Vỡ nợ sẽ mang đến những hậu quả khủng khiếp đối với nền kinh tế Mỹ và tầm ảnh hưởng lan rộng toàn cầu (Ảnh: CNET)
Vỡ nợ sẽ mang đến những hậu quả khủng khiếp đối với nền kinh tế Mỹ và tầm ảnh hưởng lan rộng toàn cầu (Ảnh: CNET)

E-magazine Điều gì sẽ xảy ra nếu nước Mỹ vỡ nợ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nếu không đạt thỏa thuận nâng trần nợ công trước ngày 1/6, nước Mỹ có khả năng vỡ nợ. Điều gì sẽ xảy ra?

Hạn chót đến gần .png

Hiến pháp Mỹ trao quyền lập pháp cho Quốc hội. Trong những ngày tới, cơ quan chính trị này có thể tự trao cho mình một thứ quyền lực siêu hình: biến điều không ai nghĩ tới thành hiện thực khắc nghiệt. Nếu không thể nâng trần nợ kịp thời, Quốc hội Mỹ có thể đẩy đất nước vào chỗ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Thị trường cổ phiếu sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, sự hoảng loạn lan khắp nền kinh tế toàn cầu – tất cả đều có thể xảy ra.

trần nợ công1png.png

Con đường dẫn tới vỡ nợ khá rõ ràng. Đến hạn chót 1/6, Mỹ cần phải nâng trần nợ công – mức trần pháp lý về tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay, hiện ở mức 31,4 nghìn tỉ USD – bằng không sẽ hết tiền mặt để thực hiện nghĩa vụ của họ: từ thanh toán lương cho quân đội, gửi séc cho người hưu trí cho đến thanh toán lãi trái phiếu.

Mỹ từng phải đối diện với thời hạn chót tương tự trong quá khứ, bởi vậy mà các nhà quan sát tin rằng nước này một lần nữa sẽ nâng trần nợ công vào phút cuối.

Giải pháp nếu.png

Các chính trị gia của Mỹ hiện nay đang tỏ ra cố chấp hơn nếu so với những vụ bất đồng trong quá khứ. Ông Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hoà, đang thúc đẩy chính phủ cắt giảm chi tiêu. Về phần mình, Tổng thống Joe Biden có thể đánh mất sự ủng hộ của nhóm Dân chủ cấp tiến nếu bị xem là chịu thua trước những yêu sách của phe Cộng hoà.

230521064045-biden-mccarthy-split-230521.jpg
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đều ở vị trí không thể nhượng bộ lẫn nhau (Ảnh: CNN)

Bộ Tài chính, phối hợp với FED, đã có sẵn một kế hoạch dự trù trong trường hợp Quốc hội không nâng trần nợ. Được gọi là “ưu tiên thanh toán”, kế hoạch này sẽ chặn nguy cơ vỡ nợ bằng cách trả lãi trái phiếu và cắt giảm thêm nhiều nghĩa vụ khác. Tuy nhiên, việc đặt các trái chủ lên trước người hưu trí và binh sĩ là điều khó có thể chấp nhận, và có thể không bền vững.

Hơn nữa, sự ưu tiên như vậy phụ thuộc vào sự thành công của các cuộc đấu giá thường xuyên để thay thế trái phiếu kho bạc. Không có gì đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ tin tưởng một chính phủ rối loạn như vậy. Mỗi ngày qua đi, nguy cơ vỡ nợ của Mỹ càng đến gần hơn bao giờ hết.

Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ? .png

Vỡ nợ có thể xảy ra dưới hai hình thức: khủng hoảng ngắn hạn hoặc dài hạn. Mặc dù hậu quả của cả hai đều đáng sợ, nhưng dài hạn đương nhiên sẽ tồi tệ hơn nhiều. Dù theo dạng nào, Fed vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc ngăn chặn các tác động; tuy nhiên, vai trò này chỉ giới hạn trong việc giảm thiểu tổn thất. Tất cả các thị trường và nền kinh tế trên toàn cầu đều sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, bất kể các biện pháp mà Fed đưa ra.

cnn.jpg
Hai kịch bản vỡ nợ có thể xảy ra là khủng hoảng ngắn hạn và dài hạn (Ảnh: CNN)

Mỹ là quốc gia có thị trường nợ công lớn nhất trên thế giới, với 25 nghìn tỷ USD trái phiếu nằm trong sở hữu của NĐT, chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị trái phiếu toàn cầu.

Trái phiếu kho bạc được xem tài sản phi rủi ro hàng đầu – với lợi tức được đảm bảo dành cho các quỹ quản lý tiền doanh nghiệp, chính phủ các nước, các nhà đầu tư lớn và nhỏ - và là cơ sở để định giá các cơ sở tài chính khác. Chúng là nền tảng của các dòng tiền hàng ngày. Thị trường cho vay repo ngắn hạn ở Mỹ, trị giá khoảng 4 nghìn tỷ USD/ngày và được xem là huyết mạch của các thị trường tài chính toàn cầu, chủ yếu vận hành bằng cách sử dụng trái phiếu kho bạc như tài sản thế chấp. Giờ đây, tất cả những điều này đều chịu sự ngờ vực.

Theo định nghĩa, vỡ nợ ban đầu là một sự gián đoạn ngắn hạn. Một quan chức Fed cho hay nó sẽ giống như một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Giả sử chính phủ Mỹ vỡ nợ đối với các loại trái phiếu đến hạn sau khi cạn tiền mặt (theo ước tính của Bộ Tài chính là vào ngày 1/6). Nhu cầu đối với các loại trái phiếu có kỳ đáo hạn muộn hơn vẫn cao, bởi niềm tin rằng Quốc hội sẽ sớm hành động. Ví dụ, trái phiếu kho bạc đến hạn trong tháng 6 hiện có lợi suất hàng năm khoảng 5,5%; trái phiếu đến hạn trong tháng 8 là gần 5%. Khoảng cách về lợi suất có thể được nới rộng nhanh chóng nếu xảy ra vỡ nợ.

Trong trường hợp đó, đầu tiên Fed sẽ xử lý chứng khoán vỡ nợ như với chứng khoán bình thường, chấp nhận chúng như tài sản thế chấp cho các khoản vay của ngân hàng trung ương và có khả năng là mua luôn chúng. Nhờ vậy, Fed sẽ thay thế nợ xấu bằng nợ tốt, với giả định rằng chính phủ vẫn sẽ thanh toán cho các chứng khoán vỡ nợ, chỉ là trễ hơn.

Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell từng mô tả biện pháp này là “đáng sợ”, nhưng cũng thừa nhận rằng sẽ chấp nhận chúng “trong một số trường hợp nhất định”. Fed rất cảnh giác với việc tự đặt mình vào tâm điểm tranh cãi chính trị và cả việc đưa ra hành động có thể phá vỡ bức tường ngăn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhưng mong muốn ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính chắc chắn sẽ vượt qua những quan ngại đó.

Tuy nhiên, hành động của Fed sẽ tạo ra một nghịch lý. Để các biện pháp của ngân hàng trung ương thành công trong việc bình ổn thị trường, chúng cần phải giảm nhu cầu thỏa hiệp của các chính trị gia. Thêm nữa, việc vận hành một hệ thống tài chính dựa một phần vào các loại chứng khoán vỡ nợ sẽ đối diện với nhiều thách thức.

Fedwire, hệ thống thanh toán trái phiếu kho bạc, được lập trình để làm biến mất các loại trái phiếu khi chúng đã quá kỳ đáo hạn. Trong trường hợp vỡ nợ, Bộ Tài chính cho hay họ sẽ can thiệp để kéo dài thời gian đáo hạn của các trái phiếu vỡ nợ, đảm bảo rằng chúng vẫn có thể chuyển nhượng được. Nhưng hệ thống này rất dễ sụp đổ. Ít nhất là các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lợi suất cao hơn để bù cho rủi ro mà họ phải gánh, dẫn đến việc các điều kiện tín dụng bị thắt chặt trên khắp các thị trường toàn cầu.

Dù biện pháp này có kết quả ra sao, thì nước Mỹ vẫn sẽ phải thắt lưng buộc bụng cực độ. Chính phủ sẽ không thể vay mượn thêm tiền, có nghĩa rằng họ phải cắt giảm chi tiêu bằng với khoản chênh lệnh giữa thu và chi thuế hiện tại – khoảng 25%, theo các nhà phân tích đến từ Viện Brookings. Công ty nghiên cứu Moody’s Analytics ước tính rằng ngay sau khi vỡ nợ, nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp gần 1% và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,4% lên 5%, khiến 1,5 triệu người không có việc làm.

rappler.png
Thị trường chứng khoán Mỹ có thể sụt giảm 45% nếu vỡ nợ xảy ra (Ảnh: Rappler)

Theo viễn cảnh ngắn hạn, Quốc hội sẽ phản ứng bằng cách nâng trần nợ, tạo điều kiện cho các thị trường phục hồi. Một vụ vỡ nợ kéo dài vài ngày sẽ là một vết đen đối với danh tiếng của nước Mỹ, và có thể gây ra một cuộc suy thoái. Nhưng với tài quản lý khéo léo, nó sẽ không trở thành cơn ác mộng.

Viễn cảnh vỡ nợ dài hạn sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Mark Zandi, nhà kinh tế học đến từ Moody’s, gọi đó là “khoảnh khắc đen tối”, nhắc lại thời điểm mùa Thu năm 2008 khi Quốc hội Mỹ ban đầu không thể thông qua "Chương trình giải cứu tài sản gặp vấn đề" để cứu các ngân hàng, khiến cho các thị trường trên toàn cầu sụp đổ. Thất bại trong việc nâng trần nợ công, ngay cả khi vỡ nợ đã xảy ra, có thể gây ra tác động tương tự.

Hội đồng Cố vấn Kinh tế, cơ quan trực thuộc Nhà Trắng, ước tính rằng trong vài tháng đầu vỡ nợ, thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm 45%. Trong khi con số ước tính của Moody’s là 20%, và tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 5%, có nghĩa rằng 8 triệu người Mỹ sẽ mất việc làm. Chính phủ, do bị bó buộc bởi trần nợ, sẽ không đủ khả năng phản ứng bằng gói kích thích tài chính, càng khiến cho suy thoái thêm sâu rộng.

Chưa hết, một làn sóng hạ xếp hạng tín dụng sẽ xảy ra. Vào năm 2011, cũng trong một cuộc tranh cãi về trần nợ, Standard & Poor’s đã đánh tụt xếp hạng AAA của Mỹ. Nếu vỡ nợ xảy ra ở hiện tại, các hãng xếp hạng sẽ chịu sức ép lớn phải đưa ra quyết định tương tự. Điều này sẽ dẫn tới phản ứng dây chuyền. Các tổ chức được chính phủ Mỹ hậu thuẫn như Fannie Mae – một nguồn tài chính thế chấp quan trọng – sẽ bị đánh tụt xếp hạng, khiến cho lãi suất vay thế chấp cao hơn và ảnh hưởng tới lĩnh vực bất động sản. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng đột biến, khi các nhà đầu tư tranh giành tiền mặt. Các ngân hàng sẽ phải siết chặt cho vay. Sự hoảng loạn sẽ lây lan.

Đó là chưa kể đến những yếu tố bất ngờ, khó lường có thể xảy ra. Thông thường, đồng tiền của các nước vỡ nợ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong trường hợp Mỹ vỡ nợ, các nhà đầu tư ban đầu có thể đổ xô vào đồng USD, coi nó như một nơi trú ẩn an toàn trong khủng hoảng, giống như trước đây. Bên trong nước Mỹ, người dân có thể chuyển tiền gửi của họ sang các ngân hàng lớn bởi tin rằng Fed sẽ sát cánh với những ngân hàng này.

Nhưng bất cứ một dấu hiệu nào về sự phục hồi cũng kéo theo một lời cảnh báo: Mỹ sẽ đánh mất niềm tin của cả thế giới. Làn sóng tìm kiếm sự thay thế cho đồng USD và hệ thống tài chính Mỹ sẽ trỗi dậy. Một khi niềm tin đã sụp đổ rất khó có thể được phục hồi./.

Theo The Economist