Định vị hệ sinh thái của ông chủ Kosy Group

VietTimes - Kosy Group đang là cái tên gây tò mò với không ít nhà đầu tư. Dù có những thành viên đã được đại chúng hóa, thậm chí là niêm yết nhưng mối quan hệ đan cài giữa một số pháp nhân trong hệ sinh thái này vẫn đặt ra không ít băn khoăn. Kosy Group dường như vẫn mang bản chất của một doanh nghiệp gia đình, với sự chi phối của Chủ tịch Nguyễn Việt Cường và người thân.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Kosy. (Ảnh: Internet)
Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Kosy. (Ảnh: Internet)

CTCP Kosy được doanh nhân Nguyễn Việt Cường thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Năm 2011, Kosy chuyển mạnh sang bất động sản và xác định đây là mảng miếng chủ lực với dự án đầu tay Moutain View quy mô 38ha ở TP. Lào Cai.

Dù vậy, phải tới giai đoạn 2014-2017, cái tên Kosy mới bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi tăng mạnh vốn lên 415 tỷ đồng và đồng loạt triển khai nhiều dự án nhà ở tại Thái Nguyên và Bắc Giang, bên cạnh dự án chủ lực ở Lào Cai.

Cuối năm 2017, Kosy trở thành công ty đại chúng và giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM, để rồi đầu tháng 9 vừa qua chính thức niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Kosy cho biết đang phát triển chuỗi dự án bất động sản, năng lượng từ Bắc vào Nam với tổng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hệ sinh thái doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cũng đang phát triển theo mô hình tập đoàn (Group) với nhiều thành viên, mỗi đơn vị phụ trách một bộ phận riêng biệt.

Hệ sinh thái "gia đình"

Theo giới thiệu, Kosy Group có 8 thành viên là CTCP Kosy Hà Nội, CTCP Kosy Bắc Giang, CTCP Kosy Lào Cai, CTCP Hồng Việt, CTCP KPT Việt Nam, CTCP Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Đông Đô, CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy điện và CTCP Đầu tư Công nghệ BTL Việt Nam.

Trong số này, có hai thành viên đặc biệt quan trọng trong "họ" doanh nghiệp Kosy, đó là CTCP Kosy Hà Nội và CTCP KPT Việt Nam.

Không riêng dự án Kosy Mountain View Lào Cai, nhiều dự án khác do CTCP Kosy sắm vai chủ đầu tư cũng được các danh nghiệp thân quen sắm vai tổng thầu. Điều này làm dấy lên không ít băn khoăn về tính thực chắc của các giao dịch khủng nội khối. (Ảnh: Internet)
Không riêng dự án Kosy Mountain View Lào Cai, nhiều dự án khác do CTCP Kosy sắm vai chủ đầu tư cũng được các danh nghiệp thân quen sắm vai tổng thầu. Điều này làm dấy lên không ít băn khoăn về tính thực chắc của các giao dịch khủng nội khối. (Ảnh: Internet)

CTCP Kosy Hà Nội được thành lập tháng 11/2015 với ba cổ đông sáng lập là CTCP Đầu tư Kosy và hai người thân của ông Nguyễn Việt Cường là bà Dương Thị Vinh (mẹ) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (em gái).

Hiện nay, các cổ đông này đã thoái hết vốn khỏi Kosy Hà Nội, bản thân doanh nghiệp này cũng đã đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây dựng Hạ tầng Thủ đô, song mối liên hệ với nhóm Kosy Group vẫn là rất mật thiết. Cụ thể, Hạ tầng Thủ đô hiện là tổng thầu xây dựng hai dự án Kosy Sông Công và Kosy Mountain View Lào Cai với tổng giá trị hợp đồng hơn 1.200 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP KPT Việt Nam được thành lập tháng 11/2016, có vốn điều lệ 390 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập là CTCP Kosy (18,8%) và hai lãnh đạo của Kosy là Thành viên HĐQT Nguyễn Đức Trang (40,6%) và Kế toán trưởng Phạm Thị Thắng (40,6%).

KPT Việt Nam hiện là tổng thầu thi công 2 dự án Kosy Cầu Gồ và Kosy Bắc Giang với tổng giá trị hợp đồng 386 tỷ đồng.

Tới cuối Quý II/2019, tổng số dư các khoản trả trước cho hai đối tác trên lên tới 553 tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng tài sản và già nửa vốn điều lệ của Kosy.

Đây cũng là lý do vì sao một bộ phận nhà đầu tư không khỏi lo ngại về chất lượng vốn của Kosy, khi mà doanh nghiệp này trong 5 lần tăng vốn từ 120 tỷ đồng lên 1.037,5 tỷ đồng gần như chỉ phát hành cho cổ đông hiện hữu. Và rằng tỷ lệ chi phối của gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường, dù đã được pha loãng đáng kể, hiện vẫn lên tới 68% - con số rất lớn so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.

Sơ đồ giao dịch và mối liên quan giữa các công ty trong hệ sinh thái Kosy.
Sơ đồ giao dịch và mối liên quan giữa các công ty trong hệ sinh thái Kosy.

Trở lại với hệ sinh thái Kosy Group, với bản chất là một doanh nghiệp gia đình, không bất ngờ khi các thành viên trong nhà Chủ tịch kiêm TGĐ Nguyễn Việt Cường chia nhau nắm giữ những chức vụ chủ chốt, như vợ ông - bà Nguyễn Thị Hằng là Phó Chủ tịch HĐQT, em gái ông - bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ, bố vợ ông - ông Nguyễn Ngọc Sáu là Ủy viên HĐQT...

Ngoài 8 công ty thành viên đã nêu trên, vợ và các em ông Cường còn đảm trách chức vụ chủ chốt tại một số đơn vị khác đáng chú ý như em trai Nguyễn Thế Hùng là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sơn Phúc có vốn 626 tỷ đồng; em trai Nguyễn Trung Kiên là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Đông Đô; em gái Nguyễn Thị Phương Thảo phụ trách CTCP Đầu tư Kosy và Văn phòng đại diện Kosy tại Lai Châu.

Song quan trọng hơn cả chắc hẳn phải là vợ ông - bà Nguyễn Thị Hằng.

Ngoài vai trò Phó Chủ tịch HĐQT, là cánh tay phải của ông Nguyễn Việt Cường, nữ doanh nhân sinh năm 1983 còn trực tiếp sở hữu và đứng tên CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đông Tây - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có vốn điều lệ 300 tỷ đồng được thành lập đầu năm nay tại TP.HCM; CTCP Bất động sản Kosy (vốn 100 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Phát triển Năng lượng NGK (thành lập tháng 8/2019) có vốn 650 tỷ đồng tại Lai Châu.

Về phần mình, ông Nguyễn Việt Cường chỉ trực tiếp đứng tên CTCP Kosy - pháp nhân lõi trong cả hệ thống, và CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thủy điện (vốn 350 tỷ đồng) sau khi mua lại từ nhóm cổ đông sáng lập vào tháng 10/2018.