Điều gì giúp một startup báo chí Tây Ban Nha đánh bại The Washington Post và BBC trên TikTok?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ một startup, Ac2ality của Tây Ban Nha đã trở thành tổ chức báo chí có ảnh hưởng lớn nhất trên TikTok tại châu Âu.
Ảnh: What's New In Publishing
Ảnh: What's New In Publishing

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển đột phá trong quy mô và phạm vi tiếp cận của nền tảng công nghệ TikTok, đặc biệt là trong thế hệ những người trẻ tuổi hiện nay.

Trong khi nhiều tổ chức báo chí, truyền thông đang phải xoay xở để giải mã những video ngắn của họ thì trong hơn một năm qua, Ac2ality - một công ty khởi nghiệp về truyền thông đã trở thành đơn vị sản xuất tin tức lớn nhất Châu Âu trên nền tảng TikTok. Trong một cuộc thảo luận gần đây, nhà sáng lập Daniela McArena đã chia sẻ về câu chuyện liên quan đến chiến lược TikTok của Ac2ality.

Phương tiện truyền thông mạng xã hội nói chung đang trở thành một nguồn cấp tin tức quan trọng. Theo thông tin từ Báo cáo Tin tức số năm 2021 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, tại nhiều nước châu Âu, hơn 50% độc giả sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội như một kênh cung cấp tin tức.

Trong số các nền tảng công nghệ mạng xã hội, TikTok được cho là có mức phát triển nhanh nhất, đặc biệt trong nhóm độc giả trẻ tuổi. Theo ước tính, có khoảng 24% người dùng dưới 35 tuổi sử dụng nền tảng này mặc dù chỉ 7% trong số đó sử dụng với mục đích tìm kiếm tin tức.

Điều này đã “đánh động” các tổ chức báo chí, họ đã dành nhiều sự quan tâm hơn đến các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, phần lớn đều chưa tìm thấy hướng đi phù hợp cho riêng mình.

Tài khoản TikTok bằng tiếng Tây Ban Nha của công ty khởi nghiệp truyền thông Ac2ality với tên gọi Ac2alityespanol đã vượt nhiều đối thủ và hiện đang dẫn đầu với con số đáng chú ý - 2,9 triệu người theo dõi, con số này còn nhiều hơn cả số lượt theo dõi của Washington Post và BBC cộng lại.

Nắm bắt khoảnh khắc - Câu chuyện khởi nguồn của Ac2ality

Vào khoảng 2 năm trước, cô McArena đã làm việc cho Đại sứ quán Tây Ban Nha tại New York. Công việc chủ yếu của cô là phụ trách biên soạn các bản tin cho các đồng nghiệp của mình, các chủ đề lớn tại thời điểm đó thường liên quan đến Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela dưới thời Tổng thống Maduro.

Công việc này đòi hỏi cô phải liên tục theo dõi các sự kiện đang diễn ra, có nghĩa là phải đọc nhiều tin tức và theo dõi nhiều tổ chức báo chí truyền thông nhất có thể. Tuy nhiên cô McArena đã khá thất vọng và cho rằng các tờ báo đều “không cung cấp được đầy đủ bối cảnh và lời giải thích phù hợp”.

Cô Daniela McArena, nhà sáng lập và CEO của Ac2ality.

Cô Daniela McArena, nhà sáng lập và CEO của Ac2ality.

Bên cạnh đó, định dạng mà họ đưa ra cũng không phù hợp với thời đại kỹ thuật số hiện tại. Thông thường các bài báo dài, thường sẽ khó đi sâu vào chi tiết trọng tâm và đa phần đều sử dụng các biệt ngữ khó hiểu. Trong khi đó, các thế hệ trẻ ngày nay cần những định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ chính trị và xã hội.

Cô McArena quyết định thử nghiệm thiết kế các biểu đồ như một phương pháp để tóm tắt các sự kiện chính trong thế giới chính trị, nhưng nó không tạo được ấn tượng cho các độc giả.

Sau đó, cô quyết định ra mắt Ac2ality, một phương tiện truyền thông dành cho “Thế hệ Z” trên TikTok, phát hành tin tức đến với độc giả một cách nhanh chóng, súc tích, dễ hiểu, bao hàm và toàn diện. Thực tế đã chứng minh thành công của cô, khi Ac2ality phát triển và nhanh chóng bắt đầu thu hút hàng nghìn người theo dõi mỗi tháng.

Xây dựng những nội dung “nghiêm tức” trên TikTok

TikTok ban đầu đã trở nên thịnh hành nhờ vào phần lớn các video hát nhép và nhảy (cover lại) với mục đích chung là giải trí. Tuy nhiên, đây không phải là thứ mà tổ chức báo chí truyền thống đang tìm kiếm, cái họ cần thay đổi để lồng ghép vào nội dung trên TikTok là không gian nghiêm túc phù hợp với báo chí.

Do đó, hầu hết các nội dung thường thấy đều là mẩu tin được cắt từ các chương trình tin tức hoặc các tổ chức luôn cố gắng để khiến những nội dung đó trở nên hài hước, và cuối cùng, kết quả đều xuất hiện với một vẻ khá “miễn cưỡng”.

Ngoại lệ cho điều này là “anh chàng TikTok” Dave Jorgenson, nhà sản xuất video, biên tập viên, nhà báo của Washington Post. Về cơ bản, anh Dave đã linh hoạt tạo ra một phong cách báo chí mới với sự kết hợp hài hòa, sáng tạo giữa âm nhạc thịnh hành, meme và những mẩu tin tức “cứng nhắc”.

Nhưng đối với Ac2ality thì đó lại là một câu chuyện khác. Theo McArena, Ac2ality là một trong những đơn vị tin tức đầu tiên trên TikTok chủ yếu tập trung vào chính trị quốc tế, họ cũng đã thử nghiệm các chủ đề tập trung vào giải trí hơn, nhưng độc giả dường như không mấy quan tâm.

“Chúng tôi cố gắng tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa giải trí và chính trị, trong khi chính trị vẫn là trọng tâm chính. Khi chúng tôi phát triển mục giải trí và đưa tin về cuộc sống của những người nổi tiếng, độc giả đã thất vọng và cho rằng đó không phải là loại tin tức mà họ mong đợi từ chúng tôi”, cô McArena chia sẻ.

Mô hình kinh doanh và kế hoạch mở rộng

Giống như các nền tảng xã hội khác, TikTok đã thu hút các nhà sản xuất nội dung bằng quỹ “người sáng tạo” của chính nền tảng này với trị giá 200 triệu USD (dự kiến ​​tăng lên 1 tỷ USD), về cơ bản chi trả cho các tài khoản phổ biến, thịnh hành để họ sản xuất video.

Cô McArena cho biết Ac2ality không đủ điều kiện tham gia do TikTok chỉ hỗ trợ cá nhân, không phải công ty, tổ chức. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với họ khi có rất nhiều nhà đầu tư luôn sẵn sàng hợp tác với Ac2ality.

Để đảm bảo vốn cho quá trình tăng trưởng, McArena đã bán 49% vốn cổ phần của công ty với mức định giá 1,6 triệu Euro cho một công ty đầu tư mạo hiểm của Tây Ban Nha. “Điều này tuy đến hơi sớm, nhưng nó cho phép chúng tôi tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình”, cô nhận xét.

Ngoài ra, Ac2ality đã và đang triển khai các quảng cáo tự nhiên. Quảng cáo tự nhiên (native ads) là quảng cáo trả phí trên các nền tảng như trang báo điện tử, các kênh truyền thông xã hội, website và các ứng dụng. Chúng là hình thức được sắp xếp đan xen với các nội dung tương tự các bài viết khiến người dùng khó nhận biết đó là bài quảng cáo.

Quảng cáo tự nhiên của Ac2ality bao gồm cả nội dung được tài trợ bởi Amazon Prime Video và một số đối tác bán hàng thuê ngoài, về cơ bản, nó sẽ mang lại nguồn doanh thu đáng kể. Cô McArena khẳng định rằng họ luôn sẵn sàng hợp tác với các hãng truyền thông lớn hơn để phát triển.

Ý tưởng về việc mở rộng biên tập cũng đã được đề xuất. Trước mắt, Ac2ality sẽ cố gắng bổ sung nhiều tin tức về phạm vi khoa học và thể thao hơn và trên hết là xây dựng phiên bản tiếng Anh - phiên bản ngôn ngữ mới nhất này của Ac2ality vẫn còn khá “non trẻ” so với phiên bản tiếng Tây Ban Nha (được tạo dựng từ khoảng 50% độc giả gốc Tây Ban Nha, phần còn lại đều đến từ Mỹ Latinh).

Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện trên mạng xã hội, đặc biệt là Instagram cũng rất quan trọng đối với chiến lược của Ac2ality, nguyên do được cho là xuất phát từ các yếu tố về rủi ro.

Instagram là môi trường với xu hướng rất khó dự đoán trước và Ac2ality cần nhiều điểm chạm hơn (touchpoints - điểm tương tác giữa thương hiệu và khách hàng) với độc giả của mình. Với khoảng cách chênh lệch giữa 56.000 người theo dõi trên Instagram (tiếng Tây Ban Nha) so với 2.9 triệu trên TikTok (tiếng Tây Ban Nha), thì đó vẫn là một con đường dài đang chờ Ac2ality ở phía trước.

TikTok trong tương lai với tư cách là một kênh tin tức

Khi TikTok lần đầu tiên xuất hiện ở các thị trường phương Tây, nhiều người đã đặt ra nghi vấn về quyền riêng tư và kiểm duyệt dữ liệu của nền tảng này. Thực tế cho thấy những mối quan tâm đó là hoàn toàn chính đáng. Theo cô McArena, Ac2ality nhận thấy các video của họ thường xuyên bị gỡ xuống và đó là lý do tại sao họ luôn chuẩn bị thêm các bản sao lưu.

“Họ đã xóa video của chúng tôi rất nhiều lần. Ban đầu, gần như cứ 3 video thì 1 video sẽ bị xóa. Chúng tôi không được phép xuất bản nội dung về Hong Kong, Taliban, chất kích thích hoặc tình dục. Hiện tại mọi thứ đã tốt hơn nhưng họ vẫn khá nghiêm khắc trong khâu kiểm duyệt”, cô giải thích.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn, kiểm duyệt giờ đây đã khiến các tổ chức báo chí "dễ thở hơn” và TikTok cũng đang đẩy mạnh nhiều nội dung chuyên sâu hơn.

Nền tảng này đã trở thành nhà tài trợ cho các sự kiện lớn diễn ra trên toàn cầu, bao gồm cả Olympic. Do đó, các thương hiệu trước đây “nói không” với TikTok hiện đã quay lại tìm kiếm cơ hội tăng doanh thu, tương tác trên nền tảng này.

Cô McArena thừa nhận rằng sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên nền tảng “vạn người mê” như TikTok đã làm giảm đáng kể lượng người theo dõi hàng ngày của Ac2ality. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm là tình hình chung đối với mọi tổ chức và điều đó khiến cô ấy nghĩ rằng Ac2ality vẫn sẽ giữ vững được vị trí “chủ chốt” của mình. “BBC sẽ không bao giờ đạt được số lượng người theo dõi như chúng tôi”, cô khẳng định.

Đứng trước sự tăng trưởng chậm dần và những lo lắng về sự bất ổn trong các chính sách, Ac2ality đã có kế hoạch mở rộng hơn nữa trên các nền tảng khác, bao gồm Twitch và Youtube.

Cô McArena cho rằng Youtube luôn duy trì “phong độ” rất ổn định, khiến nó trở thành một nền tảng quan trọng cho những người tạo video. Nhưng McArena lại hứng thú hơn với Twitch, một nền tảng ngày càng phổ biến rộng rãi, McArena cho rằng Twitch sẽ sớm trở thành mục tiêu mà nhiều đơn vị báo chí “nhòm ngó” đến trong tương lai.

Theo What’s New In Publishing