Doanh nghiệp "tố" khổ lên PTT Vương Đình Huệ

Các doanh nghiệp trẻ ngày hôm nay, 3-6, đã tận dụng cơ hội để "tố" với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về những nỗi khổ mà bộ máy công quyền bên dưới gây ra cho họ.
Các doanh nghiệp tư nhân tố khổ lên Phó Thủ tướng. Ảnh TG
Các doanh nghiệp tư nhân tố khổ lên Phó Thủ tướng. Ảnh TG

Những sắc màu nỗi khổ

Trong cuộc gặp mặt giữa ông Huệ và 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 tại Văn phòng Chính phủ sáng nay 3-6, ông Đỗ Huy Hiệu, Giám đốc công ty TNHH DVH-Bransons chuyên về đào tạo cho các doanh nghiệp, kể về nỗi trần ai.

Để làm thủ tục xin giấy phép mời chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đào tạo một chương trình chỉ 2-3 ngày, những doanh nghiệp như của ông phải nộp hồ sơ trước một tháng.

Ông kể: “Nếu chúng tôi nộp chậm chỉ hai ngày sẽ bị cán bộ trả lại hồ sơ”. Chuyện này công ty đã gặp phải nhiều lần, song, theo ông Hiệu, đây không phải là vấn đề chính từ cơ quan quản lý.

Ông nói: “Không có việc lót tay thì không có giấy phép. Tôi nhận ý kiến của một bên thứ ba đề nghị chi 15 triệu, họ sẽ lo cho có giấy phép ngay”.

Kể tiếp về nỗi khổ nộp thuế cho Nhà nước, ông nói: “Khi chúng tôi lên nộp thuế, nhân viên kế toán (công ty) đã nhận được một câu nói của cán bộ tiếp nhận hồ sơ: công ty thành lập đã ba năm rồi mà giờ mới đến thăm các anh chị à!”

Ông nói với Phó Thủ tướng: “Tôi rất khó hiểu từ “thăm” là như thế nào”.

Vị giám đốc cho rằng, ngành thuế hiện nay đang đánh đố doanh nghiệp chứ không phải thúc đẩy doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhà nước. Ông bày tỏ mong muốn Phó Thủ tướng và Chính phủ có chính sách sao cho cán bộ tiếp doanh nghiệp không thể nói những lời như vậy nữa.

Ông nói: “Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ nên không có đủ tiền để lót quá nhiều cửa như vậy”.

Bà Võ Thị Tuyết Hà, Giám đốc công ty Song Long ở Khánh Hòa, cho biết là doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, công ty muốn đăng ký sản phẩm dưới dạng thảo dược nhưng ở Việt Nam chưa có bộ phận chuyên về phân tích và công bố điều kiện cho thảo dược, vì thế công ty phải đăng ký sản phẩm ở dạng dược để giảm chi phí và các điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo khác.

“Công an kinh tế, quản lý thị trường... thanh tra, kiểm tra nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau  gây nhiều khó khăn cho chúng tôi”, bà nói.

Doanh nhân Trần Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT tâp đoàn kinh tế Martin, cho biết trước đây doanh nghiệp dùng tên miền là hoangsa.edu.vn nhưng giờ không được sử dụng vì cơ quan quản lý nhà nước nói là “nhạy cảm”. Vậy là cả hệ thống email dùng cũng không được, nên gián đoạn trong giao tiếp với khách hàng.

Có doanh nghiệp kiến nghị phí công đoàn 2% là “rất lớn”, và đề nghị phải công khai, minh bạch trong sử dụng phí này.

Tổng cộng có 15 ý kiến của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính quá rườm rà, chính sách ưu đãi về thuế vẫn hạn chế, ngay cả lĩnh vực được ưu tiên như công nghiệp phụ trợ cũng không đủ để cạnh tranh được với các doanh nghiệp từ nước ngoài và doanh nghiệp FDI.  

Chính phủ không bao che

Tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Cả hệ thống phải chuyển động chứ không chỉ chuyển động ở trên. Phải tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ công chức, ai làm không được để người khác làm, xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm. Chính phủ không bao che ai”.

Ông nói thêm: “Doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều ở Chính phủ, và Chính phủ cũng đòi hỏi doanh nghiệp đi trên đôi chân của chính mình, trên cơ sở đổi mới sáng tạo, chứ không phải bằng con đường thân hữu, quen biết, quan hệ.”

Ông khẳng định Chính phủ sẽ đồng hành với doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, Chính phủ, các bộ, ngành phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là nhóm chính sách về đầu tư, vườn ươm khoa học công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện đã có ba Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo đó, Việt Nam phấn đấu lọt vào top ASEAN 4 về môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn quy định trên giấy tờ với thực thi của cán bộ công chức như doanh nghiệp phản ảnh.

Bên cạnh đó, gần đây Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 với nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân với mục tiêu đến 2020 nước ta có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, là động lực quan trọng phát triển đất nước.

Ông cho biết thêm, Chính phủ đã chuẩn bị trình ra Quốc hội Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Chính phủ không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, trong nước hay ngoài nước, nhà nước hay tư nhân. Tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo nguyên tắc không biệt đối xử và theo nguyên tắc thị trường”, ông  nói.

Theo TBKTSG