Donald Trump tố Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ, đối đầu châu Âu trong thỏa thuận hạt nhân Iran

VietTimes -- Ngày 26.09.2018, Theo USA Today, tổng thống Donald Trump lần đầu tiên cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ như một thủ đoạn nhằm vô hiệu hóa những chính sách thương mại cứng rắn của ông trong cuộc đấu tranh chống lại nền kinh tế xuất khẩu Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc. Ảnh minh họa từ tài khoản @realDonaldTrump
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc. Ảnh minh họa từ tài khoản @realDonaldTrump

"Rất tiếc là chúng tôi phát hiện được Trung Quốc đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới giữa nhiệm kỳ 2018 của Mỹ, diễn ra vào tháng 11 nhằm chống lại chính quyền do tôi lãnh đạo", ông Trump phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

"Trung Quốc không muốn tôi hoặc chúng tôi giành chiến thắng vì tôi là tổng thống đầu tiên của Mỹ đặt ra những thách thức với Trung Quốc về thương mại", ông nói thêm.

Ông Trump không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào về sự can thiệp của Trung Quốc, nhưng trên tài khoản Twitter, ông đăng tải 4 bức ảnh trang quảng cáo ngày 23.09.2018 trên tờ Des Moines (Iowa) Register. Trang này thuộc sở hữu của Gannett, cùng là công ty sở hữu USA TODAY.

Những quảng cáo, được cho là minh chứng cho sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Ảnh từ tài khoản @realDonaldTrump
 Những quảng cáo, được cho là minh chứng cho sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Ảnh từ tài khoản @realDonaldTrump

"Trung Quốc đang thực sự tiến hành quảng cáo trên trang Đăng ký Des Moines và các ấn phẩm truyền thông khác, nội dung giống như một tin tức", ông Trump viết (tweet) trên tài khoản của mình. "Nguyên nhân vì chúng tôi đang đánh bại họ trong lĩnh vực thương mại, mở cửa thị trường, những người nông dân sẽ tăng nguồn thu nhập khi những chính sách kinh tế chống Trung Quốc kết thúc!"

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 24.09.2018 cho biết, Trung Quốc đã can thiệp vào chính trường Mỹ nhiều hơn là trong mục quảng cáo. Quan chức không được nêu tên trong bài viết cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng hàng loạt công cụ công khai và bí mật nhằm phá hoại chương trình thương mại của chính quyền Donald Trump, nhưng không đưa ra những chi tiết cụ thể của các kế hoạch này.

Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 24.09.2018, tổng thống Trump không đề cập đến cái gọi là “chiến dịch rộng lớn và đang diễn ra của Nga” nhằm phá hoại cuộc bầu cử Mỹ. Nga và Trung Quốc đều là thành viên của Hội đồng Bảo an và có đại diện tại phiên làm việc trong phòng họp khi ông Trump đưa ra những tuyên bố này. 

Mặc dù chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự cuộc họp ngày 24.09.2018, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, lập tức bác bỏ những cáo buộc của ông Trump về việc việc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

"Chúng tôi không và sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào", ông Vương Nghị nói, Chúng tôi không thể chấp nhận những cáo buộc không có cơ sở chính đáng chống Trung Quốc".

Lời cáo buộc đưa ra khi tổng thống Donald Trump chủ trì cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên lần đầu tiên - trong bối cảnh căng thẳng giữa Trump và các lãnh đạo khác của thế giới trong phương thức tiếp cận của ông "nước Mỹ là trên hết" trong chính sách đối ngoại và chỉ trích gay gắt các tổ chức quốc tế. 

Rạn nứt trong mối quan hệ quốc tế được thấy rõ nét nhất khi các lãnh đạo thế giới khác sử dụng ngay chính diễn đàn để chỉ trích quan điểm của ông Trump về việc đặt chủ quyền quốc gia lên chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các vấn đề quốc tế.

Donald Trump sử dụng diễn đàn Hội đồng Bảo an để kêu gọi chiến dịch trừng phạt các nước sử dụng và phát triển vũ khí hủy diệt lớn, ông gọi đây là “vấn đề có tầm quan trọng cấp bách." Đúng như dự đoán, ông Trump đã hướng những nhận xét sắc nhọn nhất cho Iran, lên án Thỏa thuận đa phương năm 2015, có mục đích ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận này có sự đóng góp và tham gia của các cường quốc đang ngồi trong phòng họp, bao gồm Pháp và Anh.

Tổng thống Trump quyết định nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đầu năm 2018, ông sử dụng phiên họp của Hội đồng Bảo an để biện minh cho động thái này, khi các nước tham gia hiệp ước đang tìm cách cứu vãn mặc dù Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận này.

"Thỏa thuận khủng khiếp từ một phía này cho phép Iran tiếp tục con đường phát triển vũ khí hạt nhân", ông Trump truyên bố và khẳng định thỏa thuận này đã cho chế độ Iran "một dòng tiền sống còn khi chế độ này cần nó nhất". Do thỏa thuận đã được ký kết, ông Trump khẳng định rằng, sự hiếu chiến của Iran trên toàn thế giới "chỉ tăng lên".

Một số thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có thủ tướng Anh Theresa May, quyết liệt bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và chỉ trích Mỹ dù không nêu đích danh ông Trump, đã rời bỏ như một bên tham gia thỏa thuận này. 

Bà May cho rằng, thỏa thuận này " là phương tiện tốt nhất" ngăn chăn Iran đạt được hiệu quả trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Bà cũng tuyên bố Anh "đã cam kết " bảo vệ và tuân thủ thỏa thuận này ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ.

Bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển, Margot Wallstrom thẳng thừng hơn. Bà nói: Quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran "làm suy yếu những nỗ lực của các quốc gia không phổ biến vũ khí hủy diệt lớn ở những nơi khác".

"Giải pháp thay thế là gì?" bà Wallstrom hỏi. Trong khi vai trò Iran gây bất ổn ở Trung Đông đang là một vấn đề lớn, bà nói. "Những vấn đề này có thể và cần phải giải quyết một cách riêng biệt và không phải bằng việc phá hủy JCPOA (hiệp ước đa phương hạt nhân Iran). 

Các lãnh đạo thế giới khác đã nhắc lại lập luận đó và đưa ra nhiều tuyên bố chỉ chích chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổng thống Bolivia, Evo Morales Ayma, đặc biệt gay gắt - cáo buộc Mỹ có lịch sử lâu dài can thiệp nội bộ các quốc gia có chủ quyền khác. Ông cũng nhắc lại với Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc về vai trò chính của Mỹ trong cuộc đảo chính năm 1979 tại Iran. 

Ông Ayma nói: "Năm 1953, Mỹ tài trợ, lên kế hoạch và thực hiện một cuộc đảo chính chống lại một chính phủ hợp pháp" ở Iran. Sau đó, trong nhiều thập kỷ, Mỹ hậu thuẫn cho một chính phủ ủy nhiệm (bù nhìn)", cho phép các công ty năng lượng toàn cầu của Mỹ khai thác dầu của Iran cho lợi nhuận của các tập đoàn này.

Theo ông, hiện nay Iran "một lần nữa là nạn nhân một cuộc bao vây mới của Mỹ", tổng thống Bolivia khẳng đinh. Ông lên án Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran, cho rằng Mỹ "phía sau của lý do rút khỏi hiệp ước hạt nhân Iran là tiếp tục chính sách can thiệp vào những vấn đề nội bộ Iran". 

Ông Trump đã không đáp trả những lời chỉ trích từ phía đại diện các quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, được coi như là một sự đồng thuận và hợp tác ngoại giao. Một số chuyên gia chính trị đối ngoại nước ngoài quan ngại, cuộc họp có thể trở thành một cuộc đối đầu căng thẳng trong tương lai nếu ông Trump không giữ được sự tỉnh táo hoặc đi quá xa trong cuộc chiến phối hợp với Israel chống Iran.

Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Video AP