Dự án đường ống nước Sông Đà 2: Sốt ruột... vẫn phải chờ quy trình!

Tiếp tục trễ “hứa” về thời gian hoàn thành tuyến đường ống nước sạch Sông Đà số 2, Vinaconex lại tiếp tục “hứa” đến giữa năm 2016 có thể hoàn thành. Sẽ phải đầu tư khoảng 4.850 tỷ đồng với tổng mức cung cấp nước 300.000m3/ngày đêm...
Tuyến đường ống nước sạch Sông Đà 1 đã vỡ nhiều lần trong thời gian qua.
Tuyến đường ống nước sạch Sông Đà 1 đã vỡ nhiều lần trong thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên tại buổi giao ban thành ủy Hà Nội chiều 5/5, ông Nguyễn Văn Tốn,  Tổng giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex khẳng định dự án đường ống nước sạch Sông Đà thứ 2 là rất cấp bách, làm càng nhanh càng tốt để có thể cấp nước cho người dân Hà Nội. Vì thế, Công ty đã có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ để xin cơ chế đặc thù, nhưng do không được chấp nhận nên Công ty đã phải triển khai thủ tục đầu tư theo quy định đầu tư của Nhà nước.

“Mặc dù phía công ty đã thu xếp được nguồn vốn, kể cả vốn tự có và vốn vay thương mại, nhưng Nhà nước vẫn giữ 51% nguồn vốn của Vinaconex nên chúng tôi vẫn phải làm theo đúng trình tự, quy chế đầu tư theo đúng Luật Đầu tư, quy chế đấu thầu theo Luật Đấu thầu và xây dựng theo Luật Xây dựng”, ông Tốn trình bày.

Cũng theo ông Tốn, hiện nay Vinaconex đã khảo sát xây dựng và đang tiến hành thiết kế kỹ thuật. Theo Luật Xây dựng, sau khi thiết kế kỹ thuật xong Công ty phải trình Bộ Xây dựng để thẩm tra, thẩm định. Sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt thì Công ty mới ban hành các hồ sơ mời các nhà thầu thi công, lắp đặt các ống, phụ kiện.

Với việc lựa chọn vật liệu ống gang dẻo, đường kính 1,8m thì các doanh nghiệp trong nước không sản xuất được mà phải mua từ nước ngoài. Do đó, còn phải tiến hành xây dựng hồ sơ mời thầu cung cấp vật tư thiết bị phục vụ đầu tư tuyến ống theo hình thức đấu thầu quốc tế.

“Sau khi Công ty hoàn thành thiết kế kỹ thuật vào tháng 6 này thì Công ty sẽ trình lên Bộ Xây dựng thẩm tra, thẩm định, dự kiến trong khoảng thời gian 15 đến 30 ngày thì chúng tôi sẽ phát hành hồ sơ thầu, đấu thầu nhà thầu thi công… Dự kiến, tháng 8/2015 sẽ thi công. Trước kia làm đường ống bằng ống thép còn phải hàn nên mất thời gian thi công lâu, còn với ống gang dẻo thì công ty dồn hết tốc lực để thi công xong trong vòng 6 tháng”, ông Tốn cho biết thêm.

Ông Tốn tỏ ra rất thông cảm với việc người dân rất sốt ruột về dự án này nhưng với những lý do trên thì chủ đầu tư cũng chỉ biết cố gắng hết sức mình, còn thời gian thực hiện không thể nhanh hơn mà phải làm theo quy trình thủ tục.

“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Công ty mong muốn được các Bộ, ban, ngành tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ trong việc xử lý các thủ tục, hồ sơ, giấy phép cho việc đầu tư, thi công, lắp đặt”, ông Tốn bày tỏ.

Nói rõ thêm, ông Thân Thế Hà, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex nhấn mạnh, do đường ống được chọn làm bằng ống gang dẻo có đường kính 1,8m nên phải chờ đối tác nước ngoài sản xuất, ít nhất mất khoảng 4 tháng. Vì thế, nếu cộng các khoảng thời gian lại thì khoảng tháng 6 đến tháng 8 năm 2016, hy vọng dự án có thể đi vào vận hành.

Liên quan đến chi phí đầu tư tuyến ống nước sông Đà số 2 này, ông Hà cho biết sẽ phải đầu tư khoảng 4.850 tỷ đồng với tổng mức cung cấp nước 300.000m3/ngày đêm.

“Phân kỳ 1 thực hiện là 21km, từ Quốc lộ 21 về đường vành đai 3. Phân kỳ 1 của giai đoạn 2 này sẽ hỗ trợ cho đường ống số 1 nếu có có sự cố xảy ra. Tổng mức đầu tư cho phân kỳ 1 giai đoạn 2 này là khoảng 1.200 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 1 (2004-2005) Công ty cũng phải đầu tư khoảng 1.553 tỷ đồng, toàn bộ là vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại, chứ không có vốn ngân sách nên áp lực tài chính đối với Công ty cũng rất lớn”, ông Hà nói thêm.

Trước câu hỏi vì sao cứ phải trông chờ vào Vinaconex mà không giao cho chủ đầu tư khác thực hiện, đại diện Bộ Xây dựng cho hay, theo quy định, không có ngân sách cấp đầu tư cho lĩnh vực cấp nước vì đây là lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Vì thế, lĩnh vực này chỉ có nguồn vốn xã hội hóa.

Cách đây 2 năm, khi tuyên truyền dự án Chính phủ cũng đã giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư dự án với 2 giai đoạn. Năm 2013, năng lực hiện tại của nhà máy nước Sông Đà là chưa tiêu thụ hết nhưng đến năm 2014 thì đã không cấp đủ nước cho Hà Nội. Theo quy hoạch cấp nước giai đoạn 2015 – 2020 thì năm 2020 nhà máy nước Sông Đà mới làm giai đoạn 2.

“Như vậy, Vinaconex hay Viwasupco hay Công ty Nước sạch Hà Nội làm chủ đầu tư thì cũng phải tuân thủ theo các luật, nếu có chuyển cho Hà Nội thì cũng phải thực hiện theo đúng những trình tự thủ tục và Hà Nội cũng phải đi huy động vốn, kêu gọi đầu tư của các doanh  nghiệp. Hà Nội cũng rất sốt ruột, Thành phố đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo với các đơn vị để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Vinaconex, Viwasupco thực hiện dự án. Còn Sở Xây dựng cũng thường xuyên giám sát tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư”, đại diện Sở Xây dựng cho hay.

Theo Infonet