Tiềm năng du lịch
Những năm gần đây, du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Cụ thể, ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời kỳ mới. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam đón được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp của du lịch cho GDP trên 10%. Mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch có mức phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á và có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam cũng đã xây dựng những chính sách thu hút khách quốc tế ở các thị trường trọng điểm, trong đó có chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và cấp thị thực điện tử cho công dân của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những điều này đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng để du lịch có điều kiện phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, nhiệm vụ của ngành du lịch lữ hành trong thời gian tới là phải hội nhập và phát triển trong xu thế phát triển khoa học công nghệ thế giới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Chính vì sự tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực buộc các ngành đều phải đổi mới, trong đó có du lịch lữ hành. Việc cần nhanh chóng phát triển du lịch thông minh theo hướng số hóa với hỗ trợ của công nghệ, để cung cấp những dịch vụ tốt và thuận tiện nhất cho khách du lịch đang là nhu cầu bức thiết.
Thách thức mới
Ông Nguyễn Thế Trung |
Bước vào CMCN 4.0, trong khi các ngành khác là thách thức thì ngành du lịch được đánh giá là cơ hội để phát triển. Từ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho thấy: Xu hướng sử dụng dịch vụ trên Internet để ra quyết định cho chuyến đi và các hoạt động du lịch ngày càng gia tăng, hơn 40% các lệnh tìm kiếm du lịch trực tuyến được thực hiện từ điện thoại cầm tay, 66% đơn đặt hàng được đặt trực tuyến trong năm 2014 theo khảo sát của Resonance Consultancy. Các ứng dụng trên điện thoại thông minh như tìm địa điểm, đặt phương tiện đi lại, dịch vụ giải trí... đang dần thay thế các chức năng của bộ phận hướng dẫn khách hàng tại khách sạn.
Ngày nay, người ta thường sử dụng tiện ích của mạng xã hội và các trang web đánh giá tin tưởng vào các nội dung được đăng tải bởi bạn bè, người thân và thông tin truyền miệng. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển công nghệ số đã trở thành một yêu cầu bắt buộc trong ngành du lịch.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (2017), ngày nay, cuộc cách mạng mới đang hình thành gia tăng nhanh các dịch vụ cung cấp qua thiết bị di động. Các thiết bị di động cung cấp thông tin, dịch vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu riêng từng cá nhân do khả năng nắm bắt được hành vi, thị hiếu và đem lại trải nghiệm trước qua thực tế ảo. Hiện nay, với 4,9 tỉ người sử dụng điện thoại di động trên toàn thế giới và khoảng 2,7 tỉ người sử dụng mạng xã hội, dịch vụ số phổ biến qua giao diện di động và mạng xã hội đang cung cấp nhiều dịch vụ hơn và thay đổi cách chúng ta được phục vụ. Dự báo trong gần 2 năm tới, thị phần đặt dịch vụ trực tuyến sẽ bùng nổ, từ 9% lên khoảng 33%.
CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu ngành du lịch cần nhanh chóng phát triển theo hướng số hóa thành du lịch thông minh với hỗ trợ của công nghệ, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho khách thật hài lòng khi đến Việt Nam.
Vậy câu hỏi đặt ra trước mắt là: Làm thế nào để chủ động quản lý và phát triển du lịch trong CMCN 4.0?
Từ những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý Nhà nước, xã hội cũng như phương thức hoạt động của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ DTT đã đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao sự hiện diện của hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua việc kết hợp với các kênh truyền thông quảng bá tích hợp toàn ngành và bám sát sự phản hồi của thị trường.
Thứ hai, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thông qua tích hợp và minh bạch thông tin về điểm đến, lưu trú, lữ hành và nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp, địa phương và Trung ương.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế trong đầu tư du lịch thông qua chất lượng quy hoạch, phân tích hiệu quả đầu tư, quản lý hiệu năng bằng dữ liệu giám sát thường xuyên.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của Tổng cục Du lịch, liên hết các ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động nội bộ.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng tới tiêu chuẩn khu vực và quốc tế thông qua việc công bố nhu cầu nhân lực, hình ảnh của người làm du lịch có chất lượng để liên kết và thúc đẩy các hình thức đào tạo hiệu quả.
Thứ sáu, nâng cao giá trị văn hóa trong du lịch thông qua khởi tạo nhân rộng các mô hình thành công và chia sẻ cơ sở tri thức các kinh nghiệm tốt nhất.
Thứ bảy, nâng cao năng lực hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch thông qua chất lượng của quy hoạch, cung cấp các dịch vụ công tiện lợi và hỗ trợ tăng cường chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ tám, nâng cao năng lực ngành du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể và hiệu quả.
“Tóm lại để tiếp cận CMCN 4.0 du lịch cần nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực cạnh tranh để đưa ra bộ các kế hoạch chiến lược phù hợp. Trên cơ sở các kế hoạch chiến lược này, ứng dụng Công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, tạo môi trường du lịch thông minh. Nhưng chủ yếu vẫn là cần bắt đầu từ việc cơ bản nhất là số hóa dữ liệu” - ông Trung khẳng định.