Định vị Việt Nam qua tấm gương “vượt thời đại” của Israel

VietTimes -- Người Việt Nam thường nói: Phấn đấu năm sau cao hơn năm trước, nghĩa là năm sau vẫn như năm trước nhưng có tiến lên một chút. Còn tư duy hành động của Isarel là: Tiến vượt thời đại, là phấn đấu để năm sau không chỉ hơn năm trước mà còn khác biệt năm trước.

Được gọi là Quốc gia khởi nghiệp, Israel vượt qua cả Mỹ về số vốn đầu tư mạo hiểm mỗi người, với 170 USD, so với 70 USD của Mỹ. Đây là một con số "biết nói" cho 1 quốc gia mới thành lập 65 năm trước.
Được gọi là Quốc gia khởi nghiệp, Israel vượt qua cả Mỹ về số vốn đầu tư mạo hiểm mỗi người, với 170 USD, so với 70 USD của Mỹ. Đây là một con số "biết nói" cho 1 quốc gia mới thành lập 65 năm trước.

Đó là điều mà TS. Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, nhận xét về Israel sau 2 lần công du đất nước này. VietTimes xin giới thiệu tới quý vị độc giả những đúc rút của TS. Lê Doãn Hợp về suy nghĩ, tinh thần của người Israel:

Tôi đến Israel 2 lần vào các năm 2010 và 2013. Đây là một đất nước để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Một quốc gia hoàn toàn sa mạc, đầy khó khăn, thách thức. Lập nước từ năm 1948 mà đến nay đã có hàng loạt lĩnh vực đứng ở top đầu thế giới như: vệ tinh, khoa học quân sự, nông nghiệp, an ninh, giáo dục đào tạo, tài chính, ứng dụng CNTT… Nếu khái quát đó là một quốc gia: Quyết chí lập nước; Khát vọng làm giàu; Hoài bão đổi đời.

Tư duy vượt thời đại

Tiếp và làm việc với tôi, ngài bộ trưởng đồng nhiệm của Isarel đã nói rất nhiều điều bổ ích; Với tôi có 4 điều lắng đọng và sâu sắc nhất:

1. Việt Nam và Isarel đều là những nước đi sau. Nếu đặt mục tiêu như Việt Nam đang làm là tiến cùng thời đại thì mãi mãi vẫn đi sau. Tư duy hành động của Isarel là: Tiến vượt thời đại.

2. Việt Nam thường nói phấn đấu năm sau cao hơn năm trước. Như vậy là năm sau vẫn là năm trước có tiến lên một tý. Tư duy của Isarel là phấn đấu để năm sau không chỉ hơn năm trước mà còn khác biệt năm trước.

3. Người Isarel ở khắp thế giới (trong nước hơn 7 triệu, ngoài nước gần 8 triệu) đồng tình góp vốn xây dựng quỹ “Vì khoa học CN tương lai”. Mỗi người góp tối thiểu 50 USD/năm. Nhờ quỹ này mà chúng tôi có được những bước tiến thần kỳ về khoa học công nghệ, như sản xuất ô tô chạy bằng điện, chỉ trong vòng 3 năm từ ý tưởng của Thủ tướng thành sản phẩm đồng loạt trên đất nước Isarel . Hay mỗi nhà dân có 20 tấm pin thu năng lượng mặt trời để có điện dùng quanh năm không phải trả tiền. Rồi công nghệ hút áp lực của xe hơi chạy trên đường bộ để tạo ra dòng điện vừa giảm tiếng ồn vừa có nguồn điện phục vụ dân sinh với giá thành thấp nhất.

4. Xét về góc độ duy trì và phát triển nòi giống, thì con vật và con người không khác nhau nhiều lắm. Con vật cũng biết xây tổ ấm, biết nuôi dạy con trưởng thành, biết bảo vệ giống nòi. Nhưng con vật chỉ thua con người một điều duy nhất là không biết đọc. Vì vậy con người không chịu đọc thì cũng giống con vật. Nói điều này làm cho nhiều người chạnh lòng nhưng lại rất cần trong thời đại Internet khi hơn 70% tri thức của con người nhờ xem, đọc và nghe mà có.

Dấu ấn khó phai

Nói chuyện với tôi, ngài Bộ trưởng đồng nhiệm của Israel tâm sự: Năm 1946 tại một khách sạn ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Thủ tướng Israel đang lưu trú ở Paris. Sau một hồi tâm sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời: Nếu các nước Châu Âu không có nước nào cho Chính phủ Israel lưu trú để đấu tranh đòi độc lập dân tộc, thì mời Chính phủ Israel sang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đứng chân. Đó là một dấu ấn lịch sử, một tầm nhìn quốc tế trong sáng, cao đẹp mà nhân dân Israel của chúng tôi không bao giờ quên khi nghĩ về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi nghiên cứu về thành quả của công cuộc ứng dụng CNTT của Isarel, chúng tôi rất ngưỡng mộ về thành quả “3 không” mà bạn đã đạt được từ khá lâu là: Không dùng giấy tờ, không có khủng bố và không có bộ máy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp tất cả đều bằng công nghệ điện tử. Trong điều kiện của một đất nước nằm trong vòng 350 triệu dân của thế giới Ả rập còn nhiều bất đồng và hàng vạn dân Ả rập đang sinh sống trong lòng đất nước Isarel vẫn bình yên.

Tôi đến đất nước Isarel lần đầu (2010) thì thủ tục nhập cảnh rất chặt chẽ nhưng chỉ chặt chẽ một lần ở cửa khẩu còn đã vào nội quốc thì hoàn toàn tự do, không bao giờ bị kiểm tra hành chính. Nhưng khi tôi đến Isarel lần thứ hai (2013), tôi vừa nhìn vào màn hình an ninh ở sân bay thì lập tức cơ quan an ninh thông báo: Ngài vào Isarel lần 2 rồi, mời ngài vào và không hỏi gì thêm. Trong khi ở Việt Nam, dù là bệnh viện công nhưng khi bệnh nhân nhập viện thì mọi xét nghiệm của bệnh viện khác đều không được chấp nhận, buộc bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần, mất thời gian, thêm chi phí, mệt mỏi và chờ đợi.

Nông nghiệp tiên tiến

Ngành nông nghiệp Isarel phát triển thần kỳ trên thực tiễn: Sa mạc toàn phần, lượng mưa hàng năm chỉ bằng 2% của Việt Nam. Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ dựa vào 2 nguồn: giếng khoan từ lòng đất và lọc nước ngọt từ nước biển. Vì thế, bạn quý từng giọt nước. Hệ thống tưới cây hoàn toàn tự động và được lập trình rất chặt chẽ. Tất cả cây xanh đều được tưới vào lúc nửa đêm, với một lượng nước phục vụ cây xanh được tính toán rất khoa học, áp dụng phù hợp cho từng cây và từng thời kỳ sinh trưởng. Tưới ít thì kìm hãm sự phát triển, tưới nhiều thì lãng phí nước như lãng phí tiền và vàng.

Nhờ đó mà nền nông nghiệp Isarel đã thành nhiều điểm sáng của loài người, với năng suất và hiệu quả rất cao như: Khoai tây 300 tấn/ha/năm. Dưa chuột 500 tấn/ha/năm. Cà chua 500 tấn/ha/năm và sữa bò trên 12.000 lít/con/năm. Riêng hoa quả xuất khẩu sang châu Âu mỗi năm trên 2 tỷ USD.

Chúng ta hãy dũng cảm so mình với thế giới, để học hỏi, để hiểu người, biết mình; Từ đó “định vị” xem ta đang ở đâu và ta phải làm gì để xứng đáng với tiềm năng của đất nước, để không thua em kém bạn, để sớm sánh vai với các cường quốc 5 châu như khát vọng của Bác Hồ.

(*) TS. Lê Doãn Hợp là Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT.