Động thái lạ: Báo Đài Loan nói Bà Thái Anh Văn đã chuẩn bị cho việc từ bỏ đảo Ba Bình

VietTimes --  Bà Thái Anh Văn, và Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan cũng đã từ chối tham gia chuyến đi trái phép tới đảo Ba Bình lần này. 
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: UDN Đài Loan.
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: UDN Đài Loan.

7 nghị sĩ Đài Loan đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình của Việt Nam

Theo báo chí Đài Loan ngày 20/7, 7 ủy viên lập pháp (nghị sĩ Quốc hội) Đài Loan gồm 4 người của Đảng Quốc Dân và 3 người của Đảng Dân Tiến vào ngày 20/7 đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để tuyên bố cái gọi là "chủ quyền".

Mặc dù vậy, tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 20/7 khẳng định số nghị sĩ Đài Loan đến đảo Ba Bình trái phép là 8 người. Tháp tùng các nghị sĩ này chỉ có 1 viên Thượng tá, trong khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn không đi theo, bị đảng đối lập (Đảng Quốc Dân) phê phán.

Theo tiết lộ của tờ Chinatimes Đài Loan, chiều ngày 19/7, các nghị sĩ này đã đến căn cứ không quân Bình Đông, sáng ngày 20/7 được máy bay vận tải C-130 chở đến đảo Ba Bình. Họ đã ở lại đảo Ba Bình trong thời gian 140 phút.

Các hoạt động phi pháp trên đảo Ba Bình của các nghị sĩ Đài Loan này gồm đến trung tâm “Bộ chỉ huy” xem tin vắn, xem tập luyện "sẵn sàng chiến đấu" (vận hành pháo), thăm các công trình như thiết bị điện năng lượng mặt trời, trạm vệ tinh thông tin, trạm khí tượng hải quân và công viên văn hóa, ăn cơm trưa trên đảo. Chiều tối, máy bay đưa họ quay trở về Đài Loan.

Tờ Liên hợp Đài Loan cho biết, phe Lục (chủ trương Đài Loan độc lập, trong đó có Đảng Dân Tiến) luôn lấy lý do hiện nay đến đảo Ba Bình là không đúng lúc và sẽ ảnh hưởng đến vận chuyển tiếp tế, thực ra là họ không muốn đến đảo Ba Bình. Nhưng, cuối cùng phe Lục sợ "khó xử", đã cử 3 nghị sĩ cùng đi.

Các nghị sĩ Đảng Dân Tiến Đài Loan chụp ảnh trước khi lên máy bay đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình của Việt Nam. Ảnh: Báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.
Các nghị sĩ Đài Loan đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình của Việt Nam. Ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.

Về việc người của Đảng Dân Tiến cho rằng đi đảo Ba Bình (trái phép - PV) vào thời điểm này là quá nhạy cảm, nghị sĩ Giang Khải Thần của Đảng Quốc Dân đã ngang nhiên xuyên tạc đảo Ba Bình (Việt Nam) là "lãnh thổ" Đài Loan và ám chỉ cần đi để "lên tiếng".

Bộ trưởng quốc phòng Phùng Thế Khoan cũng từ chối

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan đã từ chối tham gia chuyến đi trái phép tới đảo Ba Bình lần này. 

Tháng trước, ở Viện Lập pháp (Quốc hội) Đài Loan, khi trả lời chất vấn, ông Phùng Thế Khoan cho biết chỉ cần Giang Khải Thần sắp xếp chuyến đi thì ông sẽ cùng đi. Đến nay, ông Phùng Thế Khoan đã từ chối đi theo. 

Một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất ở Đài Loan cho biết, có 69% người được hỏi vẫn đòi hỏi cái gọi là "chủ quyền" của Đài Loan ở đảo Ba Bình và vùng biển xung quanh. Tuy nhiên, có 1,7% người được hỏi cho rằng đảo Ba Bình cách Đài Loan quá xa, rất khó giữ được, không bằng từ bỏ.

Ngoài ra, có 62% người được hỏi cho rằng bà Thái Anh Văn cần đích thân đến đảo Ba Bình một cách trái phép, còn 8% người không tán thành.

Ngày 19/7, khi được phỏng vấn, người phát ngôn Viện Hành chính Đài Loan Đồng Chấn Nguyên cho biết "không loại trừ" khả năng Tổng thống Thái Anh Văn và người đứng đầu Viện Hành pháp (Thủ tướng) Lâm Toàn đến đảo Ba Bình. 

Ngày 19/7 ngoài tiếp tục xuyên tạc chủ quyền của Đài Loan ở đảo Ba Bình, người phát ngôn Viện Hành chính Đài Loan Đồng Chấn Nguyên còn cho biết "không loại trừ khả năng (lãnh đạo Đài Loan) đến đảo Ba Bình, nhưng hiện nay chưa có kế hoạch".

Theo Đồng Chấn Nguyên, binh sĩ Lực lượng tuần duyên Đài Loan thường trú (bất hợp pháp) trên đảo Ba Bình là để tiếp tục tuyến bố cái gọi là "chủ quyền". 

Ngoài ra, theo tờ Liên hợp Đài Loan, ngày 19/7, bà Thái Anh Văn đã tổ chức hội nghị cấp cao về an ninh quốc gia đầu tiên sau khi bà lên nắm quyền, bà tiếp tục nhấn mạnh yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp ở Biển Đông. 

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Đài Loan cho hay, Đài Loan sẽ áp dụng 5 biện pháp, bao gồm bảo vệ quyền đánh bắt cá, đàm phán đa phương, hợp tác khoa học, cứu trợ nhân đạo và khuyến khích nhân tài nghiên cứu luật biển.

Ngày 20/7, ngư dân cảng đông ở Bình Đông, Đài Loan đã lên đường đến đảo Ba Bình cũng nhằm mục đích tuyên bố cái gọi là "chủ quyền", nhưng họ đã gặp một số khó khăn. 

Các nghị sĩ Đảng Dân Tiến Đài Loan chụp ảnh trước khi lên máy bay đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình của Việt Nam. Ảnh: Báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.
Các nghị sĩ Đảng Dân Tiến Đài Loan chụp ảnh trước khi lên máy bay đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình của Việt Nam. Ảnh: Báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.

Theo tờ Liên hợp vãn báo, tàu Hải Cát Lợi của ông Trịnh Xuân Trung - người phát động chuyến đi này do thuộc tàu vận chuyển cá tươi, nên trước khi rời cảng đã gặp khó khăn, bị "nhắc nhở" có thể sẽ bị thu hồi giấy phép. 

5 tàu cá ban đầu quyết định tham gia, nhưng sau đó đã bỏ cuộc. Vì vậy chỉ còn lại 5 tàu cá xác định tham gia hoạt động phi pháp này.

Ủy viên lập pháp La Trí Chính thuộc Đảng Dân Tiến Đài Loan cho rằng nếu ngư dân đi đảo Ba Bình để xảy ra sự cố bất ngờ hay đối đầu sẽ chỉ làm cho tình hình căng thẳng thêm. 

Tờ Liên hợp Đài Loan ngày 19/7 cho rằng bà Thái Anh Văn đến từ Bình Đông, nhưng không hưởng ứng tích cực đối với hành động của ngư dân cảng đông của Bình Đông, không hề đưa ra tuyên bố điều tàu chiến đi theo để bảo vệ hoặc cho biết binh sĩ đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình sẽ tiếp đón long trọng họ. 

Bài báo viết: "Sự bị động này giống như đã làm tốt chuẩn bị pháp lý cho việc từ bỏ đảo Ba Bình. Điều này sẽ trở thành một cọng rơm cuối cùng làm sụp đổ quan hệ hai bờ. Trong khi đó, việc từ bỏ đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Ba Bình có lẽ là dấu ấn duy nhất có thể lưu lại của chính quyền Thái Anh Văn trong sự kiện này".