Điều hành tỷ giá trước thách thức từ cuộc chiến thương mại

VietTimes – Các hoạt động can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, hạ nhiệt cơn sốt tỷ giá trong những ngày đầu tháng 7. Tuy nhiên, chính sách điều hành tỷ giá đang đứng trước nhiều thách thức khó lường hơn, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang lan rộng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Vneconomy)
Ảnh minh họa (Nguồn: Vneconomy)

Những ngày đầu tháng 7/2018, cặp tỷ giá VND/USD đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, khi có lúc các ngân hàng thương mại đẩy giá USD lên mức tăng 1,4% và đồng loạt vượt ngưỡng tâm lý 23.000 đồng, thậm chí có lúc tới 23.120 VND/USD.

Mức tăng nóng tới nỗi NHNN cũng phải hạ giá tiền đồng bằng việc điều chỉnh tăng liên tục tỷ giá trung tâm, đưa mức tăng từ đầu năm tới nay từ 22.425 lên 22.638 đồng (tương đương mức tăng 0,95%).

Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ngày 10/7/2018 (Nguồn: SBV)

Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ngày 10/7/2018 (Nguồn: SBV)

Để ổn định tâm lý thị trường, người đứng đầu ngành ngân hàng - Thống đốc Lê Minh Hưng -đã thông tin nguồn dự trữ ngoại hối đang ở mức khổng lồ là 63,5 tỷ USD, đủ sức can thiệp thị trường khi cần thiết.

Bên cạnh đó, đại diện khác của NHNN là Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà nói sẵn sàng bán USD với giá thấp hơn để bình ổn thị trường.

Các tín hiệu can thiệp rõ ràng từ phía NHNN đã phần nào phát huy tác dụng.

Lưu ý thêm rằng diễn biến tỷ giá đã có xu hướng tăng từ tháng 6, và chỉ thực sự nóng tới đầu tháng 7.

Vậy đâu mới thực sự là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia tại CTCP Chứng khoán Quân đội MB (MBS), áp lực lên tỷ giá VND/USD có tăng lên trong 6 tháng đầu năm khi USD có xu hướng tăng trên thị trường toàn cầu, tuy nhiên cũng không quá mạnh.

Bên cạnh đó, quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của FED tiếp tục diễn ra theo lộ trình sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của USD, song không đáng quan ngại, do thông tin trên đã được thị trường phản ánh từ trước.

Phản ứng của nhà đầu tư trong nước có thể là mối lo ngại đến từ diễn biến không mấy tích cực từ thị trường chứng khoán, mà nguyên nhân có liên quan đến FED và cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng.

Theo nhận định của các chuyên gia tại MBS, Fed đã dừng chương trình mua vào tài sản từ cuối năm 2014, và bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán của mình trong cuối 2017, thông qua việc giảm dần mua lại các tài sản trái phiếu.

Ảnh hưởng của việc dừng mua tài sản là tình trạng thanh khoản dư thừa trên thị trường tài chính Mỹ sẽ giảm dần, làm lợi suất trái phiếu Mỹ gia tăng và làm tăng giá đồng USD.

Cả 2 điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các thị trường tài chính mới nổi, khi dòng tiền rẻ không còn nữa, khiến các thị trường phải diễn ra quá trình tái định giá lại các tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam vốn có quy mô không quá lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Theo tờ Nikkei, Việt Nam vẫn được coi là một trong những nước giàu tiềm năng thu hút nhà đầu tư với tốc độ tăng trưởng thuộc top những nước nhanh nhất thế giới. Dân số Việt Nam được đánh giá ở mức cao cùng với sự lạc quan và ổn định của nền kinh tế vĩ mô được xem là những yếu tố đặc biệt thuận lợi.

Tuy nhiên, những động lực mà Việt Nam đang nắm giữ có thể sẽ không còn là động lực trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị suy yếu vì những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc chiến thương mại mới chỉ bắt đầu, diễn biến kinh tế thế giới nửa cuối năm 2018 vì thế vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, có tác động tiêu cực tới Việt Nam.

Đây sẽ là những thách thức không nhỏ cho hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, bao gồm cả chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian tới. Với vai trò của mình, NHNN sẽ ưu tiên mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhằm tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.