Dữ liệu mở là giải pháp cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh?

VietTimes – Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa phối hợp cùng Trung tâm CNTT và Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo về Giải pháp dữ liệu mở trong xây dựng Chính quyền Điện tử và Đô thị Thông minh.
(ảnh: báo Sài Gòn Giải phóng)
(ảnh: báo Sài Gòn Giải phóng)

Hội thảo nhằm phân tích tình hình thực tiễn và các xu thế chuyển đổi số trên thế giới, từ đó đánh giá thực trạng và tìm giải pháp Chuyển đổi Số cho các cơ quan, tổ chức của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng nói rằng chuyển đổi số đang trở thành một xu thế phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới. Đây là cơ hội và cũng là thách thức để Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, là cơ hội để các địa phương như Thừa Thiên – Huế nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

“Thừa Thiên - Huế đang hướng đến xây dựng Chính quyền Điện tử và Đô thị Thông minh thì nhu cầu giới thiệu và hoạt động dữ liệu mở của tổ chức hành chính, người dân và doanh nghiệp trở nên bức thiết. Thông qua dữ liệu mở sẽ giúp cho Thừa Thiên – Huế phát triển trên tất cả các lĩnh vực và quan trọng hơn cả là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân”, ông Nguyễn Minh Hồng chia sẻ.

ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch VDCA phát biểu tại hội thảo
ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch VDCA phát biểu tại hội thảo

Đồng tình với phát biểu của ông Nguyễn Minh Hồng, ông Lê Vĩnh Chiến – Giám đốc trung tâm CNTT Thừa Thiên – Huế khẳng định dữ liệu mở là nền tảng cốt lõi của Chính phủ Điện tử. Dữ liệu mở sẽ giúp nền hành chính công trở nên công khai, minh bạch hơn, là nguồn lực phát triển cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế.

Ông Lê Vĩnh Chiến cho biết đến nay dữ liệu mở của Thừa Thiên - Huế đã cập nhật, cung cấp một số dữ liệu trên các lĩnh vực: hành chính, y tế, thương mại, dịch vụ, du lịch, đầu tư xây dựng, công nghiệp, giáo dục đào tạo, dân cư lao động, an toàn xã hội…

Tuy nhiên, ông Lê Vĩnh Chiến cũng cho rằng việc xây dựng dữ liệu mở đòi hỏi chính quyền các cấp phải mở về tư duy khi mà hiện nay còn nhiều trở ngại như: thiếu các quy định về dữ liệu mở, an toàn an ninh dữ liệu mở chưa được đảm bảo, chưa tách biệt dữ liệu riêng tư cá nhân, chưa có hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ trong mở dữ liệu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ “Mở dữ liệu Chính phủ cần có tầm nhìn, chiến lược dài hơi, tiếp đó là thiết kế một kế hoạch hành động cụ thể về việc mở dữ liệu nào, mở đến đâu và với lộ trình như thế nào”.

"Bên cạnh khai thác dữ liệu phục vụ chính quyền trong việc ra quyết định công, Huế cần quan tâm hơn về việc tối ưu hóa khía cạnh kinh tế của dữ liệu mà ở đó không có nguồn lực nào sáng tạo và sử dụng tốt hơn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ", ông Nguyễn Quang Đồng nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Bảo Hùng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng CNTT Việt - Hàn đề xuất lãnh đạo tỉnh, các sở ngành cần quyết liệt hơn trong định hướng và triển khai. Ông Hùng cho rằng cần lựa chọn ngành nào mở dữ liệu trước, ngành nào sau để có một chiến lược hiệu quả.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, chuyên gia Học viện Bưu chính Viễn thông cũng cho rằng dữ liệu mở có thể mang đến nhiều lợi ích cho cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Các doanh nghiệp thông qua dữ liệu mở sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.

ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế
ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đại diện cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định kết luận: “Hội thảo này là dịp để chính quyền tỉnh đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, phân tích các xu hướng và kinh nghiệm thực tiễn để góp phần định hướng giải pháp công nghệ, thúc đẩy hơn nữa quá trình xây dựng và hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh, chuyển đổi số trong Chính quyền Điện tử, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thừa Thiên – Huế”.