Donald Trump khó lường, Triều Tiên liệu có lặp lại “kịch bản Libya”?

VietTimes -- Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định “khai tử” Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran, quan điểm của những nhân vật chủ chốt trong giới lãnh đạo ở Washington liên quan tới hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên đang đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu “kịch bản Libya” có lặp lại với chính quyền Bình Nhưỡng?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Sau những diễn biến đầy kịch tính và mâu thuẫn, rút cuôc Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo cuộc gặp lịch sử mặt đối mặt giữa ông với và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được tổ chức vào ngày 12/6/2018 ở Singapore. Do tính chất cực kỳ phức tạp kéo dài hơn nửa thế kỷ nay trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên nên giới phân tích đã dự báo nhiều kịch bản quan hệ giữa hai nước sau cuộc gặp lịch sử này, trong đó có một kịch bản thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận được Cố vấn an ninh quốc gia mới được bổ nhiệm của Tổng thống Mỹ, ông John Bolton, đưa ra và được gọi là “kịch bản Libya cho Triều Tiên”.

Nhìn lại những tuyên bố của ông Donald Trump về Triều Tiên

Ngày 2/1/2017, trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ không bao giờ được phép phát triển vũ khí hạt nhân.

Tháng 7/2017, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đe dọa “trút bão lửa và thịnh nộ” xuống Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Mỹ.

Trong tháng 9/2017, không chịu khuất phục trước tuyên bố đe dọa của Mỹ, Triều Tiên tiếp tục thử một tên lửa đạn đạo. Đặc biệt, ngày 3/9/2017 Triều Tiên tiến hành vụ thử thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo “đàm phán không phải là giải pháp" cho tình trạng bế tắc hiện nay giữa Washington và Bình Nhưỡng mặc dù không loại trừ một giải pháp ngoại giao.

Cũng trong tháng 9/2017, phát biểu tại Diễn đàn Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông Kim Jong-un đang “hành động tự sát” và đưa ra cảnh báo rằng nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”. Đáp lại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảnh báo rằng tổng thống Mỹ sẽ phải trả giá vì những lời đe dọa nhằm vào Triều Tiên. Ngày 21/9/2017, Mỹ công bố một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Trong thông điệp mừng năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết ông có “nút bấm hạt nhân” trên bàn làm việc của mình. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp trả rằng "nút bấm hạt nhân" của ông còn “lớn và mạnh hơn nhiều” nút bấm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tháng 2/2018, Thế vận hội Mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai tổ chức tại Pyeongchang tạo ra triển vọng cải thiện quan hệ Liên Triều. Trong khi đó, ngày 23/2/2018, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với Bình Nhưỡng, một động thái mà chính quyền của ông Kim Jong-un gọi là “hành động chiến tranh”.

Ngày 8/3/2018, Triều Tiên bất ngờ ra thông báo ông Kim Jong-un quyết định ngừng bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa nào và cho biết sẵn sàng mời Tổng thống Mỹ Donald Trump tới cuộc gặp thượng định Triều Tiên-Mỹ. Tổng thống Donald Trump đồng ý nhận lời mời này.

Đầu tháng 4/2018, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), ông Mike Pompeo-người vừa được đề cử vào vị trí Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, bí mật đến Bình Nhưỡng gặp ông Kim Jong-un để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Sau đó, ông Mike Pompeo thực hiện chuyến công du thứ hai tới Bình Nhưỡng và đạt được thỏa thuận Triều Tiên sẽ phóng thích 3 công dân Mỹ bị Bình Nhưỡng giam giữ về tội làm gián điệp. Nhân sự kiện này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn nhà lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ý hy vọng về một chiến thắng ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 10/5/2018, Tổng thống Donald Trump chính thức thông báo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sẽ được tổ chức ở Singapore.

Ngày 12/5/2018, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Triều Tiên tuyên bố sẽ phá bỏ khu vực thử hạt nhân trong các ngày từ 23 đến 25/5/2018 trước sự chứng kiến của giới báo chí quốc tế. Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh, đây là bước đi gần hơn tới việc thực hiện đề xuất do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều[1,2].

Liệu cuộc gặp Donald Trump-Kim Jong-un có mở đầu “kịch bản Libya” ở Triều Tiên?

Trước thềm cuộc gặp Donald Trump-Kim Jong-un ngày 12/6/2018, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ cho phép các doanh nghiệp nước này đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển nông nghiệp Triều Tiên để giải quyết vấn đề lương thực và nới lỏng các biện pháp trừng phạt với điều kiện Bình Nhưỡng phá hủy hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân.

Ngày 13/5/2018, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đưa ra tuyên bố nhấn mạnh, Triều Tiên chỉ có thể nhận được hỗ trợ kinh tế từ Mỹ nếu Bình Nhưỡng cam kết hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Theo ông, Triều Tiên sẽ trở thành một quốc gia bình thường, cư xử và quan hệ với phần còn lại của thế giới như cách mà Hàn Quốc đang làm sau khi họ hoàn toàn hủy bỏ vũ khí hạt nhân” [3] 

Tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton về nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên khiến dư luận liên tưởng tới kịch bản Libya mà ông là tác giả. Được biết, ông John Bolton là nhân vật diều hâu nhất trong giới tinh hoa chính trị ở Mỹ [4]. Năm 2000, khi đang làm việc trong Bộ ngoại giao Mỹ, John Bolton đã từng ngăn cản mọi nỗ lực của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ hồi đó là Collin Powell đối thoại với Triều Tiên. Năm 2003, với cương vị là Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ trang, ông John Bolton không chỉ là một trong những  tác giả của kịch bản “vũ khí hóa học của Iraq” đã từng dẫn tới cuộc chiến tranh xâm lược quốc gia này, mà còn là người tổ chức các cuộc đàm phán về việc hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí sát thương hàng loạt của Libya. Hồi đó, John Bolton là một trong những chính khách ở Mỹ đề nghị tiến hành chiến tranh để “loại bỏ tham vọng hạt nhân của Muammar Gaddafi”.  

Kết quả các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Libya là tháng 12/2003 Libya tuyên bố hoàn toàn từ bỏ chương trình phát triển vũ khí sát thương hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Libya. Năm 2004, toàn bộ thiết bị kỹ thuật và công nghệ hạt nhân của Libya được tháo dỡ và chuyển sang Mỹ.

Năm 2011, Mỹ và NATO phát động chiến dịch quân sự núp dưới chiêu bài thực hiện Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về “thiết lập vùng cấm bay” ở Libya và tiêu diệt nhà lãnh đạo nước này, ông Muammar Gaddafi.

Sau khi được bổ nhiệm vào cương vị Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton đề nghị áp dụng “kịch bản Libya” ở Triều Tiên, nghĩa là đề xuất với Triều Tiên hủy bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân. Trước đó, báo chí Mỹ đã từng đăng tải nội dung bài trả lời phỏng vấn của John Bolton, trong đó ông khẳng định, đề xuất giải pháp duy nhất cho Triều Tiên là hoàn toàn hủy bỏ chương trình sản xuất vũ khí sát thương hành loạt như Libya đã từng làm dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Theo ông John Bolton, cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-John Bolton nhằm đạt được mục đích này. Thậm chí, ông John Bolton cho rằng, cần gây sức ép buộc Triều Tiên phải hủy bỏ chương trình hạt nhân mà không cần phải đưa ra cam kết về một hiệp ước hòa bình hay viện trợ kinh tế. Ông John Bolton còn nói:“Họ (người Triều Tiên) cần phải cảm thấy vinh hạnh được gặp tổng thống Mỹ” [5,6]

John Bolton là người đã từng thể hiện quan điểm rất cực đoan đối với Triều Tiên khi ông đã nhiều lần đề nghị tấn công phủ đầu vào quốc gia này liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông cũng là người chủ trương sử dụng giải pháp quân sự cho vấn đề hạt nhân của Iran và vì thế ông được gán biệt hiệu “quả bom dành cho Iran” [7].

Vậy nên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định “khai tử” Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran bất chấp thỏa thuận này đã từng được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết công nhận, quan điểm của những nhân vật chủ chốt trong giới lãnh đạo ở Washington liên quan tới hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên đang đặt ra một câu hỏi lớn: liệu “kịch bản Libya” có lặp lại với chính quyền Bình Nhưỡng hay không ngay cả khi Mỹ đưa ra cam kết bảo đảm an ninh cho Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un sắp tới đây. Mà vào thời điểm này, những cam kết của Mỹ chỉ mới dừng lại ở việc giảm nhẹ các biện pháp cấm vận và viện trợ kinh tế còn rất xa với những yêu cầu của Triều Tiên. Tổng thống Nga V.Putin đã từng nhận định: “Triều Tiên thà ăn cỏ nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân” bởi đó là sự bảo đảm cho sự sống còn của chính họ [8]./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hành trình chông gai dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. https://baomoi.com/hanh-trinh-chong-gai-dan-den-hoi-nghi-thuong-dinh-my-trieu/c/26021467.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share

[2] Triều Tiên phá dỡ bãi thử hạt nhân vào cuối tháng 5. http://cand.com.vn/The-gioi-24h/Trieu-Tien-chinh-thuc-pha-do-bai-thu-hat-nhan-490719/

[3]Ngoại trưởng Mỹ ra điều kiện để giúp đỡ kinh tế Triều Tiên. https://baomoi.com/ngoai-truong-my-ra-dieu-kien-de-giup-do-kinh-te-trieu-tien/c/26021709.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share

[4] Reports Trump Selects Exxon Head Tillerson and Super Hawk Bolton for State Department Bye Bye Climate Hello War. http://rabble.ca/babble/international-news-and-politics/reports-trump-selects-exxon-head-tillerson-and-super-hawk-bol

[5]Разоружить в одностороннем порядке: возможно ли в КНДР повторение ливийского сценария. https://russian.rt.com/world/article/495811-korei-sammit-ssha-bolton

[6] John (“Bomb Iran”) Bolton, the New Warmonger in the White House. https://www.newyorker.com/news/news-desk/john-bomb-iran-bolton-the-new-warmonger-in-the-white-house

[7]Washington considers military action against North Korea to force “regime change”. https://freeukrainenow.org/2017/03/12/washington-considers-military-action-against-north-korea-to-force-regime-change/

[8] Putin: North Koreans 'will eat grass but will not give up nuclear programme'. https://www.independent.co.uk/news/world/asia/putin-north-korea-nuclear-programme-eat-grass-russia-president-test-missilies-icbm-a7930916.html