Dọa Mỹ, Trung Quốc bất ngờ thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Khuya ngày 4/2, Trung Quốc thông báo tiến hành thành công vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa giai đoạn giữa từ mặt đất trên lãnh thổ của họ. Đây được cho là phản ứng với phát biểu trước đó của chỉ huy quân Mỹ.
Sơ đồ nguyên lý vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa: bên trái là tên lửa đối phương tấn công, bên phải là tên lửa đánh chặn (Ảnh: Dwnews).
Sơ đồ nguyên lý vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa: bên trái là tên lửa đối phương tấn công, bên phải là tên lửa đánh chặn (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Dwnews (Đa Chiều) ngày 5/2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói cuộc thử nghiệm công nghệ đánh chặn tên lửa đạn đạo từ mặt đất đã đạt được mục tiêu mong đợi và nhấn mạnh rằng cuộc thử nghiệm mang tính chất phòng thủ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ hiện chưa được xác định, động thái này của PLA được coi là truyền đi thông điệp cứng rắn.

Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc, sáng sớm ngày 5/2 đã đăng trên Weibo nói vụ thử nghiệm diễn ra rất kịp thời. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Charles Richard, ngày 2/2 đã ban hành một văn bản cho biết Mỹ đã thiết kế lại các cách thức để răn đe Trung Quốc và Nga, bao gồm cả việc đối mặt với "khả năng thực tế" xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Hồ Tích Tiến nói rằng Charles Richard đang yêu cầu Mỹ thực hiện đe dọa hạt nhân chống lại Trung Quốc và Nga, sử dụng "chiến tranh hạt nhân" để răn đe Trung Quốc và Nga, đặc biệt là Trung Quốc.

Hình ảnh vụ phóng trên bầu trời (Ảnh: Dwnews).

Hình ảnh vụ phóng trên bầu trời (Ảnh: Dwnews).

Ông cho rằng vụ thử nghiệm thành công của Trung Quốc là “một phản ứng mạnh mẽ trước lời kêu gào ngạo mạn của chỉ huy quân đội Mỹ nói trên, mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố trong tuyên bố rằng vụ thử này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”.

Đồng thời, ông Hồ Tích Tiến cho rằng dù quan hệ Trung - Mỹ có diễn biến tiếp theo theo hướng nào thì sức mạnh hạt nhân và công nghệ chống tên lửa của Trung Quốc cũng cần được tăng cường. Ông nói rằng: “Sớm hay muộn Mỹ cũng sẽ thực hiện hành động đe dọa hạt nhân áp lực cao đối với Trung Quốc. Trung Quốc cần phải có ít nhất 1.000 đầu đạn hạt nhân và các phương tiện phóng đột kích và phòng thủ mạnh mẽ, có khả năng tấn công hạt nhân lần hai giáng đòn trả thù hạt nhân mạnh mẽ và đáng tin cậy, để những thế lực bên ngoài định tấn công Trung Quốc phải rùng mình sợ hãi khi đối mặt với khả năng của Trung Quốc; chỉ khi đó an ninh quốc gia của Trung Quốc mới vững chắc. Người Trung Quốc không nên ngây thơ về điều này”.

Theo các tư liệu, đây là lần thứ năm quân đội Trung Quốc công khai việc họ tiến hành các cuộc thử nghiệm công nghệ chống tên lửa từ đất liền. Bốn lần trước là vào ngày 11/1/2010, 27/1/2013, 23/7/2014 và 6/2/2018.

Ngay trước khi quân đội Trung Quốc công bố thông tin này, các nhân chứng tại nhiều nơi ở Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Sơn Tây và Tân Cương, đã phát hiện ra hiện tượng bất thường trên bầu trời - dấu vết cột khói của một tên lửa sau khi nó bay. Khi đó, nhiều người đã đồn đoán rằng Trung Quốc lại tiến hành vụ thử tên lửa bí ẩn.

Vệt khói, dấu vết của vụ đánh chặn trên bầu trời Bắc Kinh (Ảnh: Dwnews).

Vệt khói, dấu vết của vụ đánh chặn trên bầu trời Bắc Kinh (Ảnh: Dwnews).

Về nội dung thông cáo, tin tức đưa ra rất ngắn gọn và dùng từ đều giống nhau, có thể thấy đây là cuộc thử nghiệm được thực hiện theo lịch trình dự kiến, là bình thường và thường lệ; nhưng đồng thời truyền đi hàm lượng thông tin rất lớn.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng điều này cho thấy công nghệ phòng không chống tên lửa của Trung Quốc ngày càng hoàn thiện và tâm lý của họ ngày càng cởi mở và tự tin. Cũng có nguồn tin cho rằng vào ngày 4/2, tàu Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan và thổi phồng “Trung Quốc đang chĩa mũi giáo vào Mỹ”. Việc quân đội Trung Quốc chủ động công bố tin này cũng là để ngăn chặn các “thông tin sai sự thật”.

Ngoài ra, theo thông báo chính thức, vào các thời gian từ 17h51 đến 18h28 ngày 4/2, lúc 20h00’37’’ ngày 4/2 và từ 11h09’ đến 11h46’ ngày 5/2 tại Thái Nguyên, Sơn Tây. PLA tiến hành các hoạt động phóng lên không gian. Thông báo này có nghĩa là vào ngày 5/2, quân đội Trung Quốc có thể có một vụ phóng khác ngoài vụ phóng ngày 4/2.

Mục đích duy nhất của cuộc thử nghiệm công nghệ đánh chặn tên lửa giai đoạn giữa từ mặt đất là để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn của các cường quốc hạt nhân. Mục tiêu đánh chặn chủ yếu là các tên lửa đạn đạo tầm xa và xuyên lục địa phóng từ đất liền và từ tàu ngầm.

Bản đồ vụ phóng do Trung Quốc công bố (Ảnh: Dwnews).

Bản đồ vụ phóng do Trung Quốc công bố (Ảnh: Dwnews).

Việc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa từ mặt đất có hệ thống phức tạp và độ khó kỹ thuật cực cao, hiện nay trên thế giới mới chỉ có Trung Quốc, Mỹ và Nhật đã tiến hành các vụ thử nghiệm này.

Là một loại vũ khí chiến lược, Trung Quốc tiến hành lại vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa từ mặt đất, tất nhiên họ phải có những cân nhắc chiến lược.

Hiện tại, Mỹ vẫn chưa kết luận làm thế nào để thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ tiến lên. Mặc dù các quan chức cấp cao của Trung Quốc như Vương Kỳ Sơn, Dương Khiết Trì, thậm chí cả nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã lên tiếng về tầm quan trọng của hợp tác Trung-Mỹ, nhưng chính sách Trung Quốc của chính quyền Joe Biden vẫn chưa được xác định.

Tuy nhiên, điều chắc chắn duy nhất là Mỹ có mục tiêu rõ ràng là kiềm chế Trung Quốc một cách toàn diện, trong đó bao gồm cả việc kiềm chế quân sự toàn diện. Trước đó, Mỹ đã nghiên cứu xác định phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa và tuyên bố sẽ triển khai ở các quốc gia và khu vực xung quanh Trung Quốc.

Chuyên gia quân sự Hồng Kông Tống Trung Bình (Song Zhongping) cho rằng điều này cho thấy công nghệ đánh chặn tên lửa từ mặt đất của Trung Quốc ngày càng hoàn thiện và đã có khả năng đánh chặn cũng như hiệu quả chiến đấu thực tế.

Tống Trung Bình nói, cuộc thử nghiệm thực sự không liên quan đến các sự kiện nói trên, cũng không phải là nhằm vào nhau. "Cần nhấn mạnh rằng cuộc thử nghiệm công nghệ đánh chặn tên lửa giai đoạn giữa từ mặt đất mang tính chất phòng thủ. Vì nó là phòng thủ nên nó không mang tính đe dọa và cũng không nhằm vào bên thứ ba”.

Được biết, công nghệ đánh chặn chống tên lửa, căn cứ theo vị trí phóng được chia thành từ mặt đất, mặt biển và trên không, đề cập đến việc phóng hệ thống chống tên lửa từ đất liền, trên biển và trên bầu trời. Theo thời cơ đánh chặn, nó có thể được chia thành ba loại: hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo "giai đoạn phóng", hệ thống phòng thủ "giai đoạn cuối" và hệ thống phòng thủ "giai đoạn giữa". Đặc điểm của đánh chặn giai đoạn giữa là tên lửa bay tương đối ổn định, tốc độ có một giai đoạn khá thấp, rất thích hợp để đánh chặn.

Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Chuyên gia chỉ ra rằng cuộc thử nghiệm công nghệ chống tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa là nhằm vào các tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm xa và thậm chí là liên lục địa. Cuộc thử nghiệm này là một cuộc thử nghiệm thường kỳ do Trung Quốc tiến hành nhằm xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của riêng mình, cũng là thể hiện họ đã có một hệ thống chống tên lửa giai đoạn giữa ngày càng hoàn thiện.

Mặt khác, Tống Trung Bình cho rằng Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Tên lửa Tầm trung vào tháng 8/2019 và đe dọa triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung và thậm chí tầm trung – xa xung quanh Trung Quốc, gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc tiến hành vụ thử đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa cũng là để đối phó với các yếu tố gây mất an ninh bên ngoài. Đồng thời, tuyên bố việc Trung Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia và hệ thống phòng thủ tên lửa các Chiến khu là nhằm đảm bảo nước này có đầy đủ năng lực đánh chặn hiệu quả các tên lửa đạn đạo tầm xa và xuyên lục địa của các nước khác, trong đó có Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia.