Dioxin: Cơn ác mộng khủng khiếp của quốc gia

VietTimes -- Dioxin có 75 đồng phân PCDD và tới 135 đồng phân PCDF, 419 chất hóa học PCB, đều là những chất độc hại đối với cơ thể con người. Đặc biệt, khi dư lượng dioxin tồn tại rất lâu trong môi trường, gây ra gánh nặng bệnh tật, làm thiệt hại nguồn nhân lực của xã hội.
Những đứa trẻ bị nhiễm chất độc Dioxin (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)
Những đứa trẻ bị nhiễm chất độc Dioxin (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Các nhà khoa học một lần nữa chỉ ra ảnh hưởng nghiêm trọng của Dioxin tới con người trong hội thảo có chủ đề “Ảnh hưởng của Dioxin lên nội tiết” do Khoa Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với tổ chức AFAPE và Đại học Y Hà Nội tổ chức tại Hà Nội sáng 17/5.

GS. Charles Sultan - Chủ tịch Hiệp hội AFAPE - tổ chức hoạt động vì gia đình và trẻ em tại Pháp - gọi Dioxin và các chất hóa học độc hại có trong thuốc trừ sâu là “vụ bế bối về sức khỏe” bởi chúng đã và đang gây ra những hậu quả to lớn tới cộng đồng.

GS. Charles Sultan cho biết, Dioxin là một điển hình của thuốc trừ sâu. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang sử dụng hàng chục ngàn tấn thuốc trừ sâu mỗi năm. Năm 2016, Tây Ban Nha tiêu tốn 76.000 tấn thuốc trừ sâu, Pháp tốn 72.000 tấn, Italy 62.000 tấn, Đức 41.000 tấn... Với lượng sử dụng như vậy, Dioxin và thuốc trừ sâu không chỉ phá hủy môi trường, mà còn tàn phá cả sức khỏe của con người.

GS. Charles Sultan, Chủ tịch Hiệp hội AFAPE chia sẻ về tác hại của Dioxin tới sức khỏe con người
GS. Charles Sultan, Chủ tịch Hiệp hội AFAPE chia sẻ về tác hại của Dioxin tới sức khỏe con người

“Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những chất đồng phân, đồng vị của dioxin đều có thể tác động tới các hormone trong cơ thể gây biến đổi, sinh ra bệnh tật và dị tật. Nguy hiểm hơn nữa, thuốc trừ sâu và Dioxin có thể để lại tồn dư trong môi trường từ 8 – 12 năm, rất khó phân hủy nhưng có thể nhiễm vào cơ thể rất nhanh. Không có mức độ phơi nhiễm Dioxin nào được coi là an toàn. Điều này có thể hiểu là nếu một người phơi nhiễm Dioxin, dù ở một lượng nhỏ nhất cũng đã mang trong mình hiểm họa mầm bệnh” – GS. Charles Sultan nói.

Chia sẻ cụ thể hơn về tác động của Dioxin tới nội tiết, TS. Nguyễn Thị Phương Oanh – giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, các bà mẹ sinh sống tại vùng nhiễm chất độc Dioxin luôn có tỷ lệ đồng vị trong sữa cao hơn từ 2 đến 10 lần so với các bà mẹ tại các vùng khác. So với các nước trên thế giới, nồng độ Dioxin trong sữa mẹ tại một số vùng của Việt Nam luôn ở mức cao (tới 11,48 pg trong 1 gram sữa mẹ).

GS.TS. Lê Ngọc Thành - Trưởng khoa Y-Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội kết luận buổi hội thảo
GS.TS. Lê Ngọc Thành - Trưởng khoa Y-Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội kết luận buổi hội thảo  

Khi trẻ hấp thụ phải những chất này, trẻ sẽ bị rối loạn tổng hợp hormone. Nếu trẻ bị phơi nhiễm trong thời kỳ bú mẹ, Dioxin sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormone steroid ở tuyến thượng thận và tinh hoàn/buồng trứng của trẻ em, làm chậm quá tình biến đổi của vỏ tuyến thượng thận từ cấu trúc của trẻ em sang tuyến thượng thận có đầy đủ chức năng của người trưởng thành; tăng nguy cơ mắc bệnh, làm giảm cân nặng khi sinh...

Nếu bà mẹ mang thai nhiễm Dioxin, những đứa trẻ chắc chắn sẽ ra đời với nhiều khuyết tật thương tâm, thậm chí có trẻ phải sống đời sống thực vật ngay từ khi lọt lòng. Dioxin cũng sẽ tác động đến hệ thống miễn dịch, tuyến nội tiết và cả chức năng sinh sản, dẫn đến một số bệnh ung thư ở cả mẹ và con khi tiếp xúc với chất độc này quá lâu và trong một thời gian dài.

“Thật đau lòng khi chúng ta biết được rằng những đứa trẻ đã nhiễm độc ngay từ khi còn trong bụng mẹ, tương lai của chúng bị hủy hoại vì Dioxin” – GS. Charles Sultan chia sẻ. Còn tại Việt Nam, sự tồn tại của hàng loạt trẻ em dị tật trong các gia đình cựu chiến binh hoặc có bố hoặc mẹ từng công tác, chiến đấu, hoặc từng sống sinh trong vùng bị rải chất dioxin, vẫn là nỗi đau và gánh nặng to lớn không chỉ riêng cho các em và gia đình, mà còn cho cả xã hội.