Đòi lại vốn Nhà nước bị bán sai tại Cảng Quy Nhơn, thế kẹt của Khoáng sản Hợp Thành

VietTimes – Hôm qua, 17/9, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý cán bộ sai phạm, và “đòi” lại cổ phần nhà nước đã bị bán sai tại Cảng Quy Nhơn. Nhưng nếu xử lý cán bộ sai phạm giờ đã là việc dễ, thông thường tới thường xuyên, thì việc đòi lại vốn nhà nước đã bị bán sai, lại là cả một vấn đề lớn.
Cảng Quy Nhơn. Nguồn: dangcongsan.vn
Cảng Quy Nhơn. Nguồn: dangcongsan.vn

Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ thể hiện tại Kết luận Thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn).

Kết luận Thanh tra này được ký ngày 17/9, và lập tức được công bố. Đây là lần hiếm hoi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra ngay sau khi ký ban hành. Thông thường, cơ quan này công bố chậm, hay thậm chí không công bố khá nhiều kết luận thanh tra do mình thực hiện.  

Nội dung trung tâm do Thanh tra Chính phủ kết luận về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn là các sai phạm, vi phạm, khuyết điểm thuộc về Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ.

Đáng chú ý, dù có sai phạm, vi phạm, nhưng kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc cổ phần hóa, sau đó bán hết vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã không để lại hậu quả lớn về kinh tế.

Kết luận Thanh tra cho biết Nhà nước đã lãi so với định giá, khi bán vốn tại cảng này. Cụ thể, Vinalines thu được gần 537 tỷ đồng từ việc cổ phần hóa và bán hết 75,01% vốn nắm giữ, vượt xa phần vốn nhà nước thực tế tại Cảng Quy Nhơn.

Căn cứ vào đó, kiến nghị lớn nhất từ Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ, là tìm cách thu hồi lại số 75,01% cổ phần vốn điều lệ Cảng Quy Nhơn này.

Ông Lê Hồng Thái tại buổi tiếp nhận cổ phần Cảng Quy Nhơn. Nguồn:Cảng Quy Nhơn
Ông Lê Hồng Thái tại buổi tiếp nhận cổ phần Cảng Quy Nhơn. Nguồn:Cảng Quy Nhơn

Một tuần trước khi Thanh tra Chính phủ ký kết luận thanh tra về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, dường như đã dự cảm về kết luận, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn - ông Lê Hồng Thái – đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

Ông Lê Hồng Thái đã từng là người sáng lập và đại diện cho Công ty Khoáng sản Hợp Thành – doanh nghiệp từ nhà đầu tư chiến lược đã trở thành chủ của Cảng Quy Nhơn, thông qua việc mua lại toàn bộ số cổ phần cảng này do Vinalines nắm giữ và chào bán.

 Ngoài những thông tin đồn đoán về thân thế có liên quan tới nhóm Trịnh Xuân Thanh và PVC, ông Lê Hồng Thái là doanh nhân kín tiếng, thậm chí tới hình ảnh còn hiếm hoi mới xuất hiện. Do thế mà việc doanh nhân kín tiếng này chịu “mở lời” với báo chí, lại cho thấy chuyện cổ phần hóa và bán vốn tại Cảng Quy Nhơn là có nhiều điều khó có thể “hiện” được, trong kết luận thanh tra.

Chủ tịch HDTV Vinalines Lê Anh Sơn trao chứng nhận sở hữu cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Khoáng sản Hợp Thành, do ông Lê Hồng Thái làm đại diện tiếp nhận. Nguồn: Báo Bình Định
 Chủ tịch HDTV Vinalines Lê Anh Sơn trao chứng nhận sở hữu cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Khoáng sản Hợp Thành, do ông Lê Hồng Thái làm đại diện tiếp nhận. Nguồn: Báo Bình Định

Trả lời báo Lao Động, ông Lê Hồng Thái khẳng định, sau khi Công ty Khoáng sản Hợp Thành mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước và tiếp quản vận hành, Cảng Quy Nhơn đã thay đổi hoàn toàn về chất lượng hoạt động và hiệu quả.

Cụ thể, thời gian làm hàng tại cảng giảm mạnh, năng suất xếp dỡ tăng, doanh thu và lợi nhuận ròng tăng cao, thu nhập người lao động theo đó cũng tăng tương ứng. Ông Thái nói thế để khẳng định, Công ty Khoáng sản Hợp Thành đã làm thật khi mua lại Cảng Quy Nhơn.

Dẫu thế, liên quan tới mong muốn Nhà nước thu hồi lại số 75,01% Cảng Quy Nhơn đã bán cho Công ty Khoáng sản Hợp Thành, thì “Vì lợi ích quốc gia, không riêng chúng tôi mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nghĩa vụ thực hiện” - ông Lê Hồng Thái nói với báo Lao Động.

Đồng thời với đó, ông Thái cho biết, “chậm nhất là ngày mai (12/9), tôi sẽ ký văn bản mời đại diện Thành ủy Quy Nhơn giữ 1 ghế ủy viên HĐQT, Phó TGĐ hoặc Phó Bí thư thường trực Đảng ủy để lãnh đạo địa phương có thể trực tiếp giám sát, hỗ trợ, định hướng chúng tôi. Ở Cảng Quy Nhơn, mọi thứ đều minh bạch. Chúng tôi không có gì phải giấu giếm”.

Thanh tra bán cổ phần cảng Quy Nhơn: Bộ GTVT là “nguồn” sai phạm chính, yêu cầu thu hồi số cổ phần đã bán

Như vậy là, Kết luận Thanh tra chưa kịp ký, thì nhà đầu tư cũng đã sẵn sàng trả lại số cổ phần đã mua tại Cảng Quy Nhơn. Diễn biến này có phần khá tương đồng với diễn biến vụ Mobifone mua cổ phần AVG trước đó. Dù rằng vị thế của Khoáng sản Hợp Thành và AVG là "đảo" nhau trong so sánh giữa hai thương vụ: một bên là người bán - một bên là người mua; một bên là người nhận tiền - một bên và người trả tiền (đối tác còn lại của họ đều là Cty 100% vốn nhà nước).

Tuy nhiên, theo thông tin riêng VietTimes, việc xử lý trả lại cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, với Công ty Khoáng sản Hợp Thành, sẽ không dễ như ông Lê Hồng Thái nói.

Cập nhật tới giữa năm 2017, toàn bộ 30.312.262 cổ phần Cảng Quy Nhơn đã được Công ty Khoáng sản Hợp Thành thế chấp cho Techcombank để vay vốn. Trước đó, Công ty Khoáng sản Hợp Thành cũng đã vay vốn tại một ngân hàng họ dầu khí để vay tiền mua lại cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.

Hiện, chưa có thông tin về việc Công ty Khoáng sản Hợp Thành đã tất toán được hợp đồng vay vốn tại Techcombank. Do thế, khả năng công ty này rút lại số cổ phần Cảng Quy Nhơn đang thế chấp để trả cho nhà nước là vẫn còn bỏ ngỏ.

Trước đó, vào tháng 3/2017, ông Lê Hồng Thái đã bán hết vốn nắm giữ Công ty Khoáng sản Hợp Thành, ngay sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương có ý kiến yêu cầu xem lại quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.

Hiện, chưa rõ Vinalines sẽ lấy đâu ra tiền để trả lại không dưới 500 tỷ đồng mà Công ty Khoáng sản Hợp Thành đã chi trả mua cổ phần Cảng Quy Nhơn. Đặc biệt khi tổng công ty này thậm chí còn chật vật trong việc trả lãi cho những khoản nợ của chính mình.

Việc nhận lại số cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn sẽ biến động thế nào tới phương án cổ phần hóa Vinalines, đặc biệt khi tổng công ty này đã IPO, cũng là vấn đề hiện chưa có hướng dẫn xử lý.

Xem ra, sau khi đã miễn cưỡng phát đi thông điệp đồng ý trả lại cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, ông Lê Hồng Thái và Công ty Khoáng sản Hợp Thành sẽ phải miễn cưỡng thêm lần nữa, lần này là cho Vinalines nợ lại số tiền bán cổ phần.