Đùa với lửa, S-300 có thể khiến Israel đối mặt với “Điện Biên Phủ” trên không

VietTimes -- Những ngày gần đây, truyền thông chính thống phương Tây đang sôi lên cuộc tranh luận về năng lực tác chiến của S-300. Các học giả khẳng định trên các bài bình luận, tổ hợp phòng không S-300 không thể gây bất cứ nguy hiểm nào cho các máy bay tiêm kích tàng hình Mỹ.
Tên lửa S-75 Dvina bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh minh họa tư liệu chiến tranh Việt Nam.
Tên lửa S-75 Dvina bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh minh họa tư liệu chiến tranh Việt Nam.

Truyền thông phương Tây, đặc biệt là các nhóm chuyên gia trên các trang bình luận nổi tiếng cho rằng mặc dù phòng không Syria nhận được tên lửa S-300, các máy bay tàng hình của Israel sẽ tiếp tục không kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria mà không bị trừng phạt. Hơn thế nữa, tất cả các tổ hợp phòng S-300 sẽ bị hủy diệt từ trên không trong thời gian gần nhất.

Tiếp theo, nhiều chuyên gia Âu - Mỹ cho rằng, ngay cả S-400 của Nga cũng chỉ là một phương tiện được tuyên truyền rỗng tuếch. Các chuyên gia đưa ra những minh chứng sắt thép cho rằng, kể từ khi S-400 có mặt ở Syria, hệ thống này chưa một lần bắn rơi một tên lửa hay một máy bay chiến đấu. Điều đó cho thấy, S-400 chỉ là một quả bóng hơi mầu mè, được thổi phồng bởi chiến dịch tuyên truyền của Kremlin.

Nhiều nhà bình luận cho rằng, Nga chẳng chế tạo được gì cụ thể, thậm chí còn thua Trung Quốc. Nga chỉ có khả năng đánh cắp công nghệ từ Mỹ, nhưng lại không làm được một điều gì đánh kể.

Nhưng có vẻ như các chuyên gia phương Tây rất nhanh quên lịch sử, đặc biệt là thảm họa của lực lượng không quân siêu cường trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Chỉ riêng có hệ thống phòng không nhân dân, được trang bị tên lửa S-75 Dvina của Liên Xô đã khiến các phi công Mỹ kinh hoàng đến mức lập tức nhảy dù khi phát hiện tên lửa đeo bám máy bay mình.

Những cuộc không kích quy mô lớn của lực lượng không quân đứng đầu thế giới đánh vào miền Bắc Việt Nam chính thức bắt đầu vào tháng 01.1965. Tương quan lực lượng chênh lệch đến mức với số lượng máy bay chiến đấu nhỏ nhoi của Việt Nam, các chiến lược gia phương Tây tuyên bố, chỉ sau một tuần, không quân Việt Nam chỉ còn là ký ức.

Lực lượng không quân Việt Nam vào thời điểm đó cực kỳ non trẻ, chỉ có 60 máy bay quân sự, gồm những máy bay MiG-17 Liên Xô cũ và MiG – 19 của Trung Quốc, phiên bản sao chép từ MiG 17 và một số máy bay ném bom chiến trường IL-28.

Tổ hợp tên lửa S-300 của quân đội Nga.
 Tổ hợp tên lửa S-300 của quân đội Nga.

Người Mỹ chuẩn bị rất kỹ cho cuộc không kích miền Bắc, cải tạo lại các sân bay cũ và xây dựng các sân bay mới trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, Thái Lan và Camphuchia. Trên Vịnh Bắc Bộ, cụm binh lực Hải quân, thường xuyên duy trì 2 tàu sân bay tấn công và các chiến hạm nổi yểm trợ khác. Trước năm 1965, Mỹ đã hình thành một quả đấm sắt không quân khổng lồ chưa từng có với hơn 1.000 máy bay chiến đấu các loại từ máy bay tiêm kích, ném bom, cường kích chiến trường, trinh sát trên không, máy bay cảnh báo sớm, vận tải quân sự, tiếp dầu trên không.

Hơn thế nữa, Mỹ còn ném vào cuộc chiến đẫm máu này máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng với những công nghệ đường không tiên tiến nhất. Nhưng từ năm 1965 – 1973, Mỹ mất gần 5.000 máy bay các loại, chưa tính những máy bay của ngụy quyền Sài Gòn.

Những máy bay có số lượng lớn và cũng rơi nhiều nhất là các tiêm kích F-100 và F-105. Mỹ cũng đưa máy bay tiêm kích hiện đại nhất lúc đó là F-4 Phantom II, máy bay chiến đấu đa nhiệm, có khả nằng chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và tiến hành các hoạt động trinh sát đường không. F-4 có tốc độ siêu âm đáng nể 2.400 km/h, trần bay lên đến 19.000 m, tầm xa đến 2.400 km, các móc dưới cánh có thể treo đến 6 tên lửa không đối không.

Những ngày đầu tiên của cuộc chiến đường không quy mô lớn nhất trong lịch sử sau Đại chiến thế giới lần thứ II, phi công Mỹ thực hiện không kích vào hậu phương đối phương như những chuyến bay du ngoạn nhàn hạ, do không có vũ khí nào đe dọa. Các máy bay Mỹ bay trong đội hình theo kế hoạch, trên độ cao 4-5 nghìn km, pháo phòng không, kể cả loại 100mm cũng không thể với tới được. Các máy bay chiến đấu hiện đại Mỹ ném bom với tốc độ siêu âm và bình thản quay về căn cứ.

Tình huống đột nhiên thay đổi vào ngày 24.07.1965, lần đầu tiên trong phòng không Việt Nam sử dụng tên lửa SAM-2 S-75 Dvina. Phòng không Việt Nam phóng 4 tên lửa, 3 “Con ma F-4” bốc cháy, quả đạn thứ 4 không bay trượt, mà cũng đánh trúng vào chiếc máy bay, đã bị trúng tên lửa đầu tiên. Ngày này cũng bắt đầu mở ra địa ngục với không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc.

"Con ma F-4" của Hải quân Mỹ.
 "Con ma F-4" của Hải quân Mỹ.

Người Mỹ buộc phải thay đổi chiến thuật khinh đich sang chiến thuật có suy nghĩ hơn, do các tên lửa SAM-2 không bắn trượt khi dẫn bắn đúng. Máy bay siêu âm không có ý nghĩa với Dvina, tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu đang bay với tốc độ 2.300 km/h. Tất nhiên, F-4 Con ma có tốc độ cao hơn 100 km/h, nhưng với điều kiện phải bay trên độ cao lớn, không có tải trọng vũ khí. Bán kính tấn công hiệu quả đến 34km, cao độ tiêu diệt mục tiêu từ 3km đến 22km.

Sợ bị tên lửa tấn công, các máy bay Mỹ bắt đầu hạ độ cao xuống dưới 3km. Nhưng chiến thuật này lập tức rơi vào lưới lửa phòng không nhân dân dày đặc của các cỡ nòng súng pháo các loại.

Trong những tháng đầu của cuộc chiến, tổn thất của không quân Mỹ đạt con số kinh hoàng, khoảng 200 máy bay bị bắn hạ trong vòng 1 tháng. Tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu bằng tên lửa là cứ 1,5 tên lửa là 1 máy bay, sau đó là 1 tên lửa một máy bay.

Để tránh bị tên lửa tiêu diệt, các phi công Mỹ buộc phải bay trên độ cao ngoài tầm với của S-75, phát triển và sử dụng triệt để các phương tiện gây nhiễu chủ động và thụ động. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Mỹ phát minh ra hàng loạt các thiết bị gây nhiễu khác nhau, lắp đặt trên các máy bay và rải trên bầu trời trước mỗi cuộc không kích.

Ngoài ra Mỹ cũng khẩn trương phát triển tên lửa tự dẫn Shrike, sau đó là AGM-78 Standard. Những biện pháp khẩn trương này cũng cho những kết quả nhất định. Nhờ màn nhiễu dày đặc, lực lượng phòng không tên lửa Việt Nam bị giảm đáng kể hiệu suất tác chiến, để diệt một máy bay, đã có tình huống phóng đến 8-9 tên lửa/1 máy bay.

Nhưng sự may mắn này không diễn ra lâu, chỉ một thời gian ngắn các kíp trắc thủ Việt Nam, với sự giúp đỡ của các cố vấn Liên Xô lại nhanh chóng tăng hiệu suất chiến đấu của các đơn vị tên lửa. Hiệu quả bắn đã trở lại 4-5 tên lửa trên một máy bay.

Hiệu quả tác chiến của không quân Mỹ suy giảm rõ rệt, không quân Mỹ phải bỏ ra khoảng từ 30 – 40% thời gian bay của phi đoàn để tiến hành các hoạt động đảm bảo chiến trường, bao gồm các hoạt động trinh sát hỏa lực, gây nhiễu không phận và không kích các trận địa pháo binh tên lửa.

Cũng trong thời gian này, các kỹ sư của văn phòng thiết kế tên lửa Strela Liên Xô nỗ lực tìm phương pháp đánh lừa đối phương nhằm vô hiệu hóa tên lửa chống radar Shrike, đồng thời giảm độ cao hủy diệt mục tiêu. Đến thời điểm này, khả năng S-75 Dvina có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 500m. Trên độ cao này chỉ có máy bay ném bom hiện đại F-111 mới có thể bay tốt với tốc độ siêu âm. Mặc dù vậy F-111 cũng không thoát khỏi sự trừng phạt và bị bắn rơi 2 chiếc bằng súng bộ binh.

Máy bay F-111.
 Máy bay F-111.

Các kỹ sư radar tên lửa Liên Xô nỗ lực tăng cường khả năng chống nhiễu kênh dẫn đạn của S-75, đồng thời phòng không Việt Nam cũng tìm ra phương pháp đánh lửa địch để “vạch nhiễu tìm thù”, vô hiệu hóa màn nhiễu điện từ cực mạnh của không quân Mỹ. Một trong những ví dụ là chiến thuật “phóng giả” chiếu xạ radar dẫn đạn vào máy bay, thực hiện phóng giả.

Tình huống này khiến các phi công Mỹ cho rằng bị phóng tên lửa và phá vỡ đội hình chiến đấu được che chắn, đây cũng là điều kiện tối ưu để tên lửa phòng không Việt Nam phát hiện, khóa mục tiêu và phóng đạn tiêu diệt.

Sự hiển diện của S-75 tăng cường hiệu quả tác chiến của lực lượng pháo phòng không. Các khẩu đội pháo phòng không, được viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc bao phủ toàn bộ không gian độ cao thấp. Vũ khí phòng không hiệu quả nhất là pháo từ 37mm đến 100mm.

Hiệu quả chiến đấu của pháo phòng không Việt Nam rất cao, hơn hẳn tên lửa SAM-2, đến 60% máy bay bị bắn rơi. Nhưng nạn nhân tiếp theo của tên lửa Liên Xô là các pháo đài bay chiến lược B-52, theo nhiều nguồn khác nhau từ khoảng 32 – 54 chiếc máy bay ném bom B-52 bị các tên lửa S-75 Dvina tiêu diệt. Đây là một thất bại khổng lồ của không quân Mỹ.

Mặc dù phải đối mặt với những tổn thất khủng khiếp hàng ngày, nhưng lực lượng Không quân Mỹ, không quân của Hải quân và không quân Lính thủy đánh bộ vẫn tiếp tục các chiến dịch không kích cho đến khi chính bản thân nước Mỹ không thể chịu đựng được nữa. Cuối năm 1967, các chiến dịch không kích mới tạm dừng. Đó cũng là thời điểm tuyệt vời để không quân Việt Nam chuyển loại sang thế hệ máy bay tiêm kích mới MiG – 21.

MiG-21 của không quân Việt Nam.
 MiG-21 của không quân Việt Nam.

Mặc dù số lượng MiG – 21 của không quân Việt Nam không nhiều, nhưng MiG – 21 nhanh chóng chiếm lĩnh ưu thế trên không và đè bẹp “Con ma” bằng khả năng cơ động cao, lấy độ cao nhanh chóng và tên lửa không đối không.

Các phi công Việt Nam phát huy được hết sức mạnh của vũ khí Liên Xô, kết hợp với hỏa lực phòng không tên lửa và pháo phòng không các cỡ nòng. Không quân Việt Nam liên tiếp giáng những đòn chí mạng cho các máy bay hiện đại Mỹ, vượt trội cả về vũ khí và tốt độ. Theo thống kê từ phía Việt Nam, chỉ có 65 máy bay MiG – 21 bị bắn hạ, nhưng con số F-4 bị diệt trên chiến trường đường không miền Bắc lên tới 895.

Tổng số thiệt hại, nếu chỉ tính theo phía Mỹ là một con số khổng lồ. Không quân, Hải quân, Lính thủy đánh bộ Mỹ mất 3.374 máy bay các loại. Không quân Việt Nam mất 150 máy bay MiG-17, MiG-19 và MiG -21, tiêu diệt đến 9% tổng số máy bay Mỹ. Tên lửa phòng không S-75 Dvina diệt khoảng 31% máy bay chiến đấu, pháo phòng không các cỡ nòng đạt trên 60%. Nhưng chính các tổ hợp tên lửa SAM-2 mang lại chiến thắng này do đã bắt các máy bay chiến đấu Mỹ phải bay trên độ cao thấp, cho phép lực lượng phòng không nhân dân sử dụng các loại súng pháo phòng không các cỡ nòng tiêu diệt.

Như vậy, trong không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, chính các tổ hợp tên lửa S-75 Dvina tạo lên bước ngoặt cuộc chiến, đánh bại chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn ở Việt Nam.  Liên Xô, trong suốt cuộc chiến tranh cung cấp cho Việt Nam 95 tổ hợp tên lửa S-75 các loại và 7.658 tên lửa. Tiêu hao trong chiến đấu, bao gồm cả hỏng hóc và bị trúng đạn khoảng 6.806 đạn. Số lượng máy bay Mỹ bị tên lửa bắn hạ là 1.046 chiếc, bình quân 6,5 tên lửa hạ một máy bay. Nếu tính số lần phóng đạn là 3.228, thì cứ 3,1 tên lửa hạ một máy bay.

Nhìn lại chiến trường Syria, các bình luận viên quân sự phương Tây cần phải nhớ lại cuộc chiến Việt Nam. Không chỉ có hệ thống tên lửa S-300, quân đội Syria còn có rất nhiều các hệ thống phòng không khác có từ thời Liên Xô cùng với hệ thống phòng không hiện đại của Nga trên căn cứ quân sự Khmeimim.

Nếu chỉ tính các tổ hợp tên lửa tầm xa, thì trên vùng trời Syria có hệ thống tên lửa hiện đại S-400, S-300 phiên bản Hải quân Nga và S-300 của Syria. Ngoài ra còn có các hệ thống tác chiến điện tử, máy bay trinh sát và cảnh báo sớm, máy bay tiêm kích, vệ tinh trinh sát. Tất cả các hệ thống này đều được kết nối trong một trung tâm chỉ huy, điều hành và trao đổi thông tin. Đây chính là một hệ thống phòng không khổng lồ, tương tự như hệ thống phòng không nhân dân Việt Nam, nhưng ở tầm cao hơn do được chỉ huy và điều hành tác chiến tự động.

Các tổ hợp tên lửa mà Almaz-Antey phát triển đều dựa trên những kinh nghiệm, thu được qua các cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh Việt Nam, có khả năng đánh bại những phát triển mới nhất của không lực Mỹ và các quốc gia phương Tây. Không rõ lý do vì sao các nhà bình luận quân sự Mỹ cũng như các chính khách phương Tây đều mong muốn Israel tiến hành cuộc không kích vào S-300. Nhưng nếu không quân Israel rơi vào một thế trận phòng không như ở Việt Nam trên bầu trời Syria, kết quả sẽ là sự thảm bại.