Định kiến giới tính trong game online

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dù nữ giới chiếm 46,2% tổng số game thủ, tạo hình nhân vật và hướng đi của game vẫn dựa vào thị hiếu của cánh đàn ông.

Scor Mu là họa sĩ tạo hình nhân vật trong game và sống tại thành phố Thành Đô. Cô gái 28 tuổi này biết rõ ngành công nghiệp này luôn mong muốn những nhân vật nữ phải thật xinh đẹp và gợi cảm. Trong một vài trường hợp, cô nhận được miêu tả về nhân vật nữ bằng những từ ngữ gợi dục. Scor cho hay những họa sĩ như cô không có cách nào ngoài chấp nhận và kiên nhẫn hoàn thành công việc. "Đôi khi bạn phải làm ngơ và tự an ủi rằng ít nhất họ đã đưa ra mô tả nhân vật rõ ràng ngay từ đầu. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng đến tinh thần của tôi lúc làm việc", Scor chia sẻ.

Dù ngày càng có nhiều game thủ nữ, trò chơi điện tử vẫn chủ yếu do nam giới tạo ra, đồng nghĩa sở thích và thị hiếu của cánh đàn ông sẽ quyết định tạo hình và hướng đi của game.

Phần lớn nữ game thủ không nhận được sự tôn trọng từ nam giới. Ảnh: SCMP.
Phần lớn nữ game thủ không nhận được sự tôn trọng từ nam giới. Ảnh: SCMP.

Định kiến về giới tính trong ngành công nghiệp game diễn ra phổ biến ở nhiều nước, nhưng các phong trào nữ quyền bị làm ngơ ở Trung Quốc càng làm trầm trọng tình trạng khó khăn mà các game thủ và nhân viên nữ trong ngành phải đối mặt, bởi họ hiếm khi được lắng nghe.

Chỉ riêng tại công ty của Scor, trung bình cứ ba nhân viên nam mới có một nhân viên nữ và họ chủ yếu làm ở bộ phận lễ tân hoặc phát triển kinh doanh. Scor là nữ họa sĩ duy nhất trong công ty.

"Có rất ít nhà sản xuất nữ trong giới game online, ngay cả ở những vị trí như nhà tạo hình nhân vật", Kathy Gong, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập hãng WafaGames ở Bắc Kinh nhận định. Giám đốc Gong khẳng định sự mất cân bằng giới tính trong lĩnh vực trò chơi điện tử còn nặng nề hơn so với ngành công nghệ nói chung.

Theo Tingting Liu, Phó giáo sư tại Trường Báo chí và Tuyên truyền thuộc Đại học Tế Nam, nam giới thường là người tạo ra trò chơi, còn phái nữ chủ yếu làm việc trong lĩnh vực marketing và dịch vụ khách hàng.

"Cũng có vài trường hợp ngoại lệ nhưng không phải những trò chơi hot nhất hiện nay, khiến việc sản xuất những game dưới góc nhìn của phụ nữ trở nên khó khăn", Phó giáo sư nhận xét.

Năm 2019, theo báo cáo của Hiệp hội trò chơi điện tử do chính phủ điều hành (CGIGC), ước tính có 300 triệu người chơi ở Trung Quốc là nữ, chiếm 46,2% tổng số game thủ ở nước này.

Honor of Kings, một trong những game di động lớn nhất của Trung Quốc hiện có nhiều người chơi nữ hơn nam. Tuy nhiên, các game thủ nữ thường không chi tiêu nhiều vào trò chơi như nam giới. Báo cáo của CGIGC cho biết số tiền phái nữ nạp chiếm chưa đến 1/4 doanh thu trò chơi ở Trung Quốc.

"Hầu hết người chơi và chi tiền là nam giới nên những nhà phát triển game chú trọng vào nhu cầu của nhóm này", Phó giáo sư Liu cho biết.

Trong một nghiên cứu nhằm đánh giá trải nghiệm chơi game của phụ nữ Trung Quốc, Liu và một số nhà nghiên cứu khác đã phỏng vấn 11 người chơi nữ và 5 người chơi nam của trò chơi Honor of Kings. Họ phát hiện nam giới thường cho rằng chỉ họ mới sở hữu các kỹ năng cần thiết để đạt thứ hạng cao trong game. Trong khi đó, phụ nữ thường bị coi thường và xúc phạm về giới tính. Một số game thủ nữ chỉ đóng vai trò "trang trí" hoặc "kỳ đà cản mũi" trong nhóm.

Một nhân vật nữ anh hùng trong game Arena of Valor, bản quốc tế của Honour of Kings. Ảnh: Arena of Valor.
Một nhân vật nữ anh hùng trong game Arena of Valor, bản quốc tế của Honour of Kings. Ảnh: Arena of Valor.

Yishan Jin, nữ sinh viên kỹ thuật ở Đại Liên, cho biết trong hơn bốn năm chơi Dota 2, những nam game thủ sẽ hỏi nhiều điều kỳ quặc mỗi khi cô bật mic lên. Họ thắc mắc về kích cỡ áo ngực của cô, hoặc có phải Jin quá xấu nên chơi game để kiếm người yêu hay không.

Họa sĩ tạo hình nhân vật game, Scor Mu, từng bị xúc phạm khi chơi League of Legends. "Chạy theo hỗ trợ cho cô ta thật mệt mỏi quá sức tưởng tượng", một game thủ nam sỉ vả cô gái này.

"Bất cứ khi nào bạn bộc lộ giới tính của mình trong những môi trường có yếu tố xã hội như thể thao điện tử hay trò chơi trực tuyến, điều đó sẽ xảy ra. Họ có quyền quấy rối bạn nếu bạn chơi tốt và xúc phạm nếu bạn chơi tệ", Scor nói.

Cuihua Shen, Phó giáo sư truyền thông tại Đại học California, cho biết ở Mỹ, nơi cô thực hiện hầu hết các nghiên cứu của mình, phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Định kiến rằng phụ nữ chơi kém nam giới vẫn còn tồn tại, nhưng Shen cho biết mọi người thường đồng ý rằng phân biệt giới tính là xấu. Các công ty và cá nhân thể hiện nhận xét phân biệt giới tính sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

Shen nói thêm: "Tôi không chắc mình có thể nói về tình trang phân biệt ở Trung Quốc như vậy".

Gong, từ WafaGames, đồng ý: "Đó không phải là môi trường mà mọi người có thể thảo luận cởi mở về mọi thứ mà không bị công kích. Chúng tôi vẫn còn xa mới đạt được điều đó", cô nói.

Jin cho biết cô hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều nhà phát triển nữ trong ngành công nghiệp game, từ đó sẽ lắng nghe tiếng nói và nhu cầu của các game thủ nữ. Nhưng cô không lạc quan về điều đó, bởi nam giới vẫn sẽ chiếm phần lớn trong số những người chơi game và quá khó để thay đổi quan niệm về giới của người Trung Quốc.

Tại công ty của mình, Gong đang cố gắng tự giải quyết vấn đề này. Cô yêu cầu nhóm phát triển hình ảnh nhân vật không đi theo những hình mẫu phụ nữ sexy điển hình của hầu hết các trò chơi.

"Tôi yêu cầu họ ngừng tạo các nhân vật nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải và thay vào đó sẽ vẽ ra những chiến binh, những chiến binh thực sự trong lịch sử", Gong nói. Nhưng cô cũng không lạc quan về một sự thay đổi có thể sẽ sớm xảy ra trên quy mô lớn.

"Vẫn còn một chặng đường dài phía trước và chắc chắn mong ước của chúng tôi sẽ không thể thành hiện thực trong một sớm một chiều", Gong nói.

Theo VnExpress