Doanh nghiệp than phiền chưa làm được thị thực điện tử

Từ ngày 1-2 sẽ bắt đầu thực hiện cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài đến Việt Nam, nhưng trang web bằng tiếng Anh của Cục quản lý Xuất nhập cảnh vẫn chưa hoạt động được để khách nước ngoài làm thủ tục.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trước tết Đinh Dậu, chính phủ đã có nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo đó, để thực hiện thủ tục này, từ ngày 1-2-2017, công dân thuộc 40 nước được phép xin thị thực điện tử có thể vào cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh có tên miền tiếng Việt là https://www.xuatnhapcanh.gov.vn, tiếng anh là https://www.immigration.gov.vn để làm thủ tục.

Tuy nhiên, đến chiều nay, chỉ có trang web tiếng Việt là có thể truy cập được. Tại đây, khi nhấn vào nội dung trực tiếp đề nghị cấp thị thực điện tử, sau đó bấm lệnh chuyển tiếp thì trang web mới dẫn đến trang có mẫu điền hồ sơ bằng tiếng Anh. Nếu là người nước ngoài không biết tiếng Việt thì không thể tự khai hồ sơ xin thị thực điện tử.

"Mấy ngày nay, tôi liên tục vào trang https://www.immigration.gov.vn nhưng không thể truy cập được. Đáng lẽ khi công bố trang web và thời điểm cụ thể để làm thủ tục thì cơ quan quản lý phải đảm bảo là trang web hoạt động để khách nước ngoài có thể vào đăng ký ngay", ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink nói.

Theo ông, đối tác nước ngoài rất quan tâm đến việc du khách được xin thị thực điện tử nhưng đến nay công ty vẫn chưa cung cấp địa chỉ trang web để thực hiện thủ tục. "Chúng tôi chờ đến khi trang web hoạt động thực sự mới dám đưa địa chỉ cho khách hàng chứ nếu đưa cho họ trang web chưa hoạt động được thì không hay", ông nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đang nôn nóng về quy trình thực hiện thủ tục này. Do đây là thủ tục liên quan đến người nước ngoài nên trang web bằng tiếng Anh phải hoạt động tốt thì du khách mới có thể dễ dàng làm thủ tục.

Việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài được thực hiện thí điểm trong vòng hai năm, áp dụng cho công dân của 40 nước.