Đối phó Trung Quốc, Nhật đề xuất tăng chi quốc phòng gấp đôi

VietTimes -- Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản đã đề xuất khái niệm "ý tưởng phòng vệ liên vùng" để thay thế cho "lực lượng phòng vệ cơ động thống nhất" nhằm xây dựng được hệ thống phòng vệ không chỉ có lục, hải, không quân, mà còn có cả lực lượng trên vũ trụ, không gian mạng.
Nhật Bản có xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc về an ninh, quốc phòng. Ảnh: TODAYonline.
Nhật Bản có xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc về an ninh, quốc phòng. Ảnh: TODAYonline.

Nội dung kiến nghị do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đưa ra trong Đại cương kế hoạch phòng vệ và Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn đã được tiết lộ vào ngày 24/5/2018.

Về kinh phí phòng vệ, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản đề nghị "tham khảo cách làm tăng ngân sách quốc phòng của NATO lên 2%, để bảo đảm ngân sách cần thiết và đầy đủ". Thực chất là LDP đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên chiếm 2% GDP của Nhật Bản - tờ Sankei Shimbun Nhật Bản ngày 25/5 nhấn mạnh.

Xét đến việc Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh quân sự, LDP cho rằng muốn bảo đảm xây dựng vững chắc Lực lượng Phòng vệ, cần áp dụng biện pháp ngân sách ở mức tương đương với các nước chủ yếu. Nội dung kiến nghị được tiến hành công bố tại Hội nghị liên hợp của Hội đồng Tiểu ban Quốc phòng LDP và Ủy ban điều tra bảo đảm an ninh LDP vào ngày 25/5 và được trình lên Thủ tướng Shinzo Abe vào tuần tới.

Bản kiến nghị đề xuất biên chế "tàu mẹ đa dụng" làm công cụ ứng phó khi tiến hành phòng thủ đảo hoặc xử lý thiên tai. Nội dung kiến nghị đã tránh cụm từ "tàu sân bay" được sử dụng trong bản thảo khung, nhưng đề cập đến tàu hộ vệ trang bị trực thăng lớp Izumo của Lực lượng phòng vệ biển, đề xuất "thúc đẩy cải tạo tàu chiến hiện có, tranh thủ sớm thực hiện".

Bản kiến nghị còn đề xuất sẽ mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất F-35B do Mỹ sản xuất, loại máy  bay có thể cất hạ cánh thẳng đứng, cự ly ngắn.

Phi công Nhật Bản lái máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Ảnh: Sina
Phi công Nhật Bản lái máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Ảnh: Sina

Trong bản kiến nghị, LDP còn đề xuất khái niệm mới "ý tưởng phòng vệ liên vùng" để thay thế cho "lực lượng phòng vệ cơ động thống nhất" trong Đại cương phòng vệ. Mục tiêu của ý tưởng này là xây dựng một hệ thống phòng vệ không chỉ có lục, hải, không quân, mà còn sử dụng lực lượng trên vũ trụ và trong không gian mạng.

Ngoài ra, bản kiến nghị còn đề cập đến tầm quan trọng của việc sở hữu khả năng đáp trả căn cứ đối phương, cho biết "sẽ thúc đẩy thảo luận về việc sở hữu tên lửa hành trình". Hơn nữa, bản kiến nghị còn đề xuất trạng thái "phòng không và phòng thủ tên lửa tổng hợp" (IAMD) có thể ứng phó với mọi mối đe đọa trên không.

Bản kiến nghị cho rằng máy bay tiếp theo của máy bay chiến đấu F-2 sẽ do Nhật Bản chủ đạo thúc đẩy phát triển.

Ngoài ra, kiến nghị còn đề xuất bố trí "Bộ tư lệnh thống nhất" để phụ trách toàn diện việc điều phối các Lực lượng phòng vệ mặt đất, trên biển và trên không. Về vấn đề ghi chép hoạt động hàng ngày của lực lượng phòng vệ triển khai ở nước ngoài, bản kiến nghị cho rằng sẽ từ góc độ bảo đảm an toàn cho binh sĩ, tiến hành công khai phương án.

Ngoài ra, trong bản kiến nghị của LDP đối với Đại cương phòng vệ còn đề cập đến rất nhiều trang bị có chi phí đắt đỏ như máy bay chiến đấu F-35B (hơn 10 tỷ yên/chiếc), tàu mẹ đa dụng, đặt ra mục tiêu ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP.

Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản hiện nay khoảng 5.000 tỷ Yên, chiếm 1% GDP. Nếu tăng lên 2% thì quy mô sẽ lên tới 10.000 tỷ Yên. Hội nghị quan chức quốc phòng của LDP đã có những tiếng nói cho rằng mục tiêu như vậy là "không thực tế", nhưng cuối cùng cũng đã cân nhắc đến tính nghiêm trọng của tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản.

Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times.
Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times.

Hàng năm, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều tăng ngân sách quốc phòng, nhưng vẫn duy trì tỷ lệ ngân sách quốc phòng chiếm 1% GDP. So với các nước chủ yếu, tỷ lệ ngân sách quốc phòng trong GDP của Nhật Bản thuộc mức thấp. Việc sửa đổi Đại cương quốc phòng thời gian tới có thể trở thành một cơ hội tốt để thoát khỏi sự ràng buộc này.