Doanh thu giảm một nửa, Masan Resources lỗ 120 tỷ Quý IV/2019

VietTimes -- Phía tập đoàn Masan cho biết mục tiêu của MSR là kiểm soát chi phí, ước tính sẽ giúp tiết kiệm gần 14 triệu USD hàng năm, bù đắp phần nào cho ảnh hưởng của giá Vonfram.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4/2019 của CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources - Mã CK: MSR), doanh thu của công ty giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.020,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp trong Quý 4/2019 chỉ đạt 58,9 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 cùng kỳ năm 2018. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh, chỉ còn ở mức 5,8%.

Trong Quý 4/2019, MSR ghi nhận nguồn doanh thu từ hoạt động tài chính tăng lên mức mức 198,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí tài chính vẫn duy trì ở mức cao, đạt 303,76 tỷ đồng. Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm trước, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều có xu hướng gia tăng, lần lượt đạt 24,6 và 64 tỷ đồng.

Sau khi tính thêm các khoản chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp, MSR báo lỗ 120,16 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh kém sắc trong Quý 4/2019 khiến lợi nhuận sau thuế lũy kế của chủ sở hữu chỉ còn 352,39 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 663,75 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2019, doanh thu của MSR đạt 4.706 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018. Theo thông tin từ Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN), nguồn doanh thu của MSR giảm chủ yếu do giá Vonfram thấp do điều kiện thị trường khó khăn và sản lượng đồng bán ra hạn chế (thấp hơn 49% so với năm 2018).

Giá vonfram và đồng tồn kho ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của MSR năm 2019 (Nguồn: MSN)
Giá vonfram và đồng tồn kho ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của MSR năm 2019 (Nguồn: MSN)

Trước đó, vào Quý 3/2019, do giá Vonfram giảm sâu khiến doanh thu của MSR thấp hơn giá vốn. Công ty thoát lỗ nhờ khoản thu nhập một lần đến từ việc thắng kiện Jacobs E&C Australia Pty Ltd.

Tập đoàn Masan cho hay việc mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck sẽ giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định hơn ngay cả khi giá cả hàng hóa biến động như trong năm 2019. Bên cạnh đó, mục tiêu của MSR là kiểm soát chi phí. Phía Masan ước tính MSR sẽ tiết kiệm được gần 14 triệu USD hàng năm, bù đắp phần nào cho ảnh hưởng của giá Vonfram.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của MSR đạt 29.774,7 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho của MSR tăng 1,9 lần so với đầu năm, lên mức 3.139 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của MSR tính đến cuối năm 2019 đạt 17.304,8 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 12.469 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2020, theo thông tin từ phía Tập đoàn Masan, doanh thu thuần của MSR dự kiến trong khoảng 5,5 - 6 nghìn tỷ đồng, không bao gồm sự hợp nhất từ H.C.Starck sau khi giao dịch hoàn tất. Ban điều hành cũng dự kiến giá vonfram sẽ đạt 260 USD/MTU cho năm 2020 và không có biến động so với năm 2019./.