Doanh nghiệp ô tô trước ngã ba đường: sản xuất hay ngưng?

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã có từ lâu, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể. Do đó đang đặt khó khăn cho doanh nghiệp trong quyết định tiếp tục lắp ráp, hay nhập khẩu ô tô để bán ở trong nước..
Các liên doanh lắp ráp ô tô đang chờ đợi chính chính sách cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam
Các liên doanh lắp ráp ô tô đang chờ đợi chính chính sách cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam

Băn khoăn lắp ráp hay nhập khẩu?

Toyota Việt Nam đang ở trong tình trạng này. Dù kết quả kinh doanh tăng trưởng khá mạnh mẽ trong năm qua và là thương hiệu xe du lịch chiếm thị phần lớn nhất trong nước trong nhiều năm liền, bỏ xa các đối thủ nhưng Toyota vẫn chưa dám quyết chắc có nên tiếp tục lắp ráp xe tại Việt Nam sau năm 2018 hay không khi mà thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0%.

Tại cuộc họp báo công bố thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015 ở Hà Nội hôm 2-4, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam thừa nhận việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% năm 2018 là một áp lực lớn đối với các hãng xe trước quyết định tiếp tục lắp ráp xe hay chỉ nhập khẩu.

Cho tới nay, Toyota Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về vấn đề này dù năm 2015 sẽ là thời điểm công ty buộc phải quyết định bởi thông thường để sản xuất một mẫu xe sẽ cần thời gian chuẩn bị là 3 năm.

"Nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, gỡ ra rồi lại lắp lại. Vì thế việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Toyota Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đều phải phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu".

"Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô chưa đưa ra kế hoạch phát triển cụ thể là sẽ làm gì nên chúng tôi không biết phải làm gì. Vì thế, để trả lời câu hỏi: “Toyota có tiếp tục sản xuất hay không?” thì chúng tôi còn phải đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó. Nếu các cơ quan chức năng không có động thái cụ thể thì tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn”, ông Maruta nói.

Ông Maruta cũng bày tỏ sự trông chờ vào chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ.

Trong khi Toyota còn dè chừng khi nói về chiến lược đầu tư kinh doanh ở Việt Nam bởi dù sao thị phần của hàng xe này còn rất lớn (năm 2014 bán được hơn 41.200 xe, chiếm gần 31% thị phần), thì những đơn vị sản xuất ô tô khác có thị phần nhỏ hơn, trước đó cũng đã thẳng thắn nói rõ quan điểm của mình là sẽ nghiêng về nhập khẩu nếu Chính phủ không đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển, thậm chí một số hãng sẽ ngưng lắp ráp mà chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn.

Đơn cử như Công ty liên doanh Vinastar (lắp ráp xe Mitsubishi) không ngần ngại công khai kế hoạch chuyển sang nhập khẩu các dòng xe thương hiệu này để bán tại thị trường Việt Nam do thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm dần từ nay đến năm 2018.

Lãnh đạo Vinastar cho rằng sở dĩ Mitsubishi chọn nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì nhập khẩu linh kiện để lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam vì hãng cũng chưa biết được từ nay đến năm 2018, Chính phủ có thay đổi gì về chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô.

Trong khi đó Suzuki Việt Nam không nói rõ kế hoạch kinh doanh của mình như thế nào nhưng vào cuối năm ngoái đã chọn dòng xe bảy chỗ Ertiga nhập khẩu từ Ấn Độ làm xe chiến lược để cạnh tranh với các đối thủ khác trong nước.

Một thương hiệu ô tô lớn của Hàn Quốc mà rất nhiều người hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Hyundai, mới đây cũng đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia...

Cơ hội đang vuột mất dần

Như ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam đề cập, khó khăn nhất của Việt Nam dẫn đến kém cạnh tranh là không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ sản xuất nội địa của các doanh nghiệp ô tô trong nước rất thấp (chỉ đạt từ 10-30% tùy theo dòng xe). Và các linh kiện được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các loại phụ tùng đơn giản giá trị thấp.

Đơn cử như Toyota Việt Nam dù đến nay đã phân phối và sản xuất khoảng 305.780 xe nhưng mới có 18 nhà cung cấp phụ tùng trong nước với 270 phụ tùng được nội địa hoá. Như vậy, khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0%, việc nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam rõ ràng sẽ khó cạnh tranh so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia.

Trong khi đó, các dòng xe phổ thông mang các thương hiệu Toyota, Ford, Mazda, Honda... đang chiếm thị phần áp đảo ở thị trường ô tô trong nước. Hầu hết các hãng xe này đều đang có ít nhất một nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc cả hai. Tất cả các nhà máy này đều có quy mô lớn hơn rất nhiều so với các nhà máy mà tập đoàn đó đặt ở Việt Nam. Trong khi những khoản đầu tư của những tập đoàn này ở Việt Nam gần đây chỉ nhỏ giọt để đáp ứng việc kinh doanh hiện tại thì Thái Lan và Indonesia lại đón nhận số vốn cả trăm triệu đô la Mỹ/dự án.

Điển hình là Toyota, Ford, Nissan... trong khi còn dè dặt để nói về kế hoạch lắp ráp và sản xuất ở trong nước thì hai năm gần đây đã quyết định xây dựng thêm các nhà máy mới tại Thái Lan và Indonesia với số vốn đầu tư tại mỗi nhà máy từ 200 - 400 triệu đô la Mỹ. Theo giới phân tích rõ ràng các hãng ô tô thế giới trong thời gian gần đây đã quyết định chọn Thái Lan và Indonesia như là hai cơ sở sản xuất chính trong khu vực Đông Nam Á thì cơ hội cho Việt Nam sẽ mất dần.

Để thu hút được các nhà sản xuất ô tô rót vốn vào Việt Nam như Thái Lan và Indonesia như hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải có một thị trường tại chỗ thật lớn và phải phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngang hàng với Thái Lan và Indonesia trong thời gian còn lại là điều rất khó khăn.

Tất cả các nhà sản xuất dòng xe phổ thông cũng thừa nhận Việt Nam khó theo kịp ngành công nghiệp ô tô của hai nước này. Với thực tế này, trừ một số doanh nghiệp có thị trường lớn vẫn tiếp tục lắp ráp những mẫu xe còn có lợi thế, còn không lại đều có xu hướng chuyển sang nhập xe nguyên chiếc về phân phối.

Để chuẩn bị “sau năm 2018”, Bộ Công Thương đã đề nghị một “chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16-7-2014. Các liên doanh ô tô đang trông chờ chính sách cụ thể của Chính phủ để quyết định là sẽ tiếp tục lắp ráp hay chuyển sang nhập khẩu khi thế cạnh tranh ở Việt Nam đang ở thế yếu mọi thứ.

Xu hướng xe nhập khẩu đang ngày tràn vào Việt Nam. Năm ngoái, cả nước nhập khẩu khoảng 72.000 xe hơi nguyên chiếc với tổng giá trị tương đương 1,57 tỉ đô la Mỹ, tăng 103,8% về lượng và tăng 117,3% về giá trị so với năm 2013. Lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc này chiếm gần 50% thị trường. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng ô tô bán ra trong năm qua đạt 157.800 xe, tăng 43% so với năm 2013.

Ba tháng đầu năm nay, tổng số tiền chi cho lượng xe nhập khẩu này lên đến 537 triệu đô la Mỹ, tăng 154,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo TBKTSG