Disney chuẩn bị đưa công nghệ Deepfake lên màn ảnh rộng

VietTimes – Bên cạnh những “mặt tối” của Deepfake, mới đây công nghệ này đang được Disney thử nghiệm phục vụ trong lĩnh vực điện ảnh.
Deepfake của Disney đã cải thiện chất lượng hình ảnh đáng kể. Ảnh: The Verge.
Deepfake của Disney đã cải thiện chất lượng hình ảnh đáng kể. Ảnh: The Verge.

Mới đây, một bản video demo từ hãng sản xuất phim nổi tiếng Walt Disney cho thấy, công nghệ Deepfake sắp tới hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng mới trong sản xuất phim điện ảnh. Trong bản báo cáo trình bày tại hội nghị đồ họa máy tính Eurographics Symposium on Rendering 2020, các kỹ sư nghiên cứu đã trình bày về ứng dụng công nghệ Deepfake cho hình ảnh ghép giống thật đầu tiên ở độ phân giải megapixel.

Mặc dù chưa thể ứng dụng ngay vào những bộ phim bom tấn tầm cỡ Marvel, công nghệ này vẫn được coi là bước tiến lớn so với những kỹ thuật xử lý trong quá khứ. Từ trước đến nay, công nghệ Deepfake mới chỉ tập trung vào làm mượt chuyển động khuôn mặt chứ chưa đầu tư vào độ phân giải. Do vậy, những sản phẩm từ công nghệ Deepfake hiện nay chủ yếu phù hợp trên giao diện điện thoại, lộ rõ lỗi khi trình chiếu trên những màn hình kích thước lớn hơn. Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ Deepfake mới đã khắc phục cơ bản những vấn đề về độ phân giải nêu trên.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu của Disney chỉ ra rằng, các video có độ phân giải tối đa được tạo từ mã nguồn mở phổ biến DeepFakeLab chỉ có kích thước 256 x 256 pixel. Trong khi đó, mô hình đang nghiên cứu của Disney có thể tạo ra video với độ phân giải 1024 x 1024 pixel. 

Ngoài ra, chức năng chính của mô hình Deepfake Disney đang phát triển là hoán đổi ngoại hình của hai nhân vật mà vẫn giữ nguyên biểu cảm của gương mặt mục tiêu. Trong khi các video deepfake trước vẫn còn một số hạn chế về mặt kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào ánh sáng và góc máy, công nghệ của Disney đã khắc phục đáng kể những vấn đề này. Mặc dù chưa sẵn sàng để thay thế công nghệ tạo kỹ xảo truyền thống, công nghệ này vẫn có thể ứng dụng vào các dự án thương mại.

Trước đây, Disney đã từng dùng công nghệ VFX truyền thống để tạo ra mô hình ảo của các diễn viên quá cố Peter Cushing và Carrie Fisher cho bộ phim Star Wars: Rogue One. Quá trình này rất tốn kém và mất thời gian đến vài tháng, các nhà nghiên cứu cho biết. Trong khi đó, Deepfake chỉ cần tốn vài giờ để xử lý cả quá trình phức tạp này.

Nhờ tính ứng dụng cao, các nhà nghiên cứu dự đoán, sớm muộn Deepfake sẽ trở thành một lựa chọn khả thi cho các hãng phim lớn trên thế giới.

Công nghệ Deepfake được xây dựng trên nền tảng machine learning mã nguồn mở của Google. Công nghệ này hoạt động dựa trên cơ chế quét video và ảnh chân dung của một người, sau đó hợp nhất với video riêng biệt, gán khuôn mặt của người này sang người khác nhờ AI. Theo thống kê, có đến 96% nội dung deepfake được sử dụng với mục đích xấu.

Theo The Verge