Đối thoại với nghệ sĩ Nguyễn Lương Sáng khi mở cửa “Biển đời”

VietTimes  – Một nghệ sĩ “đất lửa” Quảng Bình với những con số hàng chục triển lãm trong vòng 15 năm qua, song song với hành trình sáng tạo ấy là công việc giảng dạy vất vả của một giảng viên đại học và một cuộc sống riêng đầy thăng trầm. Điều gì nuôi dưỡng tâm hồn và nâng đỡ trong cuộc sống để người nghệ sĩ miền biển ấy có sức mạnh như vậy?
Triển lãm "Biển đời"
Triển lãm "Biển đời"

May mắn được trò chuyện với nghệ sĩ, giảng viên Nguyễn Lương Sáng khi triển lãm cá nhân của anh bắt đầu mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật, chúng tôi đã nhận được những lời chia sẻ chân thành. Anh hiện là Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội VHNT Quảng Bình; hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thạc sĩ Nguyễn Lương Sáng cũng đang là giảng viên - Trưởng bộ môn Mỹ thuật tại Trường Đại học Quảng Bình.

Cái giá phải trả cho lao động sáng tạo là sự cô đơn

- Một triển lãm solo luôn để lại dấu ấn riêng có của mỗi họa sĩ, ngay tại đây và ngay lúc này, Nguyễn Lương Sáng có thể cho biết tại sao anh lại chọn tên triển lãm như vậy? Anh muốn truyền tải thông điệp gì tới công chúng từ triển lãm này?

Khi đối diện và song hành với Biển trong hành trình sáng tạo, tôi nhận thấy Biển có đời sống vô cùng phong phú. Biển là khởi nguyên của mọi sự sống. Biển là tài nguyên, là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, là nguồn lợi, niềm vui hạnh phúc của người dân biển, là sự trong xanh mát lành cho những ai đắm chìm tận hưởng dòng nước, con sóng và ngọn gió nồm nam mát rượi…

Nhưng biển cũng là sự đấu tranh, giành giật, toan tính và những lo âu cuộc sống mưu sinh, là sự chờ đợi của người mẹ, người vợ, người con mỗi khi có người thân lênh trên đênh mưu sinh…

Biển còn mang trong mình vô số thứ và đưa theo trong hành trình di chuyển của mình. Biển mỗi ngày một khác, khi trong xanh bình yên, khi cuộn tròn tung sóng, biển là bão tố…

Và tôi nhận thấy cuộc đời con người cũng vậy, có thăng trầm, lênh đênh, có bến đỗ. Cuộc đời tôi có nhiều điểm giống đời biển nên tôi gọi là "Biển đời" như kể về cuộc đời tôi.

- "Biển đời" lần này của anh trưng bày bao nhiêu tác phẩm?

Triển lãm lần này trưng bày tổng số 21 tác phẩm (vô tình nhưng lại trúng với con số "thiêng" của tôi, khi tôi đi sưu tầm vật dụng ở Biển Thuận An- Huế, cũng có một chiếc phao có mã số 21, có lẽ đó là cái duyên). Trong đó, 18 tác phẩm hội họa sơn dầu, Acrylic và 3 tác phẩm sắp đặt từ vật dụng từ biển trôi vô, mảnh thuyền vỡ…

- Biển đời mông mênh thế đâu là điểm nhấn của "Biển đời", theo tư duy và cảm nghĩ của anh?

Đây là một câu chuyện riêng của cá nhân nhưng thể hiện trong xã hội đương đại nhiều vấn đề như nhân sinh, môi trường, chủ quyền biển. Biển đời là một hành trình cô đơn của tôi trong sáng tạo từ năm 2015 đến nay. Và tôi sẽ còn tiếp tục hành trình đó với biển. Biển đời còn là một câu chuyện tình yêu đã qua, nhưng vẫn luôn ám ảnh tôi trong cuộc sống đã nhiều năm.

- Cuộc đời đầy biến động, biển đầy bão giông, nhất là thời điểm này trong năm là mùa bão, thế nhưng những tác phẩm của anh không thấy sự ồn ào đó. Dường như tác phẩm nào cũng "le lói" những ánh hy vọng. Tại sao lại như vậy nhỉ?

Cuộc đời tôi cũng đã gặp nhiều trắc trở, khổ đau… và tôi nhận thấy, hãy bỏ qua, hãy nhìn cuộc đời đầy yêu thương, vị tha và hi vọng. Tất cả điều không vui đã ở phía sau. Hãy nhìn về phía trước, đón chào những điều mới lạ và tốt đẹp. Trong quá trình sáng tạo và sinh sống, tình yêu của tôi với con trai đã giúp tôi nhìn cuộc đời nhẹ nhàng và tích cực hơn.

Tôi muốn mang năng lượng tích cực đó cho mọi người và cho người thân, đặc biệt là con trai tôi.

- Sống trong thế giới nghệ thuật, tới thời điểm này anh thấy mình được những gì?

Tôi thấy mình mất nhiều và được nhiều. Cái giá phải trả cho lao động sáng tạo là sự cô đơn, và chất liệu sáng tạo lại là những nỗi niềm, trăn trở, giày vò, cả khổ đau. Nhưng tôi cũng được nhiều. Được thỏa đam mê, được bạn bè, đồng nghiệp yêu quí. Cái được nhiều nhất là tôi có thể giãi bày được tâm trạng, những suy nghĩ của mình về cuộc sống.

- Tôi biết làm nghệ thuật trước nay không phải là việc dễ dàng gì, đặc biệt là những họa sĩ sinh sống ở miền Trung như anh. Nhưng anh vẫn sẽ theo đuổi sáng tác chứ?

Sáng tác luôn là nhu cầu tự thân cần được giãi bày bằng những nét cọ, mảng màu. Tôi tìm thấy mình trong những thứ hỗn độn của màu sắc, hình hài… và sẽ tiếp tục bởi đó là thiên chức, sứ mệnh của người sáng tác nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng

Giảng viên đại học cũng phải làm thêm đủ việc

- Tôi thấy anh nói về sáng tác nghệ thuật một cách đắm say như vậy chứng tỏ nghệ thuật chính là một tình yêu lớn của cuộc đời anh mà khó gì có thể rũ bỏ. Nhưng với công việc giảng dạy thì anh sẽ nói gì nhỉ?

Tôi là một giảng viên, một viên chức nhà nước. Tôi luôn hoàn thành công việc trên giảng đường và trong chuyên môn. Tôi có kiến thức và nhiều tâm sự cần trao cho các sinh viên. Tiếp xúc với học trò, tôi thấy mình trẻ lại. Cảm xúc luôn tươi trẻ, đó là điều cần cho việc sáng tác. Tôi cũng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở mấy năm, điểm nghiên cứu khoa học và chuyên môn luôn rất cao.

Nói chung, giảng dạy và sáng tạo đều là công việc chính. Hai việc này bổ trợ cho nhau một cách tích cực như việc tôi sáng tác theo cách làm việc của một giảng viên, có kế hoạch hợp lý.

- Vậy cơ duyên đưa anh đến với giảng đường phấn trắng thế nào?

Tôi học ngành sư phạm họa trường Đại học Nghệ thuật Huế. Tôi lựa chọn ngành học sư phạm vì gia đình khó khăn, được miễn đóng học phí (cười). Sau đó tiếp tục học cao học ở TP. Hồ Chí Minh.

Tôi thấy công việc của mình rất ổn, dù thu nhập không cao nhưng cũng đủ để tôi yên tâm để lo những điều kiện tối thiểu cho con trai mình. Nếu không có lương của việc đi dạy, chắc chắn gánh nặng mưu sinh sẽ nặng nề và bấp bênh, như vậy cũng ảnh hưởng đến tư tưởng trong quá trình sáng tác.

- Điều gì khiến anh cân bằng được giữa hai "công việc" này? Mà theo tôi thấy, công việc nào cũng khiến anh "vất vả" thì phải…

Tôi có tác phẩm "Cân bằng" như để trả lời câu hỏi này. Cuộc sống mình cần có nhiều vai trò. Chẳng có một công việc nào lương thiện mà không có vất vả đâu, quan trọng là khi làm việc, chúng ta cảm thấy thú vị, vui vẻ và cầu tiến.

- Anh có thể 'bật mí' thu nhập của một giảng viên đại học - giảng dạy bộ môn Mỹ thuật - không?

Thu nhập của một viên chức nhà nước như tôi ư? Hiện nay lương tôi bậc 4, chị nhân với lương cơ bản sẽ ra. Và tôi nuôi con một mình, nên cũng chật vật…

Hơn chục năm đứng trên bục giảng, tôi cũng làm thêm đủ việc, đi vẽ tranh tường, thiết kế quảng cáo, vẽ tranh giá rẻ, giải thưởng mỹ thuật… và tất nhiên cũng có nhiều tác phẩm được sưu tập.

- Lương Sáng này, có bao giờ anh thấy nản lòng với công việc giảng dạy của mình không?

Tất nhiên là có, công việc giảng dạy rất nhiều áp lực và nhiều việc hình thức… nhưng cuộc sống đâu để ta lựa chọn và đòi hỏi. Cuộc sống cứ cuốn đi và khi nhìn lại, tôi đã đi dạy 16 năm…

Có lẽ những chia sẻ của nghệ sĩ chừng nào giúp bạn đọc tưởng tượng được hình dáng của 21 tác phẩm đang trưng bày tại triển lãm cá nhân của ThS. Nguyễn Lương Sáng vừa khai mạc chiều 28/9 tại không gian nghệ thuật New Space Arts Foundation (N.S.A.F.), TP. Huế.