khi gặp virus thì cơ thể đã có sẵn kháng thể rồi” – BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, thần kinh, BV Nhi Đồng 1, một trong những người được tiêm vaccine đầu tiên tại TP.HCM cho biết.

“Thông tin cập nhật từ Bộ Y tế thì Việt Nam đã cấp phép cho 5 loại vaccine. Cả 5 loại này đều đã được Tổ chức y tế thế giới thông qua. Nhưng đó là cấp phép sẵn sàng thôi chứ ở VN hiện tại mới chỉ đang có và tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên vaccine AstraZeneca mà thôi” – Ths BS Lê Hồng Nga (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM) cho biết.

“Nhiều cơ quan, tổ chức đều đang nỗ lực liên hệ với các nhà cung cấp vaccine COVID-19 nhưng thực sự là muốn tiêm đại trà thì vẫn phải đợi tới khi nào có thể mua được vaccine từ những nguồn cung dồi dào” – BS Nga nói thêm.

BS Lê Hồng Nga (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM) đã giải đáp nhiều thắc mắc về tính an toàn của vaccine COVID-19

BS Lê Hồng Nga (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM) đã giải đáp nhiều thắc mắc về tính an toàn của vaccine COVID-19

BS Nguyễn Thanh Trường – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trao đổi: “Phải chuẩn bị hết sức khoa học và phù hợp với thực tế của nước mình. Đặc biệt là xử lý những phản ứng sau tiêm. Mới đây, Bộ Y tế đã thành lập Ban An toàn để xử lý và kiểm soát những phản ứng nặng và tai biến sau tiêm vaccine COVID-19, có thể hội chẩn trực tuyến để hỗ trợ các địa phương xử lý tai biến sau tiêm”.

Một số người được tiêm vaccine COVID-19 đợt đầu tại TP.HCM cho biết, họ đã bị đau ở vùng tim, sốt nhẹ cho tới sốt cao rét run, đau đầu, đau vùng tai, nhức mỏi, buồn ngủ… Những phản ứng này thường đến trong khoảng ngày thứ 2 sau tiêm và sẽ bớt dần trong những ngày sau đó.

Trước thắc mắc của số đông công chúng về việc vaccine COVID-19 được nghiên cứu và thử nghiệm trong thời gian quá ngắn liệu có an toàn, BS Lê Hồng Nga cho biết: “Ngay từ đầu đại dịch COVID-19, tất cả các nhà sản xuất vaccine lớn nhất trên toàn cầu đều đã bước vào cuộc đua sản xuất vaccine. Và mặc dù công chúng có thể cảm giác rằng thời gian vẫn còn quá ngắn nhưng tất cả các vaccine này đều đã buộc phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm, khẳng định tính an toàn, hầu như không vaccine nào bị xảy ra những phản ứng quá nặng sau tiêm, đạt hiệu quả sinh miễn dịch, được cấp phép lưu hành trên toàn cầu, được Tổ chức y tế thế giới thông qua”.

BS Lê Hồng Nga thông tin, vaccine của Việt Nam đang bước vào giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Sau khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 thì người dân sẽ có thêm vaccine của Việt Nam để được chích ngừa.

Tọa đàm trực tuyến do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tổ chức tối 29-4

Tọa đàm trực tuyến do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tổ chức tối 29-4

“Đối với bất cứ loại vaccine thông thường nào, tiêm là để tạo miễn dịch, và thông thường là vài tuần sau khi tiêm vaccine thì cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch thành công” – BS Trường thông tin.

“Công chúng nghe thông tin là đâu đó có một số trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine COVID-19 nhưng sự thực là tỷ lệ này cực kỳ hiếm gặp. Và Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khẳng định vaccine COVID-19 không làm gia tăng nguy cơ dẫn tới huyết khối, trong khi đó, lợi ích của việc tiêm vaccine là giúp cơ thể sinh kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2” – BS Trường khẳng định.

“Trước sự an toàn của chính mình và cộng đồng, đừng do dự, hãy tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, sau khi tiêm thì đừng chủ quan, vì vẫn có một tỷ lệ bị nhiễm SARS-CoV-2 sau khi chủng ngừa” – BS Trường gửi lời khuyên.

BS Nguyễn Thanh Trường – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM kêu gọi mọi người đừng do dự, hãy tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh: Hoà Bình

BS Nguyễn Thanh Trường – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM kêu gọi mọi người đừng do dự, hãy tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh: Hoà Bình

“Muốn an toàn, thì điều đầu tiên là người được tiêm cần tuân thủ mọi hướng dẫn của BS và nhân viên y tế, ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút, theo dõi chặt chẽ mọi thay đổi của cơ thể và liên lạc với cơ sở y tế nếu có những phản ứng bất lợi trong vòng 7 ngày sau chích ngừa. Trước những biểu hiện quá bất thường như rất chóng mặt hoặc rất đau đầu thì cần đến ngay cơ sở y tế. Ngay cả khi những dấu hiệu đó không phải là xuất phát từ vaccine mà từ những yếu tố khác nhưng vẫn cần đến ngay cơ sở y tế để BS chuyên khoa chẩn đoán và điều trị” – BS Nga hướng dẫn.

“Nhiều quốc gia đã đưa ra bàn về vấn đề sẽ áp dụng hộ chiếu vaccine thế nào. Tuy nhiên, với Việt Nam thì đến giờ Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về hộ chiếu vaccine” – BS Nga cho biết.

Trước thắc mắc của nhiều người về việc nếu sau tiêm chủng mà lại không gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc thì liệu cơ thể có thật sự sinh kháng thể hay không? BS Lê Hồng Nga giải thích: “Cứ yên tâm rằng đã tiêm vaccine thì tỷ lệ sinh kháng thể đạt tới khoảng 60-70%. Hãy hiểu đúng rằng việc không gặp phải bất cứ phản ứng phụ nào không khẳng định là sẽ không sinh kháng thể”.

Một số người xem giao lưu trực tuyến hỏi rằng liệu có thể uống thuốc giảm đau trước khi tiêm vaccine COVID-19, BS Lê Hồng Nga trả lời: “Không cần thiết, bởi vì chưa chắc bạn đã đau”. BS Nga cho biết thêm, theo quyết định của Bộ Y tế thì các trường hợp phụ nữ có thai và đang cho con bú thuộc nhóm trì hoãn tiêm vaccine COVID-19.

“Vaccine là một trong những thành tựu của y học. Đã rất nhiều bệnh truyền nhiễm như đậu mùa, uốn ván, bại liệt… được “thanh toán” bởi vaccine. Cho nên, ngay từ khi xuất hiện đại dịch, thì vaccine đã rất có ý nghĩa. Nhưng bài học từ nhiều nước xung quanh chúng ta như Ấn Độ chẳng hạn, đã cho thấy không phải có vaccine rồi thì chúng ta lơ là, chủ quan, mà vẫn phải đặc biệt chú ý các biện pháp không dùng thuốc như giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách thì cộng đồng mới có thể an toàn” – BS Nga nhấn mạnh.