Đột phá trong nghiên cứu virus corona: Các nhà khoa học Mỹ tạo thành công bản đồ phân tử 3D của COVID-19

Bản đồ mô hình 3D này giúp ích rất nhiều cho việc phát triển vaccine, tạo ra kháng thể để điều trị và chẩn đoán.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo SCMP, trong ngày hôm qua (19/2), các nhà khoa học Mỹ cho biết đã tạo được bản đồ phân tử 3D của virus corona chủng mới (COVID-19). Đây được coi là một bước quan trọng trong việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị bệnh viêm phổi do virus này gây ra.

Hiện tại, COVID-19 đã khiến hơn 2.000 người tử vong và hơn 75.000 người xác nhận dương tính với bệnh kể từ ca mắc bệnh đầu tiên được phát hiện vào hồi tháng 12 năm ngoái.

Đội ngũ các nhà nghiên cứu từ Đại học Texas tại Austin và Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã tìm hiểu những đoạn mã gen của virus do phía Trung Quốc cung cấp và dùng nó để phát triển một mẫu của phần "protein dằm".

Phần protein này có trong màng bọc của virus corona và được chúng sử dụng để xâm nhập tế bào của vật chủ trong quá trình lây nhiễm. Xác định protein dằm giúp ích rất nhiều cho việc phát triển vaccine, kháng thể để điều trị và chẩn đoán.

Các nhà nghiên cứu đã dùng công nghệ hiện đại có tên kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh để vẽ lại hình ảnh virus và công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí Science.

Bản đồ protein 3D của virus COVID-19. Ảnh: SCMP
Bản đồ protein 3D của virus COVID-19. Ảnh: SCMP

"Những dằm protein này là những kháng nguyên mà chúng tôi muốn đưa vào cơ thể người để hệ miễn dịch của người tạo ra kháng thể chống lại chúng. Một khi virus thực sự xuất hiện, hệ miễn dịch của người sẽ có chuẩn bị sẵn sàng để đề kháng," Jason McLellan, nhà khoa học dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas, cho hay.

Ông cho biết ông và các đồng nghiệp đã giành nhiều thời gian nghiên cứu các virus corona khác, bao gồm SARS và MERS. Điều đó đã giúp họ phát triển được phương pháp giữ cho các protein dằm ổn định.

NIH cho rằng protein dằm mà nhóm này tạo ra có tiềm năng trở thành vaccine cho COVID-19.

Nhóm nghiên cứu đang gửi bản đồ cấu trúc phân tử tới các phòng thí nghiệm khác trên khắp thế giới để các nhà khoa học tạo ra những phản ứng đề kháng mạnh hơn.

Mô hình này có thể sẽ giúp các nhà khoa học phát triển protein mới để bám vào những phần khác nhau của protein dằm và ngăn chúng hoạt động, điều trị những phần đã bị lây nhiễm.

Benjamin Neuman tại Đại học A&M-Texarkana, một nhà virus học không tham gia vào công trình nghiên cứu nói trên, chia sẻ: "Đây là cấu trúc đẹp và rõ ràng về một trong những protein quan trọng nhất ở chủng virus corona. Có thể nói nghiên cứu là sự đột phá trong sự hiểu biết về cách thức virus corona tìm đường xâm nhập các tế bào".

"Cấu trúc này cho thấy mặc dù protein dằm được tạo ra từ 3 loại protein giống nhau, nhưng 1 loại cong hơn so với số còn lại và cho phép virus có tầm tiếp cận dài hơn," ông nói.

Một điểm hữu ích khác của bản đồ này là nó chỉ ra kích thước và vị trí của chuỗi phân tử đường mà virus dùng để tránh bị hệ miễn dịch của người phát hiện.

Kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh là phương pháp sử dụng các tia electron để kiểm tra cấu trúc phân tử của các phân tử sinh học được đông lạnh. Ba nhà khoa học phát triển kĩ thuật này đã được trao giải Nobel Hóa học năm 2017.

Theo Trí thức trẻ