“Định vị” Green Park Estate – dự án có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VinaLand

VietTimes – Dự án Green Park Estate bắt đầu được VinaLand Limited (VNL) - quỹ chuyên trách lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn VinaCapital - giới thiệu trong Báo cáo thường niên năm 2010, sau khi dự án này nhận được quyết định phê duyệt lập quy hoạch 1:500 và giấy phép sử dụng đất.
Khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi (mái đen xám). (Ảnh: Internet)
Khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi (mái đen xám). (Ảnh: Internet)

Như VietTimes đã đưa tin, sau khi thoái vốn tại hàng loạt các dự án bất động sản, danh mục đầu tư của VNL chỉ còn lại hai dự án, trong đó dự án khu phức hợp Green Park Estate chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối.

Theo thuyết minh, dự án này sẽ được xây dựng trên nền đất cũ của nhà máy dệt may, diện tích 15,7ha, với hơn 300m mặt tiền trên đường Trường Chinh, Tp. Hồ Chí Minh. Dự án này có sự tham gia của VNL từ Quý 1/2006.

Đặc điểm của khuôn viên Green Park Estate mà VNL đề cập có nhiều điểm tương đồng với lô đất tại địa chỉ số 2 Trường Chinh, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh của Công ty cổ phần dệt may Thắng Lợi (Thang Loi Textile Garment Joint Stock Company – Vigatexco).

Và theo tìm hiểu của VietTimes, khu đất 15,7ha tại số số 2 Trường Chinh, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú của  Công ty cổ phần dệt may Thắng Lợi đích thị là khuôn viên của dự án Green Park Estate mà VNL đề cập.

Công ty cổ phần dệt may Thắng Lợi

Vigatexco tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chuyên về lĩnh vực sản xuất hàng hóa dệt may, sau đó tiến hành cổ phần hóa theo Quyết định số 1316/QĐ-TCCB ngày 11/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp.

Theo báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán, cơ cấu cổ đông lớn của Vigatexco bao gồm: Công ty TNHH Kinh Doanh Địa ốc Điền Phước Long (công ty mẹ - sở hữu 37,5%), Công ty TNHH ĐT Bất Động Sản Vạn Thành (sở hữu 26,1%) và Công ty Allweath Asia Limited (sở hữu 16,3%). Theo tìm hiểu của VietTimes, hầu hết trong số này đều những doanh nghiệp của nhóm VinaCapital.

Cụ thể, Công ty mẹ của Vigatexco - Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc Điền Phước Long (Công ty Điền Phước Long) thành lập ngày 15/11/2006, có người đại diện là bà Hồ Thị Mỹ Diễm – Chủ tịch Hội đồng thành viên. Từ năm 2007, VNL đã tiến hành thâu tóm công ty này và sở hữu 100% vốn điều lệ cho tới nay.

Một cổ đông lớn khác là Công ty Allweath Asia Limited được thành lập tại thiên đường thuế, ở quần đảo Virgin thuộc Anh, do quỹ Vinacapital Vietnam Opportunity Fund Limited - VOF (quỹ thành viên của nhóm Vinacapital) trực tiếp sở hữu với 35% vốn điều lệ, chuyên quản lý lĩnh vực bất động sản. Quỹ VOF cũng là thành viên trong nhóm Vinacapital có những bước đi đầu tiên để sở hữu Vigatexco ngay từ năm 2006.

Hoạt động thâu tóm của nhóm Vinacapital đã được tiến hành liên tục từ giai đoạn 2006 – 2009, thời kỳ Vigatexco đã trở thành công ty cổ phần, thông qua hoạt động đầu tư của quỹ VOF. Ban đầu, quỹ này chỉ nắm giữ tỷ lệ 30% tại Vigatexco, sau đó tỷ lệ sở hữu của nhóm Vinacapital tiếp tục được cải thiện, có lúc lên tới 70%. Tính tới ngày 31/12/2017, VNL ghi nhận tỷ lệ sở hữu chiếm 50% vốn điều lệ tại Vigatexco.

Mặc dù có vị thế quyết định tại Vigatexco trong thời gian dài, VNL vẫn chưa thể tiến hành dự án bất động sản trên nền đất nhà máy của Vigatexco như mong muốn.

Số phận 15,7ha đất số 2 Trường Chinh, Q. Tân Phú

Đầu năm 2015, Vigatexco đã lên kế hoạch lập dự án xây dựng khu dân cư hỗn hợp, thương mại có tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng ngay tại nền đất nhà máy phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.

Dự án đã được chính quyền chấp thuận và có phần phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của TP HCM là “chuyển” các doanh nghiệp thâm dụng lao động có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.

Giới thiệu về dự án Green Park Estate của VinaLand năm 2010 (Nguồn: Báo cáo thường niên - VNL 2010)
Giới thiệu về dự án Green Park Estate của VinaLand năm 2010 (Nguồn: Báo cáo thường niên - VNL 2010) 

Nhưng vấn đề phát sinh ở chỗ, cũng trên nền khu đất này, Vigatexco đã cho 5 công ty dệt may khác là Công ty Cổ phần Sợi quốc tế Thắng Lợi; Công ty Cổ phần Dệt quốc tế Thắng Lợi; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển quốc tế Thắng Lợi, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nam Phú và Cty Cổ phần May quốc tế Thắng Lợi thuê lại địa điểm đặt nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để có đất trống cho dự án, Vigatexco đã thông báo cho các công ty thực hiện di dời nhà máy. Tuy nhiên, vì vướng mắc các đơn hàng xuất khẩu nên các công ty này đã không kịp di dời và gửi đơn “kêu cứu” đến UBND Tp. Hồ Chí Minh, với mong muốn được chính quyền can thiệp để được kéo dài hoạt động tới hết năm 2016. Kể từ đó, tiến độ của dự án cũng ít được nhắc tới.

Trong báo cáo quý 2/2018 vừa công bố, VNL cho biết đã có dự thảo sơ bộ quy hoạch 1:500 trình cấp có thẩm quyền xem xét (trong quý 1/2018) đối với dự án Green Park Estate. Bên cạnh đó, VNL cũng tiết lộ một thông tin đáng chú ý khi cho biết đang đàm phán với các đối tác thực hiện dự án này (Furthermore, the Manager is in discussions with a co-developer/investor for this project.).

Nên nhớ rằng, cách nói trên thường được VNL sử dụng để ám chỉ việc thương thảo chuyển nhượng dự án cho các đối tác.

Trong quá khứ, trước khi chính thức công bố việc chuyển nhượng các dự án như Vina Square, Pavilion Square, Aqua City, Capital Square..., quỹ đầu tư chuyên trách trong lĩnh vực bất động sản của VinaCapital đều thuyết minh như vậy ("in discussions with a co-developer/investor for this project")

Do đó, sẽ là không bất ngờ nếu tới đây, VinaLand Limited công bố việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Green Park Estate.

Cùng chờ xem..../.