Đối đầu Israel - Iran lan khắp Trung Đông, Nga ra động thái bất ngờ

VietTimes -- Nga đã đưa ra đề nghị hỗ trợ Iraq, Syria và Lebanon - 3 quốc gia đã trở thành mục tiêu các cuộc tấn công mà Israel thực hiện mới đây như một phần trong chiến dịch xuyên biên giới của họ nhằm chống lại Iran và các lực lượng đồng minh trong khu vực.
Binh sỹ Israel được triển khai tới thung lung Hula, khu vực gần biên giới Israel-Lebanon (Ảnh: EPA)
Binh sỹ Israel được triển khai tới thung lung Hula, khu vực gần biên giới Israel-Lebanon (Ảnh: EPA)

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov – Đặc phái viên của Tổng thống Nga về vấn đề Trung Đông và châu Phi – đã có cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Iraq Faleh al-Fayad tại Moscow trong hôm 3/9. Ông al-Fayad hiện cũng là người đứng đầu của Các lực lượng huy động Nhân dân (PMF) được nhà nước hậu thuẫn. Hai bên đã chia sẻ quan điểm về các vấn đề cấp bách của Trung Đông, trong đó tập trung vào tình hình ở Iraq và nước láng giềng Syria.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, hai quan chức đã thảo luận về “sự cần thiết phải đẩy mạnh các nỗ lực duy trì an ninh và sự ổn định trong khu vực, cùng lúc chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”. Phía Nga cũng “tái xác nhận quan điểm ủng hộ sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước bạn Iraq”.

Dù là một nhánh chính thức thuộc các lực lượng vũ trang Iraq, nhưng PMF cũng có nhiều mối quan hệ với Iran và từng là một trong số các đối tác Arab của Iran từng bị biến thành mục tiêu của Israel trong chiến dịch quân sự mà nước này tổ chức mới đây. Trong các vụ tấn công đó, PMF đã mất một thủ lĩnh ở Al-Qaim. Dù Israel không tuyên bố nhận trách nhiệm tất cả các vụ tấn công này – trong đó có 1 vụ ở Iraq – nhưng họ luôn được xem là một phần quan trọng trong chiến dịch chống Iran khiến Nga bất bình.

Năm 2015, Nga tham gia cùng Iran hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong lúc chính quyền Damascus đối diện với sự trỗi dậy của lực lượng nổi dậy và thánh chiến. Sự can thiệp của Moscow đã giúp cho chính phủ Syria giành lại được quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ trong nước, nhưng cùng lúc cũng giúp cho các nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn lớn mạnh hơn. Vốn coi các nhóm này như mối đe dọa, Israel tăng cường chiến dịch không kích nhằm vào các phe phái thân Iran ở Syria.

Nga trong lúc đó cố gắng cân bằng giữa mối quan hệ với Iran và Israel, ủng hộ vai trò của Tehran trong cuộc chiến ở Syria và khu vực rộng lớn hơn, cùng lúc cố gắng ngăn chặn các nhóm vũ trang đồng minh tiến sát biên giới Israel và không can thiệp vào chiến dịch không kích của Israel, dù vẫn lên tiếng chỉ trích chúng. Trong các chiến dịch không kích mới nhất, Israel đã tiêu diệt cái mà họ cho là 2 thủ lĩnh của phong trào Hezbollah ở ngôi làng Aqrabah, Syria với lý do là những kẻ này đang lên kế hoạch điều “máy bay không người lái giết người” tới Israel.

Kể từ khi được thành lập trong cuộc nội chiến Lebanon nhờ sự hậu thuẫn của Iran trong thập kỷ 80, Hezbollah đã nhiều lần xung đột trực diện với Israel, trong đó có 2 cuộc chiến tổng lực, và trong cả 2 cuộc chiến đó Israel đều phải lui binh. Kể từ sau cuộc chiến gần đây nhất trong năm 2006, hai bên đã tránh đụng độ trên lãnh thổ Lebanon, thế nhưng chỉ 1 ngày sau khi bị Israel tấn công ở Syria, Hezbollah lại trở thành mục tiêu tấn công khi 2 máy bay không người lái chứa chất nổ nhằm thẳng vào trung tâm truyền thông của họ ở phía Nam thủ đô Beirut, Lebanon hôm Chủ nhật tuần trước nữa.

Sau khi Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố trả thù, Israel được cho là đã thực hiện thêm một đòn tấn công nhằm vào sở chỉ huy của Mặt trận Giải phóng Palestine, một tổ chức cũng đang chiến đấu sát cánh cùng chính phủ Syria, ở Qusaya, Lebanon. Cả hai vụ tấn công trên, cùng vụ tấn công gần đây nhất ở Syria, đã khiến Nga chú ý.

“Tình trạng gia tăng căng thẳng trong khu vực đang làm dấy lên sự quan ngại sâu sắc ở Moscow” – Bộ Ngoại giao Nga trong tuần trước nêu rõ – “Nga đã liên tục chỉ ra sự nguy hiểm của các hành động như vậy và cảnh báo rằng chúng có thể dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn kéo theo những hậu quả khó lường. Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Các binh sỹ thuộc lực lượng PMF tại Iraq là một mục tiêu trong các đợt không kích của Israel (Ảnh: AFP)
Các binh sỹ thuộc lực lượng PMF tại Iraq là một mục tiêu trong các đợt không kích của Israel (Ảnh: AFP)

Ngay trong ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao Nga cho hay Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri “đã đề nghị Nga sử dụng quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình để ngăn chặn tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Israel và Lebanon, có khả năng đe dọa an ninh khu vực” trong một cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. “Moscow tái khẳng định cam kết của mình đối với chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định của Lebanon, đồng thời nhấn mạnh về sự cần thiết rằng tất cả các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Ông Hariri cũng 2 lần điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, sau khi Hezbollah đã tấn công nhằm vào một xe thiết giáp của Israel, khiến Israel thực hiện các đòn tấn công trả đũa nhằm vào nhiều cứ điểm của Hezbollah nằm dọc biên giới. Trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với ông Pompeo và một cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanul Macron, ông Hariri đã đề nghị “sự can thiệp của Mỹ, Pháp và cộng đồng quốc tế trước các diễn biến tại khu vực biên giới phía Nam”.

Tuy nhiên, Mỹ tỏ rõ thái độ ủng hộ các đòn tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu than Iran. Ngoại trưởng Pompeo trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình còn nói rằng “Mỹ đã nêu rất rõ là quốc gia đó không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm phải bảo vệ người dân của mình”. Ông Pompeo còn nói rằng chính quyền Trump “sẽ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo rằng đối tác lớn của chúng ta ở Israel sẽ được bảo vệ” khỏi các mối đe dọa và những lời chỉ trích tại LHQ.

Dù có quan hệ đối tác chiến lược vói Iran, nhưng Nga vẫn tiếp tục hợp tác với Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Ba trong tuần đã phát biểu trong cuộc họp nội các rằng ông đang “nỗ lực tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nga, Mỹ và Israel tại Jerusaslem” nhằm thảo luận về việc loại trừ Iran khỏi Syria.

Nga từng kêu gọi chấm dứt sự hiện diện của tất cả lực lượng nước ngoài ở Syria, tuy nhiên đến nay vẫn duy trì sự ủng hộ vai trò của Iran ở Syria. Nga cũng bác đề xuất thành lập một liên minh quốc tế – một sáng kiến được Israel ủng hộ - trên Vịnh Ba Tư mà phía Mỹ đưa ra. Đây cũng là khu vực mà Washington cáo buộc Tehan làm gián đoạn tuyến hàng hải thương mại. Moscow cũng chỉ trích việc ông Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái.

Trong lúc mà Iran đang phối hợp với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình hòa bình ba bên ở Syria, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã di chuyển liên tục nhằm thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với thỏa thuận hạt nhân và chống lại kế hoạch cô lập của Mỹ. Mới đây nhất, sau chuyến thăm Moscow, ông Zarif đã tới thăm cả thủ đô của Bangladesh và Indonesia.

Theo Newsweek