Doanh nghiệp Việt hâm nóng cuộc đua hàng không vũ trụ ở Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong việc phát triển lĩnh vực vệ tinh liên lạc và du lịch vũ trụ. Mà Thaiholdings, nên nhớ, từng muốn xây dựng sân bay vũ trụ ở Phú Quốc.

Theo Nikkei Asia, một cuộc chạy đua trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đang nóng lên ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia có cơ hội nổi bật trong phát triển lĩnh vực vệ tinh liên lạc và du lịch vũ trụ.

Hãng tin này cho biết, Thaiholdings – tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam – từng công bố kế hoạch xây dựng sân bay vũ trụ du lịch vào năm 2026, với tổng vốn đầu tư lên tới 30.000 tỉ đồng (khoảng 1,3 tỉ USD).

"Thaiholdings đang phát triển một khu nghỉ dưỡng quy mô lớn trên hòn đảo này, tìm cách biến nó thành một trung tâm du lịch, bao gồm cả du lịch vũ trụ", Nikkei Asia viết.

Như VietTimes từng đề cập, cuối tháng 12/2021, Thaigroup đã có công văn gửi UBND tỉnh Kiên Giang, trong đó xin nghiên cứu, khảo sát vị trí và đề xuất đầu tư dự án Cảng vũ trụ du lịch tại Phú Quốc với mức đầu tư gần 30.000 tỉ đồng.

Ít ngày sau, CTCP Thaiholdings (Mã CK: THD) đã góp vốn thành lập CTCP Thaispace (Thaispace) với quy mô vốn điều lệ ở mức 26.688 tỉ đồng.

Trong đó, ông Nguyễn Đức Thụy (‘bầu’ Thụy) trực tiếp đứng tên cho số cổ phần có giá trị theo mệnh giá lên tới 20.016 tỉ đồng, chiếm 75% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Xuân Thái và bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh - hai người con lớn của ‘bầu’ Thụy – sở hữu tổng cộng 20% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại do Thaiholdings nắm giữ.

Đến tháng 5/2022, Thaispace chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, đồng thời giảm vốn điều lệ xuống chỉ còn 2.275 tỉ đồng. Ở thời điểm này, cơ cấu sở hữu của Thaispace bao gồm: Thaiholdings (nắm giữ 16,98% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Đức Thụy (sở hữu 83,02% vốn điều lệ).

Tới tháng 6/2022, Thaispace đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc (Bãi Thơm – Phú Quốc). Dữ liệu của VietTimes cũng cho thấy, ‘bầu’ Thụy đã chuyển nhượng phần vốn góp trong pháp nhân này cho 2 thể nhân, là bà Phạm Thu Hằng và ông Nguyễn Chí Kiên.

Đến tháng 10/2022, Thaiholdings hoàn tất triệt thoái vốn tại Bãi Thơm – Phú Quốc cho ông Trịnh Văn Thiệm – cựu Chủ tịch HĐQT Thaigroup.

Theo Nikkei Asia, Cơ quan Thông tin địa lý và Công nghệ vũ trụ Thái Lan (GISTDA) đang chuẩn bị phóng một vệ tinh công nghiệp từ Ấn Độ vào tháng 8 tới. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu thiết kế và sản xuất vệ tinh trong nước, đồng thời có kế hoạch phóng 2-3 vệ tinh tự sản xuất hoặc đồng phát triển trong 5 năm tới.

Nikkei Asia cho rằng, việc vận hành các vệ tinh được phát triển trong nước giúp các quốc gia chủ động hơn trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu. Kế hoạch của Thái Lan được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp thông minh và công nghệ xe tự lái.

Quốc gia này cũng lập kế hoạch xây dựng bãi phóng của riêng mình và đã bắt đầu các cuộc thảo luận với Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc để chọn một địa điểm thích hợp ở khu vực phía đông bắc hoặc phía nam của đất nước.

Theo Giám đốc điều hành GISTDA Pakorn Apaphant, nếu các điều kiện về ngân sách và công nghệ được đáp ứng, một cơ sở như vậy có thể được xây dựng trong thời gian từ 7 đến 10 năm.

"Thái Lan, với mạng lưới hậu cần phát triển tốt, sẽ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp vũ trụ Đông Nam Á," ông Pakorn cho hay.

Ở Philippines, gã khổng lồ viễn thông Globe Telecom đã thử nghiệm thành công việc gửi và nhận tin nhắn văn bản vào tháng 2 bằng cách sử dụng các vệ tinh có quỹ đạo thấp, cho phép liên lạc với tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn so với các vệ tinh không đồng bộ địa lý.

Công ty hy vọng sẽ cải thiện thông tin liên lạc ở các vùng núi xa xôi, đặc biệt là cho các mục đích cứu trợ thiên tai.

Thời tiết khắc nghiệt cũng là một yếu tố khiến ngành kinh doanh vệ tinh ngày càng được quan tâm. Đông Nam Á đã thường xuyên phải chịu những tác động của biến đổi khí hậu thông qua lũ lụt và hạn hán diện rộng. Các hệ thống giám sát thời tiết dựa trên vệ tinh có thể hỗ trợ giảm thiểu hậu quả của những sự kiện như vậy./.

Nguồn tham khảo: Nikkei Asia