Donald Trump “luôn bắn trúng đích”, chứng tỏ là cao thủ nghệ thuật đánh và đàm

VietTimes -- Các đối thủ hầu như đều phải nhượng bộ trước những yêu cầu của tổng thống Donald Trump. Tỉ lệ thất nghiệp 3,9% là mức thấp nhất từ gần 20 năm nay, ngành công nghiệp Mỹ tạo thêm được nhiều việc làm, các hộ dân tin tưởng hơn vào sự phát triển kinh tế so với hồi ông Trump mới lên làm tổng thống.
Ông Donald Trump
Ông Donald Trump

Vị tổng thống Mỹ vốn gây rất nhiều tranh cãi đã khiến nhiều đối tác thương mại phải nhượng bộ. Kinh tế Mỹ cũng được củng cố vững chắc.

Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, Iran và Israel, tổng thống Mỹ Donald Trump bi cộng đồng quốc tế phản đối. Các tin nhắn Twitter giận dữ vào sáng sớm, tính cách thất thường khó đoán, sự cứng rắn của ông Trump khiến công chúng nhiều phen bàng hoàng. Những vụ cãi cọ với FBI và tư pháp khiến công luận phải đặt câu hỏi liệu Donald Trump có khả năng trụ đến hết nhiệm kỳ tổng thống hay không. Tuy nhiên, cách thức đàm phán của Donald Trump dường như đã «bắn trúng đích».

Phương pháp đàm phán đó đã từng được nhà tài phiệt bất động sản New York trình bày trong The Art of the Deal (Nghệ thuật đàm phán), cuốn sách ra mắt cách đây 30 năm và là cuốn sách bán chạy nhất trong suốt nhiều năm. Từ khi lên làm tổng thống Mỹ, ông Trump đã nhiều lần sử dụng phương pháp đàm phán này, nhất là với Triều Tiên. Nguyên thủ Mỹ nhiều lần đưa các đe dọa khủng khiếp nhất, gây áp lực ở mức cao nhất cho đối phương hoặc đối tác, rồi sau đó nói sẵn sàng đàm phán.

Về thương mại, chủ nhân Nhà Trắng đã ghi điểm. Ông Trump đã buộc Brazil, nhà cung cấp thép lớn thứ hai cho Mỹ, phải nhượng bộ. Hàn Quốc cũng đã phải lùi bước. Hiển nhiên, việc sở hữu ngân sách quốc phòng cao nhất toàn cầu (670 tỉ USD, nhiều hơn ngân sách quốc phòng của 7 nước xếp hạng sau Mỹ cộng lại) và có nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới (tổng thu nhập quốc nội 19.000 tỉ USD, gấp 1.5 lần so với Trung Quốc) là lợi thế của Mỹ. Steven Friedman, kinh tế gia người Mỹ của BNP Paribas AM, bình luận: «Đứng trước các nước nhỏ, Mỹ có nhiều đòn bẩy để thương lượng, nhưng đối mặt với các nước lớn như Trung Quốc, chắc chắn phải có nhiều hoạt động đàm phán dài hạn mới có thể đạt được thỏa thuận».

Tuy nhiên thực tế cho thấy, Washington và Bắc Kinh đã quay lại đàm phán hôm 18/5. Chính quyền Trump tuyên bố sẽ ra quyết định cuối cùng vào ngày 22/05. Nếu không đạt được thỏa thuận, Washington sẽ áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ với giá trị trên 50 tỉ USD. Chưa biết kết quả cuối cùng ra sao, nhưng rõ ràng Donald Trumpd đã thành công trong việc đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán về thiếu hụt cán cân thương mại với Mỹ.

Về châu Âu cho dù chỉ trích tổng thống, nhưng nhà kinh tế người Mỹ Steven Friedman cũng cho rằng ít nhất ông Trump cũng đã khuyến khích được Liên Hiệp châu Âu thảo luận về tác động của toàn cầu hóa tới nền kinh tế. Còn nhà kinh tế Florence Pisani của Candriam, đồng tác giả một cuốn sách về kinh tế Mỹ, nhận xét là chiến thuật đàm phán của ông Trump là đánh mạnh, rồi khoe thành tích với cử tri. Nhưng đó là một trò chơi nguy hiểm, vì nó tạo ra sự nghi ngờ và khiến nhiều dự án bị đình hoãn lại.

Nhiều chỉ số kinh tế tích cực dường như đã cho thấy những nghi vấn bi quan dường như là thiếu cơ sở. Tỉ lệ thất nghiệp 3,9% là mức thấp nhất từ gần 20 năm nay, ngành công nghiệp Mỹ tạo thêm được nhiều việc làm, các hộ dân tin tưởng hơn vào sự phát triển kinh tế so với hồi ông Trump mới lên làm tổng thống. Theo ngôn từ mà ông Trump dùng trên Twitter mới đây, «bất chấp các vụ săn phù thủy kinh khủng, bất hợp pháp và vô căn cứ» nhắm vào ông, 17 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump đạt kết quả tốt nhất so với các tổng thống tiền nhiệm trong lịch sử.

Nhưng theo nhà kinh tế Đức Christian Leuz, thuộc Đại học Chicago, thì «không có thay đổi lớn nào kể từ khi ông Trump nhậm chức. Tổng thống Obama đã để lại một nền kinh tế phát triển tốt, và vẫn còn quá sớm để nói rằng thành công có được là nhờ Donald Trump».

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận xét rằng di sản vững chắc đó có được là nhờ 10 năm chính sách tiền tệ hào phóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Cải cách thuế khóa cũng có tác động tích cực tới kinh tế Mỹ, chẳng hạn tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho phép một số tập đoàn như Apple chuyển về Mỹ hàng trăm tỉ USD lợi nhuận trước đây vẫn cất giữ ở nước ngoài. Nhưng theo chuyên gia Pisani, một cuộc điều tra mới đây của quỹ dự trữ liên bang ở Atlanta tiết lộ chỉ có dưới 10% doanh nghiệp dự tính đầu tư thêm, mặc dù được giảm thuế.

Liên quan tới các hộ gia đình, rất có thể họ phải đóng thêm thuế cho tiểu bang nơi họ sinh sống, cho dù thuế liên bang giảm. Mặc dù các kế hoạch cải tạo lớn vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng chi tiêu ngân sách mà Quốc hội Mỹ thông qua có thể sẽ tăng thêm 0,3% GDP. Kinh tế gia Steven Friedman cảnh báo việc tăng chi tiêu ngân sách nhà nước sẽ đẩy vị tổng thống kế nhiệm Donald Trump vào cảnh ngân sách thiếu hụt hơn 5% GDP và nợ nần tăng mạnh.

Báo Pháp Le Monde nhận định sẽ phải đợi đến cuối năm để có thể đo lường chính xác hiệu quả mà các biện pháp của tổng thống Trump mang lại. Nhưng có một điều cần nhớ là tại Mỹ, về chính sách đối ngoại hầu như mọi quyết định phải được Quốc hội thông qua. Gần như đã tồn tại một thỏa thuận giữa tổng thống Trump và các nghị sĩ Cộng hòa. Đó là để được chính quyền ủng hộ trong các vấn đề mà họ quan tâm, các nghị sĩ Cộng hòa buộc phải chấp nhận cung cách làm việc của ông Trump. Tuy nhiên, những bất đồng lớn về di dân và tự do mậu dịch, hay kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang khiến thỏa thuận này có nguy cơ tan vỡ.