Điều xấu nhất sắp xảy ra: dịch bệnh COVID-19 bắt đầu tấn công mạnh vào châu Phi

VietTimes -- Ngay từ khi dịch bệnh Viêm phổi do virus Corona mới (COVID-19) từ Trung Quốc lan ra thế giới, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo lắng: nếu dịch bệnh lan tới châu Phi sẽ rất nguy hiểm, dịch bệnh sẽ có thể mất kiểm soát, số người chết có thể sẽ rất lớn do cơ sở hạ tầng y tế ở châu lục này rất kém so với phần còn lại của thế giới.
Đã có 24/54 quốc gia châu Phi bị dịch bệnh COVID-19 tấn công (Ảnh: WHO).
Đã có 24/54 quốc gia châu Phi bị dịch bệnh COVID-19 tấn công (Ảnh: WHO).

Nay thì điều lo ngại này đang dần trở thành thực tế. Theo Tân Hoa xã, số quốc gia bị dịch bệnh tấn công và số người bị nhiễm bệnh hôm 18/3 ở các nước châu Phi đang tiếp tục gia tăng. Trong đó, số ca được xác nhận ở Nam Phi đã vượt quá 100; các nước Zambia, Djibouti... đã báo cáo những trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh đầu tiên .

Bộ trưởng Y tế của Zambia, Chitalu Chilufya, ngày 18/3 nói nước ông đã xác nhận lần đầu tiên 2 trường hợp bị COVID-19. Bệnh nhân là một cặp vợ chồng Zambia có tiền sử đi du lịch đến Pháp. Tổng thống Zambia Edgar Chagwa Lungu thông qua các cơ quan truyền thông và mạng xã hội kêu gọi công chúng không nên hoảng loạn, nếu phát hiện các trường hợp nghi nhiễm cần báo cáo một cách kịp thời.

Dân số châu Phi đông, hạ tầng y tế cơ sở mỏng và yếu sẽ rất khó khăn cho công tác chống dịch (Ảnh: AP).
Dân số châu Phi đông, hạ tầng y tế cơ sở mỏng và yếu sẽ rất khó khăn cho công tác chống dịch (Ảnh: AP).

Bộ Y tế Djibouti ngày 18/3 đã ban hành một thông báo nói Djibouti đã xác nhận trường hợp COVID-19 đầu tiên là một trường hợp nhập cảnh từ Tây Ban Nha.

Gambia báo cáo trường hợp được xác nhận bị bệnh đầu tiên vào ngày 17/3. Bộ trưởng Y tế Gambia Samate cho biết đó là một phụ nữ ở độ tuổi 20 trở về Gambia từ Anh hôm 15/3. Tổng thống Gambia Adama Barrow đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học, chợ họp ngoài trời và cấm mọi cuộc tụ tập nơi công cộng trong cả nước.

Ngoài ra, Burkina Faso cũng đã báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên vì COVID-19 của nước này vào ngày 18/3. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tử vong do COVID-19 ở vùng phía Nam Sahara của châu Phi. Có thêm 7 trường hợp viêm phổi mới được chẩn đoán ở nước này vào ngày 18/3, tổng cộng đã có 27 trường hợp COVID-19 đã được xác nhận ở quốc gia này.

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Nam Phi, tính đến sáng ngày 18/3, đã có tới 116 trường hợp COVID-19 được chẩn đoán ở Nam Phi. Tổng thống Nam Phi Matamela Cyril Ramaphosa đã tuyên bố Nam Phi bước vào tình trạng thảm họa và đã áp dụng các biện pháp cấm công dân của các quốc gia có nguy cơ cao nhập cảnh, cấm các cuộc tụ tập quy mô lớn, đóng cửa các trường học, đóng cửa các cửa khẩu đường bộ và đường biển để khống chế sự lây lan của virus.

Công tác phòng dịch đã được chú trọng tại nhiều quốc gia châu Phi (Ảnh: AP).
Công tác phòng dịch đã được chú trọng tại nhiều quốc gia châu Phi (Ảnh: AP).

Các nước châu Phi khác cũng tiếp tục có các ca nhiễm COVID-19 tăng vào ngày 17 và 18/3 là: Ehtiopia, Congo (DRC), Gabon, Rwanda, Ghana, Sénégal, Tanzania, Kenya, Seychelles, Cameroon, Guinea Xích đạo, Liberia, Guinea mỗi nước đã có từ 1 đến 5 trường hợp mới.

Để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng hơn, nhiều nước châu Phi đã tăng cường các biện pháp ứng phó. Các nước Sénégal, Bénin, Togo, Congo (Brazaville) đều đã tuyên bố đình chỉ một số chuyến bay quốc tế. Tanzania thông báo cấm tất cả các cuộc tụ tập công cộng trong 30 ngày tới kể từ 17/3, đóng cửa tất cả các trường từ mẫu giáo đến trung học sẽ bị đóng cửa, tất cả các cuộc thi đấu thể thao sẽ bị đình chỉ. Zambia tuyên bố sẽ tạm thời đóng cửa tất cả các trường học, viện nghiên cứu trong nước từ ngày 20 tháng này. Chính phủ Bénin đã quyết định hạn chế xuất nhập cảnh từ ngày 19/3, tất cả hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không sẽ phải cách ly trong 14 ngày và ngừng cấp thị thực nhập cảnh, v.v Tổng thống Liberia George Weah cũng thông báo dịch bệnh lần này là một trường hợp khẩn cấp y tế công cộng của quốc gia và khởi động hệ thống quản lý khẩn cấp y tế công cộng; các trường học trên cả nước tạm thời bị đóng cửa trong một tuần.

Người dân một số nước châu Phi đã có ý thức phòng chống dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: AP).
Người dân một số nước châu Phi đã có ý thức phòng chống dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: AP).

Ngoài ra, mặc dù chưa có trường hợp nào được xác nhận bị COVID-19, nhưng các chính phủ Sao Tome và Principe, Nigeria cũng đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Tổng thống Sao Tome và Principe, ông Paulo Evaristo Carvalho ngày 17/3 tuyên bố nước này bước vào tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ngay lập tức. Nigeria thông báo các chuyến bay quốc tế đến thủ đô Niamey sẽ bị đình chỉ trong hai tuần kể từ ngày 19/3. Tất cả các cửa khẩu đường bộ trong nước sẽ đóng cửa, ngừng xuất nhập cảnh trong hai tuần kể từ ngày 19/3. Tuy nhiên, sẽ không có hạn chế nào đối với vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, các trường học trong cả nước sẽ đóng cửa trong hai tuần kể từ ngày 20/3.

Mấy hôm trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đăng trên trang web của tổ chức này thông tin, tính đến ngày 12/3, 62 chuyên gia của WHO đã được đưa tới 18 quốc gia châu Phi để phối hợp với chính phủ các nước trong công tác điều trị, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm. WHO dự kiến sẽ đưa thêm nhiều chuyên gia nữa tới để hỗ trợ các chính phủ ở khu vực được coi là có hạ tầng cơ sở y tế mỏng và yếu này trong việc đối phó với sự bùng phát và ngăn chặn sự lây lan của virus Corona mới.

Theo Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc tính đến sáng ngày 19/3 đã có 24 trong số 54 quốc gia châu Phi bị dịch bệnh COVID-19 tấn công và con số này đang tiếp tục gia tăng.