"Diều hâu" KF-21 của Hàn Quốc "không có cửa" với J-20 của Trung Quốc, theo giới phân tích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mẫu chiến đấu cơ KF-21 “Boramae”, hay “diều hâu”, mới đây đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên kéo dài 30 phút.
Chiến đấu cơ KF-21 của Hàn Quốc tại trụ sở của Korea Aerospace Industries ở Sacheon (Ảnh: EPA)
Chiến đấu cơ KF-21 của Hàn Quốc tại trụ sở của Korea Aerospace Industries ở Sacheon (Ảnh: EPA)

Hàn Quốc hiện đang tăng tốc phát triển một mẫu chiến đấu cơ mới nhằm bắt kịp với Trung QuốcNga, nhưng các nhà quan sát quân sự tin rằng mẫu KF-21 này còn lâu mới có thể so sánh với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, như mẫu Chengdu J-20 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu được triển khai hàng loạt, KF-21 vẫn có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh không quân trong khu vực, và cũng có tiềm năng trở thành một mẫu có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, theo một chuyên gia phân tích tại Macau.

Trong hôm thứ Ba tuần trước, KF-21 “Boramae” đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm 30 phút ở thành phố Sacheon, phía Nam Hàn Quốc. Seoul hy vọng rằng mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4+ này sẽ là sự thay thế có giá rẻ hơn so với mẫu F-35 Lightning II nhập khẩu từ Mỹ, và cũng nhằm tăng cường vị thế của họ trên thị trường vũ khí quốc tế.

Hãng phát triển KF-21, Korea Aerospace Industries, thậm chí còn tuyên bố về kế hoạch nâng cấp mà cuối cùng sẽ biến chiến đấu cơ này thành một máy bay chiến đấu tàng hình.

Hiện nay chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Nga đang sở hữu các chiến đấu cơ thế hệ 5 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu – trong đó có F-22 và F-35 của Mỹ, J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga – có tích hợp các khả năng tàng hình, siêu cơ động, hành trình siêu thanh và hệ thống điện tử hàng không tối tân.

Một chiến đấu cơ F-35 Lightning II được tiếp nhiên liệu trên không (Ảnh: AFP)

Một chiến đấu cơ F-35 Lightning II được tiếp nhiên liệu trên không (Ảnh: AFP)

Một đặc tính quan trọng của tất cả các chiến đấu cơ thế hệ 5 chính là thiết kế bề mặt tối ưu cùng với việc dự trữ vũ khí bên trong để giảm sự phát hiện của radar, duy trì khả năng tàng hình.

Mặc dù KF-21 có thiết kế khí động học gần giống với các đặc tính của một máy bay tàng hình, nhưng chuyến bay thử nghiệm vừa qua cho thấy nó mang 4 tên lửa lắp đặt ở bên ngoài, điều này cho thấy khả năng tàng hình rất hạn chế.

Động cơ của KF-21 là mẫu F414-GE-400K do Mỹ chế tạo. Động cơ này cũng được đánh giá là tồn tại nhiều điểm chưa tối ưu, bởi năng lượng mà nó cung cấp không thể so sánh với các yêu cầu về tính cơ động cao và khả năng hành trình siêu thanh của các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Tuy nhiên, nhờ có hệ thống điện tử hàng không tối tân như radar AESA, pod nhắm mục tiêu điện/quang học, hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại, và được lắp đặt nhiều loại vũ khí mạnh mẽ như các tên lửa đất-đối-không, không-đối-không, KF-21 đủ điều kiện để trở thành một mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hoặc 4+.

“KF-21 thậm chí còn không thể so sánh với FC-31 của Trung Quốc, chứ chưa nói đến J-20,” chuyên gia bình luận quân sự Antony Wong Tong ở Macau nói. “Nhưng nó có thể là đối thủ với các biến thể của J-10.”

Chengdu J-10 là chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ thứ 4 do Trung Quốc sản xuất, lần đầu tiên ra mắt vào năm 2005, và hiện đã có hàng trăm chiếc vào biên chế. Là mẫu chiến đấu cơ một động cơ, J-10 nhẹ hơn và thon hơn đáng kể so với KF-21, và những biến thể mới nhất của nó là J-10B và J-10C được trang bị radar AESA, bộ cảm biến mục tiêu điện/quang học và hệ thống tìm kiếm hồng ngoại, và cũng có hỏa lực mạnh mẽ.

Mẫu Shenyang FC-31 là chiến đấu cơ thế hệ 5 thứ hai của Trung Quốc, có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2012 và vẫn đang trong quá trình phát triển. Cả KF-21 và FC-31 đều là chiến đấu cơ hai động cơ tầm trung, với kích cỡ và đặc điểm kỹ thuật tương tự nhau. Chiến đấu cơ của Hàn Quốc được thiết kế để đạt vận tốc tối đa Mach 1,8, giống với FC-31. Khả năng tải đạn của chúng là 7,7 tấn và 8 tấn, với phạm vi chiến đấu 1.450 km và 1.200 km.

Nếu hoạt động tốt, KF-21 có thể gây ra một số mối đe dọa với Trung Quốc, nếu được trang bị cho khối liên minh quân sự Mỹ-Hàn Quốc.

Ông Wong dự đoán rằng mẫu KF-21 và FC-31 sẽ cạnh tranh nhau trên thị trường quốc tế, thêm rằng cũng ở cùng ngách thị trường này còn có F-16 của Mỹ, Su-57 của Nga và TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ.

Indonesia hiện đã tham gia vào quá trình phát triển KF-21, cam kết đóng góp 20% trong tổng chi phí dự án 6,7 tỉ USD.

Lô KF-21 đầu tiên dự kiến sẽ hoàn tất và đi vào sản xuất hàng loạt vào năm 2026, trong đó ít nhất 40 chiếc được bàn giao trong năm 2028 và 120 chiếc vào năm 2032. Đây là sẽ mẫu chiến đấu cơ đầu tiên đáp ứng được yêu cầu của Không quân Hàn Quốc để thay thế cho các chiến đấu cơ F-5E/F và F-16C/D.

Theo SCMP