Đối phó hành động gây hấn của Trung Quốc, Philippines nối lại quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Philippines ngày 10/4 đã điện đàm để thảo luận về tình hình ở Biển Đông.  Philippines sau đó thông báo hai quân đội sẽ tiến hành tập trận chung 2 tuần, bắt đầu từ ngày 12/4.
Ngày 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin (phải) đã điện đàm với người đồng cấp Philippines về nối lại sự hợp tác quân sự giữa hai nước (Ảnh: Mingjing).
Ngày 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin (phải) đã điện đàm với người đồng cấp Philippines về nối lại sự hợp tác quân sự giữa hai nước (Ảnh: Mingjing).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, khi đang bay từ Washington đến Israel trong hành trình quốc tế của mình.

Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, ông John Kirby nói hai ông Austin và Lorenzana đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và việc các tàu của Trung Quốc gần đây tập trung trên bãi Ba Đầu (Whitson Reef, rạn san hô mà Trung Quốc đặt tên là Ngưu Ách Tiêu). Sự tập trung đông đảo của các tàu đánh cá Trung Quốc đã thu hút sự chỉ trích từ Manila.

Hiệp nghị VFA tạo cơ sở cho việc quân đội Mỹ đến Philippines (Ảnh: AFP).

Hiệp nghị VFA tạo cơ sở cho việc quân đội Mỹ đến Philippines (Ảnh: AFP).

Ông John Kirby nói, phía Mỹ đề xuất một số kế hoạch nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, bao gồm tăng cường khả năng nhận thức về các mối đe dọa ở Biển Đông. Ông Kirby không giải thích thêm về các chi tiết. Chính phủ Philippines tuyên bố, hai bộ trưởng đều mong muốn quân đội hai nước nối lại các cuộc tập trận quân sự mang tên “Balikatan” (Vai kề vai) đã bị gián đoạn. Mỹ đã chỉ trích việc các tàu Trung Quốc gần đây tập trung ở vùng biển gần Philippines. Đây là một trong những biện pháp quan trọng mà Washington thực hiện trước sự uy hiếp của Bắc Kinh đối với các nước nhỏ hơn trong khu vực.

Cuộc tập trận quân sự “Balikatan” (Vai kề vai) kéo dài hai tuần sẽ được bắt đầu ngay từ Thứ Hai, 12/4. Đầu tuần trước, Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng nhóm tác chiến tàu tấn công đổ bộ Mackin Island đang hoạt động ở Biển Đông. Vì thế, có thể một phần lực lượng này sẽ tham gia cuộc tập trận “Balikatan”.

Ngày 12/4, quân đội Mỹ và Philippines bắt đầu nối lại cuộc diễn tập quân sự thường niên Balikatan đã bị gián đoạn năm 2020 (Ảnh: Sohu).

Ngày 12/4, quân đội Mỹ và Philippines bắt đầu nối lại cuộc diễn tập quân sự thường niên Balikatan đã bị gián đoạn năm 2020 (Ảnh: Sohu).

Quân đội Mỹ và Philippines trước đây thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung “Balikatan” (Vai kề vai) hàng năm để kiểm tra khả năng ứng phó với các mối đe dọa như thiên tai và các phần tử vũ trang cực đoan. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19, cuộc diễn tập năm 2020 buộc phải hủy bỏ.

VOA đưa tin, quy mô của cuộc tập trận năm nay cũng giảm từ khoảng 7.600 người trước đây xuống còn 1.700 người, trong đó có 700 lính Mỹ; quân đội Philippines sẽ cử 1.000 binh sĩ tham gia. Tướng Cirilito Sobejana, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, chỉ ra rằng cuộc tập trận này sẽ hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp.

Mỹ không đóng quân thường xuyên ở Philippines, nhưng đôi khi nước này chuyển quân đến Philippines theo "Hiệp định Lực lượng thăm viếng lẫn nhau Mỹ - Philippines".

Ông Lloyd Austin nhắc lại tầm quan trọng của "Hiệp nghị lực lượng thăm viếng lẫn nhau” (Visiting Forces Agreement,VFA) giữa quân đội Mỹ và Philippines, hy vọng nó sẽ tiếp tục có hiệu lực. Ông Lorenzana hứa sẽ thảo luận với Tổng thống Philippines Duterte để ông ta ra quyết định. VFA là văn bản về thỏa thuận trao đổi các chuyến thăm quân sự cho phép quân đội Mỹ thỉnh thoảng đến thăm Philippines. Tuy nhiên, năm ngoái do tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, Manila đã hai lần thông báo cho Washington chấm dứt thỏa thuận này.

Quân đội Mỹ và Philippines diễn tập chung Balikatan năm 2019 (Ảnh: AP).

Quân đội Mỹ và Philippines diễn tập chung Balikatan năm 2019 (Ảnh: AP).

Mỹ và Philippines đã ký "Hiệp nghị các lực lượng thăm viếng" (VFA) vào năm 1998, tạo cơ sở pháp lý cho việc xuất nhập cảnh của quân nhân, nhân viên liên quan quân sự và thiết bị quân sự Mỹ ra vào Philippines. Trong đó, nhắc lại các nghĩa vụ mà hai nước đảm nhận theo Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau (MDT) được ký kết vào năm 1951 và đồng ý cho quân đội Mỹ thỉnh thoảng đến thăm Philippines. Hồi tháng 1/2020 Mỹ đã từ chối cấp thị thực vào Mỹ cho một thượng nghị sĩ Philippines với lý do "vi phạm nhân quyền" khiến phía Philippines bất bình. Do đó, ngày 11/2/2020 Philippines thông báo họ sẽ chấm dứt thỏa thuận VFA, nhưng sau đó hai lần hoãn lại việc chấm dứt nó.

Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, quan hệ đồng minh giữa Philippines và Mỹ đã rạn nứt. Ông Duterte đã nhiều lần lên án chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời tỏ ra ưu ái Trung Quốc. Ngoài ra, ông Duterte nói rõ rằng nếu Mỹ muốn duy trì VFA, họ sẽ cần phải trả nhiều tiền hơn.

Philippines gần đây cáo buộc hơn 220 tàu đánh cá do lực lượng dân quân biển Trung Quốc điều khiển đã tập trung gần bãi đá ngầm Ba Đầu mà Manila cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và từng điều máy bay quân sự bay qua vùng trời liên quan để xua đuổi họ. Khi một đoàn làm phim của đài truyền hình Philippines đến thăm bãi Cỏ Mây vào tuần trước, cũng bị một tàu Hải cảnh Trung Quốc và một tàu tên lửa dẫn đường của PLA truy đuổi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bãi đá ngầm Ba Đầu mà họ đặt tên là Ngư Ách Tiêu “là một phần của quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, và việc tàu cá Trung Quốc hoạt động và trú tránh gió trong vùng biển bãi ngầm này là hợp lý, hợp pháp và không thể chỉ trích”.

Việc Trung Quốc đưa số lượng lớn tàu tới neo đậu tại bãi Ba Đầu khiến quan hệ Philippines - Trung Quốc trở nên căng thẳng (Ảnh: MAXAR/AP).

Việc Trung Quốc đưa số lượng lớn tàu tới neo đậu tại bãi Ba Đầu khiến quan hệ Philippines - Trung Quốc trở nên căng thẳng (Ảnh: MAXAR/AP).

Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia, một tổ chức tư vấn của cơ quan quốc phòng Đài Loan, chỉ ra rằng việc tập hợp các tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đại lục ở Biển Đông đã gây ra các cuộc biểu tình ở Philippines; việc đại lục mở rộng sử dụng xung đột vùng xám không vũ lực để bành trướng trên biển trong tương lai có thể trở thành chuyện bình thường. Xung đột vùng xám khiến bên bị tấn công khó có thể quyết định đáp trả bằng lực lượng quân đội hoặc cảnh sát, dẫn đến kéo dài thời gian ra quyết sách và có thể bị đánh giá sai. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố ông lo ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan và cảnh báo rằng bất kỳ ai định sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở Tây Thái Bình Dương sẽ là “phạm phải sai lầm nghiêm trọng”.

Ngoài các vấn đề trên, ông Lorenzana cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ ông Austin về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19, hy vọng Philippines có thể nhận được loại vaccine do công ty dược Moderna của Mỹ phát triển càng sớm càng tốt. Ông Austin cho biết họ sẽ chú ý đến vấn đề này và nhắc nhở các cơ quan liên quan.