Dư âm ngày thành lập ngành ngoại giao 28.8: Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và nền kinh tế thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Mồng Một Tết năm 1980, tôi đến thăm Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, và thấy ông đang đọc cuốn "Kinh tế học" bằng tiếng Anh, chủ yếu nói về kinh tế thị trường", nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên kể lại.
Cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh Sứ quán VN tại Mỹ.
Cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh Sứ quán VN tại Mỹ.

Có một câu chuyện mà nhiều phóng viên nghe thấy, và không chỉ một lần. Đó là chuyện nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể về chuyện ông được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế giữa những năm ‘80.

Câu chuyện của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Lúc đó, Bộ Ngoại giao có ý định phân công ông làm Vụ trưởng Vụ Liên Xô – Đông Âu, vì ông Vụ trưởng chuẩn bị đi nước ngoài làm Đại sứ. Đến 5 giờ chiều, đột nhiên Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gọi ông Vũ Khoan lên, và giao nhiệm vụ làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế.

Ông Vũ Khoan ngỡ ngàng: “Tôi có biết gì mấy về kinh tế đâu. Vả lại, tôi còn bị điểm kém ở lớp bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho cán bộ ngoại giao.”

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch từ tốn trả lời: “Cậu đã trả lời không đúng ý thầy và bị điểm kém. Chứ cậu trả lời giống thầy như đa số những người khác, tôi đã không chọn.”

Từ đó, ông Vũ Khoan cùng anh em ở Vụ Tổng hợp Kinh tế đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm chống lạm phát của các nước trên thế giới, tình hình trong nước, để hiểu nguồn gốc của nạn lạm phát. Ông Vũ Khoan nhớ lại lạm phút lúc đó gần 800%, sau những sai lầm và bước đi không đồng bộ khi thực hiện chính sách giá – lương – tiền (9.1985).

“Tôi đã cùng anh em xuống các hợp tác xã, nhà máy, phiên chợ để hiểu rõ hơn tình hình thực tế của nước ta lúc bấy giờ; kết hợp những kiến thức thực tế trong nước và trên thế giới, giúp Bộ Ngoại giao đề xuất những giải pháp thích hợp…”, ông Vũ Khoan nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh Internet.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh Internet.

Theo GS-TS Vũ Dương Huân, vai trò của ngành ngoại giao phục vụ kinh tế lúc đó đặc biệt lớn, vì Việt Nam đang chịu cấm vận từ Mỹ và các nước phương Tây, phần lớn chỉ có các cán bộ ngoại giao mới có điều kiện đi nước ngoài, và học hỏi kinh nghiệm, hay kết nối các đối tác. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tận dụng những cơ hội này để giúp phục vụ cho phát triển kinh tế.

Ví dụ, ông đã mời về nước thường xuyên nhiều nhà khoa học Việt kiều như TS. Vũ Quang Việt, một nhà kinh tế gốc Việt, từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp quốc, hay TS. Nguyễn Hữu Động, chuyên gia bầu cử của Liên Hợp quốc, để đóng góp ý kiến, hỗ trợ công tác “ngoại giao phục vụ kinh tế”, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế thị trường khu vực và thế giới, thiết lập các mối quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ với các nước và đối tác quốc tế.

Tự mình nghiên cứu kinh tế thị trường và thuyết phục lãnh đạo cao cấp

Ngày 16-4-2021, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện , hiện đại” do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì. Cuộc tọa đàm này là một trong những sự kiện đóng góp vào việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch – 15-5-1921.

GS-TS Vũ Dương Huân. Ảnh Internet.

GS-TS Vũ Dương Huân. Ảnh Internet.

GS-TS Vũ Dương Huân, người cũng tham dự sự kiện này, kể với phóng viên Viettimes không phải về phần ngoại giao, vốn là điểm mà mọi người vẫn nghĩ là thế mạnh nhất của một Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông lại nói về phần về kinh tế.

“Những ưu điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã giúp đất nước huy động được toàn bộ nguồn lực để giành chiến thắng trong chiến tranh lại trở thành sức cản trong giai đoạn mới đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế thời hậu chiến”, GS-TS Vũ Dương Huân bắt đầu câu chuyện.

GS-TS Vũ Dương Huân nói tiếp, từ giữa những năm 1980, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, phương châm “Ngoại giao làm kinh tế” được chuyển thành “Ngoại giao phục vụ kinh tế” để nhấn mạnh vai trò của ngành Ngoại giao không phải là “dẫm chân” lên các ngành kinh tế, mà mở đường và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, công ty nhà nước trong việc thiết lập các quan hệ kinh tế đối ngoại…

Trong đó, bản thân Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn tự mình nghiên cứu về nền kinh tế thị trường, coi kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản, mà là kết quả phát triển của xã hội loài người. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rút ra những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường để có thể vận dụng cho việc phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể với Viettimes rằng mồng một Tết âm Lịch năm 1980, ông đến chúc Tết nhà tân Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (ông Nguyễn Cơ Thạch mới lên Bộ trưởng 1.1980). Ông Nguyễn Dy Niên thấy Bộ trưởng đang ngồi đọc sách với chai nước lọc trên bàn.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ảnh Huỳnh Phan.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ảnh Huỳnh Phan.

Ông Nguyễn Cơ Thạch vội khoe với ông Nguyễn Dy Niên: “Cuốn sách hay lắm cậu ạ, nói về kinh tế thị trường trên thế giới do hai nhà kinh tế học nổi tiếng viết. Mình nghĩ kiến thức trong cuốn này sẽ giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam.”

Ông Nguyễn Dy Niên cho biết, ông Nguyễn Cơ Thạch sau khi đọc xong và suy ngẫm những điều mà hai tác giả đã viết, so sánh với thực trạng của nền kinh tế bao cấp của Việt Nam, đã cho anh em trong Vụ Kinh tế và Trường Đại học Ngoại giao dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Kinh tế học”.

Theo GS-TS Vũ Dương Huân, nội dung cuốn sách với những điểm rất mới về xây dựng nền kinh tế thị trường đã được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch báo cáo với lãnh đạo cấp cao và phổ biến tới các cấp lãnh đạo - quản lý để xem xét, vận dụng những điểm tích cực và phù hợp của nền kinh tế thị trường vào việc xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam, vốn lúc đó đang chìm sâu vào cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp.

Ông Lương Văn Lý, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ và nguyên Phó PGĐ Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM, có nói với Viettimes rằng hồi những năm ’80 của thế kỷ trước, cứ vào TP HCM công tác là ông Nguyễn Cơ Thạch lại mang những nội dung trong cuốn “Kinh tế học” của Paul Samuelson và William Nordhaus ra nói chuyện và bàn luận. “Ông cứ say sưa nói với chúng tôi những điều các tác giả viết”, ông Lương Văn Lý nói.

GS - TS Vũ Dương Huân nói: “Một tư duy mới và hành động dũng cảm đi trước thời đại của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, bởi vì lúc đó có nhiều ý kiến phản biện, thậm chí họ coi ông là người ủng hộ đường lối kinh tế tư bản chủ nghĩa. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải nhiều lần thuyết trình cụ thể, chi tiết cho các nhà lãnh đạo, và cuối cùng đạt được nhận thức chung về xây dựng và phát triển “nền kinh tế thị trường nhiều thành phần”. Và điều này đã được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (12.1986) chấp nhận và đưa vào thực hiện trong công cuộc Đổi Mới. ”

Số phận của nền “kinh tế thị trường nhiều thành phần”

Cuốn "Kinh tế học" do Viện Quan hệ Quốc tế dịch năm 1989, in nội bộ. Ảnh Nguyễn Hồng Minh.

Cuốn "Kinh tế học" do Viện Quan hệ Quốc tế dịch năm 1989, in nội bộ. Ảnh Nguyễn Hồng Minh.

Cuốn sách “Kinh tế học”, chủ yếu viết về kinh tế thị trường, được Viện Quan hệ Quốc tế (nay đổi thành Học viện Ngoại giao) dịch ra rồi in vào năm 1989. GS- TS Nguyễn Hồng Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, nói với Viettimes rằng bản dịch đầu tiên rất có ý nghĩa, vì nó làm cho mọi người hiểu thế nào là kinh tế thị trường, vốn hết sức xa lạ với nền kinh tế quan liêu, bao cấp của Việt Nam. Ông nói: “Tuy nhiên, trong bản dịch, có một số thuật ngữ dịch vẫn chưa chính xác, vì đó là những thuật ngữ hoàn toàn mới.”

Đến năm 1997, bản dịch chính thức của NXB Chính trị Quốc gia mới ra đời, hoàn chỉnh hơn, thuật ngữ chính xác hơn. Thế nhưng, kể từ Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên “kinh tế thị trường” đã dần dần được áp dụng.

TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, nói với Viettimes rằng chính ông đã nêu ra thuật ngữ “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” để dễ dàng thuyết phục Tổng Bí thư Đỗ Mười chấp nhận “kinh tế thị trường”. Điều đó đã làm cho các nhà lý luận, nhất là những người trong Hội đồng Lý luận Trung ương, phải dày công suy nghĩ để lý giải về mặt lý luận “nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” là gì.

Hơn nữa, trên mặt trận thương mại, Việt Nam luôn phải đấu tranh với nước khác để được họ công nhận là nền kinh tế thị trường, một khái niệm khá dễ hiểu mà cả thế giới đều dùng. Ví dụ, hiện nay mới có hơn 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng, rất tiếc, những đối tác thương mại hàng đầu như Mỹ, hay Liên minh châu Âu, lại chưa.

Đặc biệt, vì định nghĩa “nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” vẫn chưa rõ ràng qua 30 năm, nên từng thủ tướng, theo cách hiểu và lợi ích của mình, đã xây dựng và dựa vào hệ thống doanh nghiệp như vậy. Đã có thời Việt Nam dựa quá sâu vào doanh nghiệp nhà nước, thậm chí còn xây dựng các tập đoàn kinh tế to đùng, hoạt động trong nhiều ngành nghề mà mình không nắm vững chuyên môn, và gây ra thất thoát cực lớn cho ngân sách quốc gia.

Ông Lương Văn Lý, nguyên Phó GĐ Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM. Ảnh Huỳnh Phan.

Ông Lương Văn Lý, nguyên Phó GĐ Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM. Ảnh Huỳnh Phan.

“Giá mà ông Nguyễn Cơ Thạch mà còn làm tiếp tục ở Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam, có lẽ nền kinh tế thị trường sẽ đi đúng hướng mà nó phải đi, bởi ông đã nghiền ngẫm, hiểu rất rõ nó. Hơn nữa, tính ông quyết đoán, có khả năng thuyết phục được các lãnh đạo chóp bu”, ông Lương Văn Lý tự nhiên lại mơ mộng.