DN CNTT nội gặp khó vì chính sách bảo hộ ngược cho các DN nước ngoài
Hoàng Hợi
VietTimes -- Chính sách pháp luật hiện nay đang bảo hộ ngược, siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. Như vậy muốn doanh nghiệp trong nước phát triển và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài thì bên cạnh việc đặt ra các quy định cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Nhận định trên được ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) nêu lên trong Hội thảo sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt tại TP.HCM với chủ đề “thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ nội dung số thương hiệu Việt Nam trong nền kinh tế số”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) cho hay, trong những năm gần đây ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, có giá trị xuất khẩu lớn đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia.
Cụ thể, ngành công nghiệp CNTT đang thu hút trên 24.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 34.000 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho trên 70.000 lao động.
Một trong những trụ cột quan trọng trong công nghiệp CNTT là ngành công nghiệp nội dung số, trong thập kỷ qua, ngành đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ. Bà Hương cho biết, doanh thu trong ngành này năm 2016 đạt 739 triệu USD, tăng trưởng 16% so với năm 2015 với 2.700 doanh nghiệp hoạt động.
Tuy tăng trưởng ấn tượng, nhưng không thể phủ nhận nội dung số vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong toàn ngành CNTT, số lượng công ty nhiều nhưng chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các sản phẩm mang thương hiệu, đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường vẫn còn khiêm tốn.
Nhưng với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; chi phí nhân công cạnh tranh; số lượng điện thoại thông minh và thuê bao 3G tăng mạnh từng năm; hạ tầng internet và di động băng thông rộng phát triển rộng khắp, ngành công nghiệp nội dung số được đánh giá là ngành phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi trên, ngành cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có thể nhắc đến các chính sách hiện nay còn nhiều bất cập
Cụ thể, trong Nghị định 72 hiện nay về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, khi xảy ra vấn đề liên quan đến Internet thì chủ yếu xử lý về mặt hành chính. Nhưng đối với các nước khác, hầu hết không can thiệp vào xử lý hành chính mà chủ yếu là xử lý về mặt dân sự, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TT&TT cho biết.
Bên cạnh đó, luật quản lý thông tin trên mạng của Việt Nam chưa có, mà chỉ có các quy định pháp luật. Nhưng các quy định này cũng chỉ "quản" được hoạt động của các doanh nghiệp đã được cấp phép, đối với các mảng xuyên biên giới thì còn rất nhiều khó khăn, ông Lê Quang Tự Do nói thêm
Như vậy, chính sách pháp luật hiện nay đang bảo hộ ngược, tức là siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp trong nước nhưng lại không quản lý gì hoặc là quản lý không có hiệu quả đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, "bên cạnh việc đặt ra các quy định thì cần có chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh họ đang chiếm ưu thế hơn rất nhiều", Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đề xuất.
Đồng ý với ý kiến trên, đa số đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng cần phải có sự nới lỏng trong chính sách quản lý ở lĩnh vực nội dung số. Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có dư địa để phát triển, đồng thời các doanh nghiệp trong nước có thế mạnh về nội dung, nền tảng công nghệ, cung cấp hạ tầng công nghệ… liên kết với nhau cùng phát triển.
Là đơn vị được gia trách nhiệm xử lý vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để trong năm 2018 nhanh chóng khắc phục những bất cập này.