Đổi cách tính thuế ô tô ngoại: Trăm dâu đổ đầu người dùng

Bộ Tài chính gần đây có "sáng kiến" điều chỉnh các loại thuế, tăng thu ngân sách và huy động thêm tiền của dân. Việc thay đổi cách tính thuế đối với ô tô nhập khẩu khi mức thuế sắp tới về mức 0% có thể sẽ khiến ô tô nhập khẩu tăng giá.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành dự thảo Nghị định thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2016 cho thấy, cách tính mới sẽ bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nội địa.  

Đồng thời, dự thảo cũng quy định trường hợp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ở khâu bán ra trong nước nhỏ hơn số thiếu tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu thì nhà nhập khẩu chỉ được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt tính được khi bán ra trong nước.  

Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, đề xuất từ Bộ Tài chính nhằm tăng thu và hỗ trợ doanh nghiệp lắp ráp trong nước nhưng gây thiệt thòi cho người tiêu dùng, "móc túi tiền" của người có nhu cầu sử dụng ô tô. 

"Đang có xu thế ngày càng tăng thuế lên để tránh các khoản thuế phải giảm theo lộ trình, cam kết tại các Hiệp định", ông Doanh nhận xét.

Đề xuất của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từng nêu ý kiến cho rằng, cần thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước vì cho rằng, các dòng xe này đang chịu thiệt thòi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc khi bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá xuất xưởng trong khi nhập khẩu nguyên chiếc được tính trên giá bán tại cửa khẩu.

Đồng thời, một trong những lý do được Bộ Tài chính đưa ra khi dự thảo Nghị định là nhằm tránh tình trạng khi thuế nhập khẩu cắt giảm về mức 0%, nhập khẩu sẽ càng có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với sản xuất, lắp ráp trong nước.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Doanh cho biết, thực tế việc bảo hộ doanh nghiệp trong nước đã diễn ra từ lâu nhưng kết quả chúng ta vẫn không thu được lợi ích gì thông qua tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp, tỷ lệ ô tô bình quân ở mức thấp khi so sánh với một số nước trong khu vực ASEAN.

Liên hệ với việc vừa qua, thuế môi trường đối với xăng từng tăng 300%, được lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải nhằm tránh thất thu ngân sách khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh do các Hiệp định đã được ký kết, ông Doanh cho rằng Bộ Tài chính thời gian gần đây đã "năng động" và có nhiều "sáng kiến" điều chỉnh các loại thuế, tăng thu ngân sách và huy động thêm tiền của người dân. 

Ngoài ra, ông Doanh cũng cho biết, việc đưa ra những "sáng kiến" một cách gấp gáp (chưa đầy 1 tháng trước khi Nghị định có hiệu lực - PV) làm xấu môi trường kinh doanh của Việt Nam, gây khó cho doanh nghiệp. Thông thường tại các nước việc đưa ra dự thảo Nghị định đều được đưa ra trước 1-3 năm.

Là người không ủng hộ mức thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay mà cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô cần tăng gấp 2-3 lần do cơ sở hạ tầng, và việc ưu tiên khuyến khích phương tiện vận tải công cộng, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, việc tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính khiến giá bán ô tô nhập khẩu sẽ tăng lên do đó Bộ Tài chính cần có những lý giải xác đáng hơn nữa về vấn đề này.

Theo Bizlive