Đối đầu Mỹ - Trung trên Biển Đông hâm nóng đối thoại Shangri-La

VietTimes -- Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đang căng thẳng do chiến tranh thương mại, tâm điểm của thế giới giờ lại chuyển sang một đấu trường quen thuộc của hai nước: Biển Đông.
Chiến lược của Mỹ là tâm điểm chú ý trong Đối thoại Shangri-La năm nay (ảnh: CNN)
Chiến lược của Mỹ là tâm điểm chú ý trong Đối thoại Shangri-La năm nay (ảnh: CNN)

Sau nhiều năm tranh chấp cùng tình trạng bên miệng hố chiến tranh ở khu vực tranh chấp nóng bỏng, quyền Bộ trưởng Mỹ Patrick Shanahan dự kiến sẽ công bố chiến lược mới của Lầu Năm Góc đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore ngày 1/6.

Điều đáng chú ý ở chỗ, chỉ 1 ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng dự kiến có bài phát biểu về vai trò của Bắc Kinh trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Ngụy là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc từng tham dự hội thảo về quốc phòng của khu vực châu Á trong suốt 8 năm qua.

Sự hiện diện của 2 nhân vật trên mang ý nghĩa lớn. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với phần lớn trong tổng số diện tích 1,3 triệu dặm vuông của Biển Đông và thường xuyên áp đặt chủ quyền của họ một cách cứng rắn, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ “dù chỉ một ly lãnh thổ” của mình.

Trong khi giới chức quốc phòng Mỹ từng tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tự do hàng hải và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

William Choong – chuyên viên nghiên cứu cấp cao thuộc Đối thoại Shangri-La – viết trên Twitter hôm thứ Ba trong tuần này rằng, sự hiện diện của cả ông Ngụy và ông Shanahan sẽ gây ra một “cuộc xung đột giữa 2 tầm nhìn – tầm nhìn về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở cửa do Mỹ/Nhật Bản dẫn đầu và tầm nhìn khu vực châu Á vì người châu Á của Trung Quốc”.

Chuyên gia phân tích Carl Schuster – cựu Giám đốc hoạt động thuộc Trung tâm Tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, cho hay: “Giới lãnh đạo Trung Quốc giờ đã nhận ra giá trị của các tuyến phòng thủ đa phương và muốn ngăn chặn Mỹ thiết lập tầm ảnh hưởng độc quyền”.

Còn ý định của Mỹ trong khu vực này thì đã được thể hiện quá rõ nét. Lầu Năm Góc đã tăng cường các chiến dịch thúc đẩy tự do hàng hải, tổ chức hàng tuần liền. Và tướng lĩnh các lực lượng không quân Mỹ ở Thái Binh Dương trong tháng này nói rằng, các phi cơ chiến đấu của họ đang bay bên trong và xung quanh khu vực Biển Đông gần như mỗi ngày.

Washington cũng đã điều nhiều chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan, chia cách Đại lục Trung Quốc khỏi Đài Loan nhiều lần trong năm nay. Một trong số những hoạt động của Washington trên eo biển Đài Loan còn bao gồm một tàu cảnh sát biển, con tàu sau đó được điều tới Biển Đông. Điều này cho thấy Mỹ đã gửi đi nhánh thứ 5 trong lực lượng quân đội của họ và là nhánh thực thi luật pháp hàng hải chủ chốt của họ tới khu vực Thái Bình Dương.

Một phần khác trong kế hoạch của Mỹ là chuyển giao các gói vũ khí lớn. Để tổ chức các cuộc tập trận song phương với Philippines hồi tháng 4 vừa qua, Mỹ đã nhồi tới 10 phi cơ chiến đấu F-35B lên tàu tấn công lưỡng cư USS Wasp – tức nhiều hơn 4 chiếc so với lượng chuyên chở bình thường của con tàu này – và điều nó tới Biển Đông.

Đương nhiên không chỉ có Mỹ hoạt động xung quanh khu vực, mà cả các nước đồng minh và đối tác của họ cũng tham gia.

Pháp đã cử một tàu của họ đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay, và còn khoe hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của họ bên lề cuộc đối thoại quốc phòng năm nay. Chỉ riêng trong tháng 5 năm nay, nhiều chiến hạm của Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Mỹ cũng tham gia vào một cuộc tập trận đa phương trên Biển Đông – trong khi nước đăng cai tổ chức hội nghị Shangri-La Singapore cũng tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật với Ấn Độ. Một nhóm gồm 4 tàu hải quân của Australia cũng đến thăm nhiều nước xung quanh khu vực trong chuyến đi kéo dài 3 tháng, và kết thúc trong tuần này.

Nhưng giới chức Mỹ còn đưa ra nhiều kế hoạch lớn hơn cho năm tới.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo giới trong tháng 5, Đô đốc phụ trách các chiến dịch hải quân Mỹ John Richardson đã nhắc lại các kế hoạch tiếp tục triển khai thêm 2 tàu tấn công bờ biển – các chiến hạm có tốc độ nhanh, linh hoạt được thiết kế để hoạt động ở vùng nước nông – tới Singapore trong năm nay. Các con tày này sẽ trở thành vũ khí của hải quân Mỹ đóng ở vị trí sát nhất với Biển Đông.

Và trong tháng 3 vừa qua, Tướng Robert Brown – Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương – công bố các kế hoạch huấn luyện 10.000 binh sỹ Mỹ để chuyên chiến đấu cho “kịch bản Biển Đông”. Philippines và Thái Lan có khả năng trở thành điểm đồn trú của nhóm quân này.

Hoạt động của Mỹ nhằm gia tăng sức ép với Bắc Kinh còn lan tới cả Washington, nơi mà hồi tuần trước một nhóm Thượng nghị sỹ từ cả hai đảng đã công bố một dự luật cho phép áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty, cá nhân Trung Quốc giúp Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) xây dựng trên Biển Đông.

“Trung Quốc luôn có hành vi bắt nạt ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông, xâm phạm và đe dọa các nước láng giềng. Thái độ hung hăng như vậy không thể cứ để vậy” – Thượng nghị sỹ Ben Cardin, đảng Dân chủ, nói trong một tuyên bố.

Về phần mình, Trung Quốc không hề nhượng bộ chút nào: Họ cho ra mắt nhiều chiến hạm mới, sản xuất nhiều vũ khí mới, giữ cho lực lượng của mình hoạt động tích cực trên Biển Đông – xung quanh Đài Loan và hơn nữa – đồng thời chỉ trích mạnh mẽ Washington. Bắc Kinh cáo buộc rằng chính Mỹ đang gây nguy hại cho hòa bình trong khu vực.

Sau khi tàu khu trục tên lửa định hướng USS Preble của Mỹ di chuyển gần bãi cạn Scaborough mà Trung Quốc chiếm đóng hôm 20/5 vừa qua, website của PLA viết: “Hành động khiêu khích của chiến hạm Mỹ gây mất an toàn cho các tàu, máy bay và nhân sự của cả hai bên, xâm hại chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và ảnh hưởng tới hòa bình, sự ổn định”. PLA còn cho hay họ đã cử một số tàu và máy bay tới nhận dạng tàu khu trục của Mỹ, và cảnh báo nó nên rời khỏi vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Phía Trung Quốc hoàn toàn không thiếu tàu để thực hiện các nhiệm vụ do thám như vậy, trong bối cảnh mà hải quân của PLA liên tục được phát triển.

Vào ngày 12/5, PLA đã cho vào biên chế hoạt động 2 con tàu khu trục lớp Type-52D chỉ trong một ngày – chiếc thứ 19 và 20 trong tổng số 30 con tàu cùng lớp được lên kế hoạch sản xuất. Một bản báo cáo mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi đầu tháng 5 cũng cho biết, Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất khu vực châu Á, với hơn 300 tàu và tàu ngầm.

Chuyên gia phân tích quân sự Euan Graham, người có mặt trên một chiến hạm Australia trong một nhiệm vụ gần đây trên Biển Đông, nói rằng con tàu này cùng các tàu khác của Australia và Mỹ đang vận hành trong khu vực luôn bị theo dõi sát sao bởi lực lượng hải quân Trung Quốc.

“Việc lúc nào các tàu hải quân của PLA cũng hiện diện để theo dõi chiến hạm nước khác trên Biển Đông cho thấy rằng lực lượng trên biển của Trung Quốc đã rất lớn mạnh” – ông Graham viết trên blog The Strategist.

Cùng lúc, hải quân PLA cũng tổ chức các cuộc tập trận với Nga ở vùng biển phía Đông, và với Thái Lan ở vùng biển phía Nam. Ở phía Bắc, các phi cơ chiến đấu của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã tổ chức cái mà phía Đài Loan gọi là nhiệm vụ “khiêu khích” nhất trong suốt nhiều năm qua trên eo biển Đài Loan, khi băng qua đường hải giới giữa hòn đảo này và đại lục Trung Quốc.  Phía Đài Loan sau đó cực lực lên án hành động này.

Trong một thông báo đăng tải trên website phiên bản tiếng Anh của mình, PLA khoe một mẫu phương tiện lưỡng cư mới mà họ mô tả là “hiện đại nhất thế giới”. Với sự hỗ trợ của mẫu phương tiện mới này, kết hợp với các vũ khí khác, “PLA sẽ sẵn sàng đối phó với những kẻ chủ trương ly khai ở Đài Loan và các tranh chấp tiềm tàng”.

Đối thoại Shangri-La tự nhận mình là một điểm đến “nơi mà các Bộ trưởng tranh luận về những vấn đề an ninh thách thức nhất, tham gia vào các vòng đối thoại song phương để cùng nhau đưa ra các giải pháp mới”. Tuy nhiên, đối thoại lần này khó có thể đạt được kỳ vọng đó khi mà Bộ trưởng Mỹ và Trung Quốc nói ra thứ mà họ cần nói.