Đừng coi thường, bệnh tay chân miệng có thể biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mùa cao điểm năm nay, các ca bệnh tay chân miệng biến chứng nặng có xu hướng gia tăng, cha mẹ không thể coi thường, bệnh tay chân miệng có thể biến chứng nguy hiểm tính mạng bệnh nhi.
Thông tin từ BV Nhi đồng TP.HCM cho biết, bệnh nhi mắc tay chân miệng biến chứng nặng này chỉ có một nốt hồng trên chân (Ảnh: BVCC)
Thông tin từ BV Nhi đồng TP.HCM cho biết, bệnh nhi mắc tay chân miệng biến chứng nặng này chỉ có một nốt hồng trên chân (Ảnh: BVCC)

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (CDC TP.HCM) vừa cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay địa bàn TP.HCM có nguy cơ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng với xu hướng gia tăng các ca bệnh biến chứng nặng.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga (CDC TP.HCM) cho hay: "Số ca mắc tay chân miệng tại TP.HCM từ năm 2014 đến năm 2020 giảm nhiều so với giai đoạn năm 2011 – 2013. Trong vòng 6 năm qua, TP.HCM không có ca tay chân miệng tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, số ca bệnh tay chân miệng đã đột ngột tăng gần gấp đôi so với trung bình cùng kỳ từ năm 2017-2020. Đáng lưu ý số ca bệnh nặng (độ 2b trở lên) đang có khuynh hướng gia tăng”.

Trước tình trạng đáng ngại nói trên, ngành y tế TP.HCM đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế phụ trách công tác phòng, chống dịch.

Điều trị trẻ mắc tay chân miệng tại BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: Đan Như)

Điều trị trẻ mắc tay chân miệng tại BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: Đan Như)

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin cũng góp phần giúp phát hiện sớm sự xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch. Phát triển các công cụ tiện ích trên các phần mềm, ứng dụng sẵn có phục vụ cho việc phát hiện, theo dõi, xử lý ca bệnh, ổ dịch; kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, cộng đồng là yếu tố đáng nói.

Bên cạnh đó, ngành y tế TP.HCM còn phối hợp với ngành giáo dục nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong trường học.

Như BS Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh (BV Nhi Đồng 1 – TP.HCM) đã phân tích, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ phát triển mạnh trở thành dịch, thời điểm dịch bùng phát cao nhất hàng năm thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9.

BS Khanh thông tin, hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ nếu cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên ở một số trường hợp đặc biệt, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Chính vì thế, các bậc cha mẹ có con nhỏ đừng bao giờ coi thường tay chân miệng, trẻ có biểu hiện mắc bệnh này rất cần được phát hiện sớm, đưa tới cơ sở y tế, cấp cứu, điều trị kịp thời.