Du học sinh Trung Quốc - Mục tiêu mới của Mỹ trong chiến tranh thương mại

VietTimes -- Đầu tiên là thương mại, sau đó đến công nghệ, và giờ là nhân tài. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu nhằm vào những nhân tài triển vọng nhất của Trung Quốc đang làm việc và học tập tại Mỹ, theo dõi những nhà nghiên cứu có quan hệ với Bắc Kinh và hạn chế thị thực sinh viên Trung Quốc.
Sinh viên Trugn Quốc theo học ở Mỹ trở thành mục tiêu mới trong thương chiến Mỹ-Trung (Ảnh: CNN)
Sinh viên Trugn Quốc theo học ở Mỹ trở thành mục tiêu mới trong thương chiến Mỹ-Trung (Ảnh: CNN)

Một số sinh viên tốt nghiệp và học giả của Trung Quốc nói với Bloomberg News rằng trong những tuần gần đây, họ nhận ra rằng môi trường việc làm và học thuật ở Mỹ ngày càng trở nên kém thân thiện. ĐH Emory hôm 16/5 đã sa thải 2 Giáo sư người Mỹ gốc Trung, và Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ra cảnh báo trong hôm đầu tuần này về rủi ro bị ngừng cấp thị thực đối với những du học sinh xin học tập ở Mỹ.

"Tôi rất lo lắng, hoang mang, thậm chí thấy buồn rầu vì cuộc xung đột không cần thiết này" - Liu Yuanli, cựu Giám đốc chương trình Sáng kiến Trung Quốc của ĐH Y Harvard và giờ là Hiệu trưởng một trường Đh Y ở Bắc Kinh, cho hay - "Hạn chế đối với giới học giả và sinh viên Trung Quốc là điều vô lý và đi ngược lại giá trị cốt lõi vốn giúp Mỹ trở thành một quốc gia vĩ đại".

Ông Liu là người tham gia vào chương trình đào tạo "Hàng nghìn Nhân tài" gây tranh cãi của Trung Quốc, được khởi động từ năm 2008 mà trong đó chính quyền Bắc Kinh khuyến khích nhân tài đi du học để sau đó trở về nước giúp phát triển kinh tế. Mới đây nhất, Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ vấn đề, khi Mỹ nêu quan ngại về chương trình này.

Sự ngờ vực tăng dần

Động thái mới của Mỹ đã cho thấy xung đột thương mại giữa nước này với Trung Quốc đã lên tới mức căng thẳng như thế nào, và đang làm thay đổi về cơ bản mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - từ chỗ dựa vào nhau để phát triển đến chỗ ngờ vực lẫn nhau. Việc Tổng thống Trump áp thuế với hàng hóa Trung quốc và Trung Quốc đáp trả bằng cách lập danh sách các tổ chức nước ngoài "không đáng tin" kể từ sau khi các vòng đàm phán thương mại sụp đổ đã khiến giới chuyên gia cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Giáo dục từ nhiều thập kỷ qua đã là một điểm mạnh trong hợp tác giữa hai quốc gia, khi mà lượng lớn sinh viên Trung Quốc lấp đầy chỗ trống trong các trường ĐH ở Mỹ, cùng lúc giúp nước Mỹ trở thành một trong những cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới. Trong năm ngoái, Mỹ tiếp nhận trên 360.000 sinh viên Trung Quốc - theo bản báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Mỹ đã chậm lại trong bối cảnh căng thẳng thương mại, với con số sinh viên tiếp nhận tăng 3,6% trong năm ngoái - tức gần một nửa mức tăng so với năm trước. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay, số lượng sinh viên Trung Quốc được Chính phủ bảo trợ bị Mỹ từ chối cấp thị thực đã tăng tới 13,5%, so với mức 3,2% cùng kỳ năm 2018 - theo dữ liệu mà Chính phủ Trung Quốc công bố mới đây.

Cấp mới thị thực giờ mất vài tháng

Việc làm mới thị thực sinh viên hàng năm trước đây chỉ mất khoảng 3 tuần thì giờ bị kéo dài nhiều tháng - theo một số sinh viên đang theo học lấy bằng Tiến sỹ ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Một trong số những sinh viên giấu tên này nói rằng, họ sẽ trở về nước sau khi tốt nghiệp, nhưng rất lo ngại về tình hình hiện nay sẽ cản trở ước mơ đó bởi tình trạng kiểm soát các học giả Trung Quốc hiện nay có thể kéo dài trong nhiều năm liền.

"Hành động của Mỹ đang khiến cho hoạt động trao đổi, hợp tác giáo dục Mỹ-Trung đóng băng" - Xu Yongji, Phó Giám đốc Cục Hợp tác và Trao đổi quốc tế, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho hay - "Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ sẽ sửa sai sớm nhất có thể, có thái độ tốt hơn, nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy hợp tác và trao đổi giáo dục song phương".

Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng chỉ trích cái mà họ cho là cáo buộc vô căn cứ của Mỹ cho rằng phía Trung Quốc có "các hoạt động do thám phi truyền thống". Bộ cảnh cảnh báo các sinh viên Trung Quốc về rủi ro khi đi du học ở Mỹ có thể bị từ chối cấp thị thực.

"Những người chủ trương cấm sinh viên và học giả Trung Quốc ở Mỹ có một suy nghĩ khác: Họ lo sợ rằng người Trung Quốc sẽ nắm được các công nghệ tiên tiến, và rằng Trung Quốc sẽ trở thành nước tiên phong" - tờ People's Daily của nhà nước Trung Quốc viết trong một bài xã luận đăng tải hôm 4/6 - "Số lượng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ giảm chắc chắn sẽ tạo cú sốc cho hệ thống giáo dục của Mỹ".

Nhiều nhà nghiên cứu bị sa thải

Nỗi lo vẫn không hề giảm bớt ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã thảo luận về vấn đề này với ông Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Argentina hồi năm ngoái. Dù kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, ông Trump đã xác nhận mong muốn của nước Mỹ được tiếp nhận sinh viên Trung Quốc, nhưng phía Nhà Trắng khẳng định rằng hai bên không thỏa thuận nào về vấn đề này.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia công bố năm 2017, chính quyền Trump tuyên bố rằng họ sẽ xem xét lại tiến trình cấp thị thực và cân nhắc việc hạn chế tiếp nhận sinh viên trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) đến từ một số nước nhất định, để đảm bảo rằng tài sản trí tuệ không bị chuyển sang cho các bên cạnh tranh khác. Tháng 6 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ hạn chế cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc đang theo học ngành khoa học và kỹ thuật.

Những động thái của chính quyền Trump được tiếp nối bằng hành động cụ thể, như của trường ĐH Emory, nơi đã sa thải một nhà nghiên cứu công nghệ gen có tên Li Xiao-jiang - một người thuộc chương trình "Hàng nghìn Nhân tài" của Trung Quốc. Tháng 4 vừa qua, 3 nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng bị sa thải khỏi Trung tâm Ung thư Anderson thuộc trường ĐH Texas, do có liên quan tới một cuộc điều tra cáo buộc lợi dụng nguồn vốn liên bang.

Nhưng cũng có một số trường cố gắng đi ngược lại xu hướng này, trong đó có trường ĐH Yale. Chủ tịch của trường, ông Peter Salovey, đã đưa ra cam kết chắc chắn rằng họ sẽ tiếp tục tiếp nhận nhân tài trong một bức thư mở công bố ngày 23/5 vừa qua. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó lên tiếng ủng hộ quan điểm của ông Salovey, nói rằng chương trình trao đổi văn hóa và nhân sự giữa hai nước "không nên bị chính trị hóa".

Việc thắt chặt cấp thị thực cho du học sinh khiến nhiều người lo lắng, hoang mang (Ảnh: AP)
Việc thắt chặt cấp thị thực cho du học sinh khiến nhiều người lo lắng, hoang mang (Ảnh: AP)

Nhân tài trở về nước

Trong khi việc thắt chặt cấp thị thực đối với sinh viên Trung Quốc có thể giúp bảo vệ các thành quả nghiên cứu của Mỹ, nó cũng có thể làm dấy lên làn sóng học giả Trung Quốc rời bỏ Mỹ để trở về quê hương. Một trong những trường hàng đầu của Trung Quốc, ĐH Tế Nam, cam kết sẽ tiếp nhận ông Li - người vừa bị ĐH Emory của Mỹ sa thải - cùng đội ngũ nghiên cứu của ông. Nhiều công ty Trung Quốc cũng cho hay họ sẵn sàng tiếp nhận các nhân tài trở về từ Thung lũng Sillicon.

"Đương nhiên chúng tôi rất vui khi tiếp nhận họ, nếu họ là những người mà chúng tôi cần" - ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Tập đoàn viễn thông Huawei, nói với Bloomberg hồi tuần trước.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng liên tiếp kêu gọi "sự đổi mới trong nước" trong các mảng công nghệ cốt lõi kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, từ đó Trung Quốc ra sức cải cách trong lĩnh vực giáo dục ở cấp học cao. Trong năm 2018, Mỹ đứng ở vị trí thứ 6 xét về Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) được công bố bởi các Viện nghiên cứu và và đại học, trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 17.

"Không thể dựa vào nước Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới, và Trung Quốc đã nhận thức được điều đó từ lâu" - Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Mỹ-Trung thuộc ĐH Josef Korbel, nhận định - "Trung Quốc không có lựa chọn nào tốt hơn là phải tự phát triển các nhân tài trong lĩnh công nghệ cao".