Con số ấn tượng này vừa được công bố tại Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ 2016 của Bộ TT&TT diễn ra sáng nay, 31/12/2016.
Có thể nói, năm 2015 là một năm tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành TT&TT. Bên cạnh doanh thu và lợi nhuận "khủng", tổng nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong ngành cũng ước đạt tới 63.380 tỷ đồng. Các chỉ số về mật độ phổ cập công nghệ cũng phản ánh một bức tranh sáng, tích cực về ngành như tỷ lệ thuê bao di động đạt 140 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 8,2 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động: 40 thuê bao/100 dân;
Cả nước đã có 52% dân số sử dụng Internet, tỷ lệ phủ sóng di động đạt 94%; 100% xã có má điện thoại; 98% xã có điểm Bưu điện - văn hóa xã.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với nhiều dự án đầu tư "khủng" từ các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel, Canon...
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Năm 2015, nhiều cơ chế chính sách mới đã được Bộ TT&TT tập trung triển khai nghiên cứu, xây dựng và thể chế hóa thành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm xác định mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn ngành TT&TT trong thời gian tới. Trong số này có nhiều đề án lớn như: Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí (sửa đổi), Quy hoạch phát triển và quản lý Báo chí toàn quốc đến năm 2025, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020...
Trên cơ sở các đề án do Bộ tham mưu và xây dựng, năm 2015, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và thông qua 18 đề án, gồm: Luật An toàn thông tin mạng, 02 nghị quyết và 01 nghị định của Chính phủ, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thái Anh. |
Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 424/425 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, gồm 8 chương, 54 điều. Theo đánh giá của đông đảo các chuyên gia trong ngành, việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin mạng theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các quy định trong lĩnh vực này; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin; tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng. Luật An toàn thông tin mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
Tương tự, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã được Chính phủ trình lên Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII và dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua trong năm 2016.
Tăng tốc ứng dụng CNTT
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 36 đề ra, gồm: Đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại; ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao; phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế tri thức; phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình, Internet; tăng cường hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, ngày 26/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Chương trình nhằm cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp; Ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính trong một năm; giảm chi phí hoạt động.
Đồng thời, mục tiêu của chương trình là phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên quy mô quốc gia, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Theo dự đoán, đà tăng trưởng của ngành TT&TT trong năm 2016 sẽ tiếp tục mạnh mẽ nhờ các chính sách mới có hiệu lực. Khả năng tiếp cận công nghệ của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, cận nghèo sẽ được cải thiện đáng kể nhờ những Chương trình như cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Nhờ Chương trình này, mọi người dân sẽ được hỗ trợ sử dụng miễn giá cước các dịch vụ viễn thông khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định; sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng của Chương trình theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước được hỗ trợ sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích nếu đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp viễn thông; ngoài ra, còn được hỗ trợ thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền hình quảng bá công nghệ số.
Ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển được hỗ trợ sử dụng miễn giá cước dịch vụ viễn thông di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải; sử dụng dịch vụ viễn thông di động hàng hải (điện thoại HF, VHF) qua hệ thống đài thông tin duyên hải theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích. Các trường học, bệnh viện, UBND cấp xã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích. Kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình là 11.000 tỷ đồng, được đảm bảo từ nguồn thu của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam....
Theo VNN