Đừng bao giờ nói không bao giờ

Mấy năm trước, tôi có dịp đi máy bay của hãng Delta. Đang quen đi các hãng hàng không có ghế ngồi rộng rãi, bỗng chuyển sang hãng có hàng ghế vô cùng tiết kiệm, tôi thấy không gian trên khoang bay thật bó buộc.
Đừng bao giờ nói không bao giờ

Nhưng tôi và mấy lữ khách gốc Á còn đỡ hơn mấy ông Tây to cao, bụng bự chật vật nhét mình vào khoảng trống giữa hai hàng ghế. Một ông khách ngồi cạnh tôi vã mồ hôi, co chân uốn tay ngồi xuống cố không thúc đầu gối vào ghế phía trước. Đến là khổ, lưng thì có thể co, bụng có thể hóp chứ cái xương ống chân thì làm sao cho nó ngắn lại được kia chứ.

TờThe Economist gần đây đăng tải vài quan chức Mỹ đề nghị đạo luật yêu cầu các hãng bay mở rộng không gian ghế ngồi vì hành khách có xu hướng to béo hơn. Dĩ nhiên, các hãng bay đâu có chịu. Không những thế, độ rộng ghế ngồi hành khách teo đi từ trung bình 46 cen ti mét xuống còn 42 cen ti mét.

Hãng Airbus còn đề xuất giải pháp thiết kế ghế cố định có dây an toàn dịch chuyển theo cơ thể khách bay. Điều này cho phép các hãng bay có thể bán vé theo cân nặng của hành khách. Nói cách khác, anh béo hơn, anh chiếm nhiều không gian hơn thì anh phải trả tiền nhiều hơn.

Ngẫm ra thấy hãng bay cũng không phải là không có lý dù có các ý kiến chê trách. Này nhé, ghế hãng tôi thiết kế như nhau, anh muốn ngồi rộng hơn thì anh phải trả nhiều tiền hơn. Thời buổi không gian công cộng là tiền bạc, đâu dễ bắt tôi nới chỗ cho anh. Mà nhìn xung quanh đi, nếu có chỗ nào có thể rào lại mở dịch vụ kinh doanh thì càng sử dụng nhiều không gian, càng phải chi trả nhiều hơn. Anh chăng dây vỉa hè giữ xe hả? Anh bày ghế ra đường lập quán nhậu hả? Anh đậu xe chỗ này hả? Phải đóng phí nọ phí kia tuốt. Đến những bãi tắm biển thiên nhiên xưa thoải mái vẫy vùng, nay vào tắm có khi phải trả phí cao ngất ngưởng.

Tuy nhiên, vẫn có vài ngoại lệ sử dụng không gian công cộng quá giới hạn cá nhân mà chẳng tốn đồng nào, chẳng hạn như mấy anh hút thuốc lá nơi công cộng. Cứ phì phà khói thuốc bất kể sáng trưa chiều tối. Bất kể trong công viên, trường học hay đường phố. Khói thuốc bay thẳng vào mũi mồm bọn trẻ con, vào các cụ già đang ngồi ghế đá công viên hà hít hơi thở thiên nhiên, vào quý cô bụng mang dạ chửa. Đôi lúc các anh vừa xả khói thuốc vừa khuyến mãi thêm mấy quả khạc nhổ vào không gian công cộng nữa.

Nói đến chuyện này, lại nhớ đến câu hỏi của cậu cháu bên nội tôi. Cậu thắc mắc sao người lớn cứ nhắc trẻ con không được trung tiện ra không gian công cộng trong khi họ lại xả khói thuốc lá ra? Có sự khác nhau gì giữa hai hành vi đó? Nếu người lớn cấm trẻ con xả những thứ ô uế ra không gian công cộng thì hãy làm gương đi, đừng xả khói thuốc nữa. Mà có hút thì hãy nuốt hết khói thuốc vào lại cơ thể đi, như là khi bố cậu bắt cậu phải nín trung tiện trong thang máy vậy.

Cái sự so sánh của cậu có vẻ lỗ mãng, nhưng cũng như đề xuất của mấy hãng bay nọ, ngẫm ra không phải là không có lý. Giới hạn của tự do cá nhân là khi anh vi phạm ranh giới tự do của cá nhân khác. Không gian công cộng được chia sẻ cùng nhau, chẳng của riêng ai và người vi phạm làm bẩn không gian ấy, nên bị trừng phạt bằng cách này hay cách khác.

Đến đây tôi xin kể chuyện một anh bạn Mỹ cùng phòng với tôi thời tôi còn du học. Một hôm đi học về, tôi phát hiện một tờ trát của tòa án tiểu bang yêu cầu anh đến nộp phạt mấy chục đô la Mỹ. Tôi cứ nghĩ là do anh chạy xe quá tốc độ, ai dè khi đọc mới thấy một lỗi lạ hoắc “Public Intoxication”. Nôm na dịch là “đầu độc nơi công cộng”. Tôi hoảng quá hỏi anh đã làm gì. Anh chàng lắc đầu bảo “Tao từ hộp đêm đi bộ về, mắc tiểu quá tè đại vào tường nhà bên đường”. À, thì ra “đầu độc nơi công cộng” là như vậy đó.

Câu hỏi về đề xuất tăng giá vé của hãng bay liệu có đi vào thực tiễn hay không, cũng như câu hỏi bao giờ thì mấy anh hút thuốc đầu độc nơi công cộng mới bị xử lý thật nặng nghe chừng khó trả lời. Nhưng, như tờ The Economist nhắc nhở: đừng bao giờ nói không bao giờ nhé!

Theo TBKTSG