Đối mặt bão số 12, cấp bách ứng phó với lũ quét, sạt lở núi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Các huyện miền núi Quảng Nam đang phải đối mặt bão số 12, đặt ra nhiều tình huống cấp bách cần ứng phó khẩn cấp với lũ quét, sạt lở núi.

Nước sông cầu thôn 1 (Trà Ka, Bắc Trà My, Quảng Nam) đang dâng cao khi có mưa lớn (Ảnh: QNO)
Nước sông cầu thôn 1 (Trà Ka, Bắc Trà My, Quảng Nam) đang dâng cao khi có mưa lớn (Ảnh: QNO)

Tại rất nhiều vùng xung yếu ở các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), đối mặt cơn bão số 12, ngoài việc phải đối diện với nguy cơ cận kề “miệng hà bá” kinh hoàng lũ quét cuốn trôi nhà cửa ven sông, người dân còn đồng thời cực kỳ lo sợ tình trạng sạt lở núi.

Liên tiếp nhiều đợt bão số 9, 10, 11 và bây giờ là cơn bão số 12, nhiều đợt lũ kinh hoàng đã xảy ra hồi tháng 10 vừa rồi, hàng chục ngàn căn nhà đã bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi theo dòng lũ.

Đáng nói là, các biện pháp thông thường như bao cát, trồng tre giữ đất đã bị nhào xuống sông vì mức độ xâm thực nặng nề; phương pháp đóng cọc, đổ bê tông giữ đất cũng không ăn thua vì bị xói lở trầm trọng.

Mưa lũ gây sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng (Nguồn video: QNO)

Nhiều hộ dân đã có nhà cửa kiên cố vẫn bị ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng sạt lở núi ngày càng nghiêm trọng, dội vào nhà dân cả những quả núi, ngọn đồi, mang theo hàng chục ngàn tấn đất đá với sức tàn phá khủng khiếp. Cập nhật tình hình thời tiết hôm nay, tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) vẫn đang có mưa rất to.

Hầu hết các điểm sạt lở cũ vừa khắc phục đã sạt lở lại. Cùng với đó, nhiều điểm sạt lở mới cũng xuất hiện. Nước lũ tiếp tục dâng cao làm ngập nhiều điểm trên tuyến đường huyết mạch tại quốc lộ 40B qua địa phận Bắc Trà My. Các thầy cô giáo đang lo lắng về cơ sở trường lớp vẫn chưa được khắc phục, còn học sinh thì canh cánh nỗi lo quần áo, sách vở khi quay trở lại trường học.

Hiện trạng sân trường Phổ thông dân tộc nội trú &THCS Trà Ka (Bắc Trà My) ngổn ngang bùn đất - Ảnh: QNO
Hiện trạng sân trường Phổ thông dân tộc nội trú &THCS Trà Ka (Bắc Trà My) ngổn ngang bùn đất - Ảnh: QNO

Nhiều thầy cô giáo đã mất sạch tài sản, cả nhà cửa, hoa màu, vật nuôi đều bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Hơn thế nữa, những giọt nước mắt đã rơi vì bao đứa trẻ mất đi cha mẹ, người thân ruột thịt. Hoặc ngược lại, những người mẹ cào xé tâm hồn vì đau đớn mất con trong những trận sạt lở kinh hoàng.

Không ai muốn những thảm hoạ đau lòng như ở Trà Leng, Phước Sơn tái diễn. Cho đến hiện tại, vì nhiều cơn bão liên tiếp đổ bộ, các vùng sạt lở bị cô lập trầm trọng, nên phương án cứu hộ cứu nạn và tìm kiếm những người mất tích đều vô cùng khó khăn để triển khai, thực hiện. Rất cần có phương án ứng phó khẩn cấp chi tiết theo đặc thù của từng vùng, địa phương.

Căn nhà của 1 thầy giáo liều mình cứu mạng 20 cư dân huyện Bắc Trà My, khi quay về chỉ còn nền nhà (Ảnh: QNO)
Căn nhà của 1 thầy giáo liều mình cứu mạng 20 cư dân huyện Bắc Trà My, khi quay về chỉ còn nền nhà (Ảnh: QNO)

Trước mỗi cơn bão và dự báo về các đợt lũ, chính quyền các địa phương đều nỗ lực vận động người dân trong khu vực có nguy cơ đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng. Nhưng, một mặt vì quen thân với ngôi nhà của mình nên cũng có tâm lý ngại di dời, mặt khác, diện tích vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở càng lúc càng tăng lên, nên tâm lý bất an khá phổ biến với bà con và chính quyền cũng khó có phương án di dời thực sự an toàn.

Đối mặt với những cơn bão lớn, gió giật mạnh, lên tới cấp 12-12 đang ảnh hưởng trực tiếp đến miền Trung như hiện tại, nỗi lo về nguy cơ lũ quét, sạt lở trở thành nỗi ám ảnh người dân miền sơn cước.