Đào Trung Thành
Đào Trung Thành

Chuyên gia

Dữ liệu cá nhân không phải là mỏ vàng để đào đem đi bán!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes -- Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước phục vụ cho an toàn xã hội và quản lý hành chính là điều mà chính quyền cần tập trung đẩy mạnh, chứ không phải coi dữ liệu cá nhân là mỏ vàng rồi đào đem đi bán với giá rẻ.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáng 2/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho TP Hà Nội được thí điểm "thu giá dịch vụ" đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.

Thực ra đây không phải là ý tưởng mới của ông Chung, nguyên là một Tướng công an trước khi chuyển sang công tác chính quyền. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất phí khai thác dữ liệu chi tiết dân cư là 800 đồng/thông tin về công dân. Đó là một phần trong Dự thảo Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến từ tháng 10/2017.

Cơ sở dữ liệu dân cư là gì?

Theo Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Những thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào CSDL quốc gia về dân cư được xác định gồm 15 thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân ban hành ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, bao gồm:

1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

2. Ngày, tháng, năm sinh;

3. Giới tính;

4. Nơi đăng ký khai sinh;

5. Quê quán;

6. Dân tộc;

7. Tôn giáo;

8. Quốc tịch;

9. Tình trạng hôn nhân;

10. Nơi thường trú;

11. Nơi ở hiện tại;

12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;

13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp

14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;

15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

Khai thác thế nào?

Căn cứ vào nhu cầu khai thác chi tiết dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư sẽ quyết định và cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác số lượng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân.

Điều này dấy lên những lo ngại vì theo như thông tư, cơ quan quản lý CSDL có quyền “chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác”, hay nói một cách nôm na là “bán” thông tin của công dân trong CSDL dân cư mà mình đang quản lý cho các tổ chức và doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo Điều 5 về Quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước công dân của Luật Căn cước công dân thì công dân có quyền “Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định”.

Vậy thì những thông tin nào trong 15 thông tin được lưu trong CSLD dân cư được xem là “bí mật cá nhân, bí mật gia đình?” Tình trạng hôn nhân, nhóm máu, tôn giáo có được xem là những bí mật cá nhân không? Và trong trường hợp công dân không cho phép cơ quan quản lý CSLD chia sẻ những thông tin thuộc “bí mật cá nhân, bí mật gia đình” thì có cách nào để kiểm soát?

Hàng ngày chúng ta thường được mời chào mua bảo hiểm, vay tiền ngân hàng, mua nhà đất, mua thẻ hội viên, … có lẽ sẽ rất bực mình là tại sao tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của mình lại lộ ra cho các doanh nghiệp bán hàng. Nay với Luật này và những thông tư hướng dẫn sẽ càng làm người dân băn khoăn hơn về những thông tin riêng tư của mình và khả năng bị quấy rầy càng cao hơn nữa.

Dữ liệu là chìa khóa của chuyển đổi số

Số liệu vừa được Microsoft công bố cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất đã dần nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu. 44% trong số 615 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất trên 15 thị trường trong khu vực khảo sát cho biết một trong KPI mà họ hiện sử dụng để đo lường mức độ thành công của chuyển đổi số là theo dõi cách dữ liệu được sử dụng như một tài sản vốn. Dữ liệu là nguồn nguyên liệu quý cho các giải pháp công nghệ về Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Nhận thức (Cognitive), Robot và Internet Vạn vật (IoT).

Nếu như vụ bán thông tin giữa Facebook và công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica không liên quan đến khả năng khuynh loát cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì Mark Zuckerberg không phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ và Facebook vẫn tiếp tục bán dữ liệu khách hàng cho các nhà quảng cáo.

Trung Quốc cũng cho phép các doanh nghiệp bán dữ liệu với điều kiện có sự đồng ý của khách hàng. Tuy nhiên, các cơ quan công quyền cả hai nước trên thì lại không được phép kiếm tiền trong việc sử dụng thông tin cá nhân của công dân.

Vả lại việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước phục vụ cho an toàn xã hội và quản lý hành chính mới là điều mà chính quyền cần tập trung đẩy mạnh, chứ không phải coi dữ liệu cá nhân là mỏ vàng rồi đào đem đi bán với giá rẻ như thế.