Doanh nghiệp nội phải trả lãi 12-16 tỷ USD/năm!

Theo tính toán của chuyên gia Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh, tổng nợ phải trả của khối doanh nghiệp nội đến năm 2012 khoảng 415 tỷ USD tương đương 269%GDP, nếu lãi suất bình quân khoảng từ 3-4% thì doanh nghiệp nội phải trả lãi hàng năm từ 12-16 tỷ USD.
Doanh nghiệp nội phải trả lãi 12-16 tỷ USD/năm!

Góp tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, hai chuyên gia Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh đặt vấn đề, thời gian qua các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cũng như người dân có nhiều lo lắng về vấn đề nợ công của đất nước, tuy nhiên nợ công theo khái niệm của Việt Nam là một khái niệm còn nhiều tranh cãi; đặc biệt tiêu chí nợ công trên GDP bao nhiêu là hợp lý?

 Riêng về vấn đề nợ của doanh nghiệp Nhà nước các tác giả cho biết, không cơ quan nào công bố cơ cấu của nợ; bao nhiêu là nợ trong nước, bao nhiêu là nợ nước ngoài? Lãi suất phải trả của mỗi khoản nợ ra sao?

 Theo công bố của Tổng cục Thống kê trong “Sự phát triển của Doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2011” và số liệu cập nhật cho năm 2012 cho thấy nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2012 vào khoảng 192 tỷ USD chiếm khoảng 124% GDP (tăng 8,7% GDP); nếu loại trừ yếu tố giá bằng chỉ số giảm phát GDP thì lượng nợ năm 2012 giảm 2% so với năm 2011.

 Nếu tính cả doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì tổng nợ phải trả của khối doanh nghiệp nội đến năm 2012 khoảng 415 tỷ USD khoảng 269%GDP và nếu lãi suất bình quân khoảng từ 3-4% thì khối doanh nghiệp nội phải trả lãi hàng năm từ 12-16 tỷ USD.

Tham luận của tác giả Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh cũng chỉ ra, tỷ lệ giữa nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2011 của khối doanh nghiệp Nhà nước là 3,3, của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 3. Tỷ lệ này của doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2013 giảm chỉ còn 2,18. Tuy nhiên tỷ lệ nợ phải trả so với nguồn vốn chủ sở hữu của khu vực ngoài Nhà nước lại tăng lên nhanh chóng.

 Số liệu thống kê cũng cho thấy tỷ lệ nợ phải trả so với nguồn vốn chủ sở hữu và so với GDP của khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm nhanh, đây là một tín hiệu đáng mừng nếu đà giảm này vẫn tiếp tục như hiện nay. Độc giả có thể quan sát chi tiết tại bảng dưới đây:

 

 Doanh nghiệp tư nhân có nhiều gánh nặng

 Liên quan đến vấn đề “sức khỏe” doanh nghiệp, tính toán tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các loại hình doanh nghiệp trong những năm gần đây cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thấp nhất và có xu hướng ngày càng thấp.

 Trong năm 2011, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 3% và 5,2%; của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 1,1% và 1,5%; và của các doanh nghiệp FDI là 4,4% và 5,1%.

 Các tác giả cho rằng, điều này lý giải tại sao trong 2 năm gần đây khi tỷ lệ để dành trên GDP và đầu tư trên GDP tương đương nhau nhưng nền kinh tế vẫn rất khó khăn về vốn, và tại sao các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nếu không phải là sân sau của các doanh nghiệp Nhà nước thì chết hàng loạt.

 “Với tỷ suất lợi nhuận như vậy, không một doanh nghiệp ngoài Nhà nước nào sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng qui định pháp luật chịu được mức lãi suất trên 20% những năm trước đây và khoảng 10% trong hiện tại” – hai vị chuyên gia nhận xét.

 Như vậy, lượng kiều hối và lượng tiền trong dân thực chất chỉ là “tiền tệ”, không thành vốn để đi vào sản xuất do các doanh nghiệp ngoài Nhà nước không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất với lãi suất huy động 7-8% và lãi suất phải trả ngân hàng trên 10% trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn của họ chỉ là 1-2%.

 Các tác giả cho rằng, tỷ suất lợi nhuận sụt giảm chính là do các loại chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, hầu hết đều mang tính “giật cục”, ngắn hạn, đồng thời với chi phí vận chuyển tăng cao do giá năng lượng liên tục tăng vì các doanh nghiệp độc quyền về năng lượng luôn luôn kêu lỗ.

 Ví các doanh nghiệp Nhà nước như những ông “vua” không ngai, tác giả Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh nhìn nhận, người dân và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước ngoài việc đóng thuế để nuôi những đối tượng này, lại còn phải chịu mua những sản phẩm độc quyền với giá cao và giá trị thấp. Đồng nghĩa với việc người dân và doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang phải oằn lưng gánh chịu hậu quả của doanh nghiệp Nhà nước do quản lý kém cỏi và nạn tham nhũng mang lại.

Theo Dân trí