Điều gì đằng sau việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ?

Trung Quốc vừa phá giá đồng nhân dân tệ. Đối với những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đức, đây là đòn cạnh tranh giáng vào hàng xuất khẩu của họ. Đây là tin đặc biệt xấu đối với tiền tệ châu Á.
Trung Quốc vừa giảm tỷ giá tham chiếu chính thức hai ngày liên tiếp - Ảnh: Bloomberg
Trung Quốc vừa giảm tỷ giá tham chiếu chính thức hai ngày liên tiếp - Ảnh: Bloomberg

Hôm qua và hôm nay 12.8, thị trường tài chính thế giới bất ngờ khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) liên tiếp giảm tỷ giá tham chiếu hằng ngày của đồng nhân dân tệ (RMB). Nội tệ Trung Quốc đang hướng về hai ngày sụt giá mạnh nhất kể từ năm 1994.

Theo AP, PBOC cho biết họ đang cố gắng cải cách hệ thống thiết lập tỷ giá, giúp thị trường đóng vai trò quyết định lớn hơn. Những tháng gần đây, RMB mạnh lên cùng với USD, khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn và gia tăng nguy cơ thất nghiệp trong các ngành hiện sử dụng hàng chục triệu nhân công. Có khá nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh động thái của Đại lục.

Tại sao hệ thống tiền tệ Trung Quốc khác biệt?

Bắc Kinh đang áp dụng những gì được họ gọi là “thả nổi”, cho phép tỷ giá RMB dao động trong phạm vi 2% tỷ giá được PBOC đặt ra dựa trên mức giao dịch của ngày hôm trước. Điều này khiến tỷ giá hối đoái vẫn tùy biến theo cung - cầu nhưng tránh biến động quá mức.

Đặc điểm này khiến nội tệ Đại lục khác biệt so với các đồng tiền chính khác như đô la Mỹ và đồng euro, những đồng tiền được giao dịch tự do. Đa số các nước khác điều chỉnh tỷ giá hối đoái theo “chiếc neo” là một đồng tiền chính, chẳng hạn như USD, để tránh biến động bất ngờ làm tổn thương nền kinh tế.

Trong trường hợp của Trung Quốc, Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác từng có ý kiến về việc Trung Quốc định giá thấp nhân dân tệ, tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu và mức giá không lành mạnh trong cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Vì sao Trung Quốc phá giá nhân dân tệ?

PBOC cho hay họ hành động vì RMB đã tăng giá khi các dấu hiệu thị trường đều cho thấy giá của đồng nội tệ nên giảm. Nhân dân tệ “bay cao” vì tỷ giá của nó chịu ảnh hưởng lớn bởi USD, vốn cũng đang "bay" trong thời gian qua.

Cùng lúc đó, tiền tệ các nước phát triển lại sụt giá. Điều này tổn thương những nhà xuất khẩu Đại lục vì hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm đến 8,3% trong tháng 7.

Căng thẳng với Mỹ sẽ dâng cao?

Động thái bất ngờ của Trung Quốc khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ - những người vẫn thường cho rằng Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ để tạo lợi thế thương mại - rất khó xử.

RMB yếu đi khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc cạnh tranh hơn, có thể gây phát sinh khiếu nại từ các nhà sản xuất Mỹ. Tuy vậy, PBOC lại đưa ra lý do “giúp tỷ giá hối đoái được quyết định nhiều hơn bởi thị trường” khi “ra tay” điều chỉnh. Đây chính là điều mà Washington đã và đang thúc giục Bắc Kinh thực hiện.

Các nước châu Á sẽ thế nào?

Callum Henderson, chuyên gia kinh tế về nghiên cứu ngoại tệ tại ngân hàng Standard Chartered, nói trên CNBC: “Rõ ràng, đây là một cú sốc đối với phần còn lại của châu Á. Đối với những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đức, đây là đòn cạnh tranh giáng vào hàng xuất khẩu của họ. Đây là tin đặc biệt xấu đối với tiền tệ châu Á”.

Thực tế, tiền tệ châu Á đã và đang phản ứng với động thái liên tiếp của Đại lục. Chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar giảm 0,9% xuống mức đáy 6 năm.

Phá giá nội tệ sẽ khiến xuất khẩu Trung Quốc khá hơn?

So với độ biến động của các loại tiền tệ chính khác, mức giảm ít hơn 2% của RMB hôm 11.8 và cả hôm nay vẫn còn khiêm tốn.

Dù thế, chỉ một chút thay đổi trong áp lực giá cả cũng đã đủ để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Đại lục. Việc PBOC cam kết để thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc xác định tương lai tỷ giá làm tăng khả năng nhân dân tệ sẽ tiếp tục sụt giá, giảm tiếp gánh nặng cho nhà xuất khẩu.

Theo Thanh niên