Đối đầu Nga - phương Tây, Trung Quốc thu lợi

Quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang tạo thuận lợi cho TQ gia tăng vị thế tại Bắc cực, nơi được cho là nhiều tiềm năng về năng lượng, mặt hàng quan trọng cho nhu cầu phát triển của TQ.
Tập đoàn Gazprom của Nga khai thác dầu tại Bắc cực. Ảnh: Gazprom.com
Tập đoàn Gazprom của Nga khai thác dầu tại Bắc cực. Ảnh: Gazprom.com

Các hoạt động khai thác năng lượng của Nga ở ngoài khơi Bắc cực đang trong giai đoạn tạm ngừng, cùng với sự rút chạy của các công ty phương Tây do lệnh cấm vận từ chính nước họ đã tạo cơ hội to lớn cho TQ được hưởng lợi tại khu vực Bắc cực.  

Trong 10-15 năm qua, TQ đã gia tăng có hệ thống các hoạt động theo nhiều hướng tại vùng cực Bắc. Quan hệ hiện nay giữa Nga và phương Tây đang tạo thuận lợi đáng kể cho các hoạt động của TQ, điều này gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế, do vị thế quan trọng của Bắc cực trong tương lai.

Với sự hiện diện ngày càng gia tăng của TQ tại Bắc cực, khu vực được đánh giá giàu tài nguyên, cùng những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra đối với khả năng quản lý của khu vực này, cũng như tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây, đang tạo nên một tình trạng phức tạp tại đây. TQ với tiềm năng về vốn và tài sản, đang là một đối tác quan trọng đối với các quốc gia ở vùng Bắc cực.

Lợi ích của TQ ở Bắc cực

TQ là một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng vô cùng lớn và được dự báo là ngày càng gia tăng. Do vậy, Bắc Kinh luôn quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên của Bắc cực. Theo đánh giá khảo sát địa chất của Hoa Kỳ năm 2008, Bắc cực chiếm khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ, 30% trữ lượng khí tự nhiên, 20% trữ lượng khí hóa lỏng của toàn cầu chưa khai thác. Các tỷ lệ này tương đương với khoảng 90 tỷ thùng dầu, 47 nghìn tỷ m3 khí tự nhiên và 44 tỷ thùng khí hóa lỏng.

Ngoài ra, khai thác năng lượng tại Bắc cực còn mang lại cho TQ nguồn cung đa dạng, an toàn với khả năng tiết kiệm năng lượng ở mức cao nhất. Mặc dù có hệ thống đường nội bộ với Nga, nhưng TQ vẫn phải nhập khẩu dầu với khối lượng lớn từ thị trường dầu mỏ luôn biến động của Trung Đông và phải đi qua vịnh Malacca ở Đông Nam Á. Trong năm 2011, khoảng 85% lượng dầu nhập khẩu của TQ đi qua con đường này.

Nguồn năng lượng và đường vận chuyển theo phương thức trên, cộng với sự thiếu hụt các nguồn năng lượng thay thế là những hạn chế đối  với TQ. Do vậy, nguồn năng lượng từ Bắc cực và các tuyến hàng hải sẽ cung cấp các khả năng đa dạng và an ninh năng lượng cho TQ.

Vận tải hàng hải ở Bắc cực sẽ giảm đáng kể các chi phí vận tải. Khoảng cách từ Thượng Hải đến Hamburg dọc theo đường biển Bắc qua Nga ngắn hơn khoảng 30% so với đường biển qua kênh đào Suez. Rút ngắn được khoảng cách và thời gian vận chuyển sẽ giúp TQ tiết kiệm được một lượng lớn nhiên liệu và gia tăng khả năng xuất khẩu đến châu Âu.

Trong năm 2013, đã có 71 tàu đi qua đường biển Bắc vận chuyển 1,35 triệu tấn hàng hóa, đây là mức gia tăng lớn so với năm 2010 chỉ có 4 tàu qua đường này. TQ có kế hoạch vận chuyển khoảng 15% khối lượng vận tải quốc tế qua vùng Bắc cực vào năm 2020.

TQ “xoay trục” về phía Bắc

Tận dụng các cơ hội ở phía Bắc, TQ đã thực hiện một số bước đi quan trọng nhằm thiết lập sự hiện diện về tài chính và vật chất ở Bắc cực và trực tiếp tham gia đối thoại về các vấn đề của Bắc cực. Hàng năm TQ đã chi khoảng 60 triệu USD để nghiên cứu vùng cực (nhiều hơn so với Hoa Kỳ, là nước thực sự kiểm soát vùng cực Bắc), thành lập cơ quan quản lý Nam cực và Bắc cực TQ, xây dựng trung tâm nghiên cứu Bắc cực giữa các nước Bắc Âu và TQ, trụ sở đặt tại Thượng Hải vào cuối năm 2013 và có kế hoạch tăng một số lượng lớn biên chế cán bộ nghiên cứu vùng Bắc cực.

Trong thập kỷ qua, TQ đã gia tăng đáng kể hiện diện tại vùng Bắc cực. Năm 2003, TQ đã hoàn thành Trạm Sông Vàng Bắc cực, là một cơ quan thường trực nghiên cứu về đảo Spitsbergen của Na Uy. TQ hiện tại đang sở hữu một tàu phá băng hoạt động tại vùng Bắc cực và sẽ triển khai thêm một tàu nữa vào năm 2016. Mặc dù không phải là quốc gia trong vùng Bắc cực, nhưng TQ đã nhanh chóng có số lượng tàu phá băng ngang với các nước trong vùng Bắc cực như Na Uy và Hoa Kỳ.

Trong lĩnh vực chính trị và tổ chức quốc tế, TQ đã tham gia hàng loạt các nhóm khoa học quốc tế về Bắc cực. Năm 2013 TQ đã trở thành quan sát viên thường trực trong Hội đồng Bắc cực - một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 thành viên đưa ra các chính sách quốc tế về Bắc cực.

Trong quan hệ song phương, TQ đã tích cực “ve vãn” các nước ở phía Bắc và đã có nhiều thành công đối với Iceland và Đan Mạch. Sau khủng hoảng kinh tế 2008 ở Iceland, TQ đã cung cấp cho nước này một gói cứu trợ lớn. Trong năm 2012, Thủ thướng TQ lúc đó là Ôn Gia Bảo đã có chuyến công du châu Âu, sau đó Hiệp định thương mại tự do Iceland - TQ đã được ký kết vào năm 2013. TQ cũng đang tích cực tìm kiếm các dự án năng lượng với Greeland và Đan Mạch.   

TQ đã sử dụng vị thế của một nước lớn có thế mạnh về vốn và nguồn lực để liên kết kinh tế với các nước này và cuối cùng làm cho những nước này phụ thuộc vào TQ ở một chừng mực nhất định. Iceland và Đan Mạch là hai quốc gia đã hỗ trợ rất nhiều cho TQ để có vị thế lớn hơn trong các công việc và chính sách của Bắc cực. Hiện nay các bước tương tự đang được TQ tiến hành với nước Nga.

Theo; Tuần Việt Nam