Diễn biến mới: phương Tây khẳng định Nga “giả vờ rút quân”, Mỹ đưa thêm quân tới châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga tuyên bố đã bắt đầu rút quân khỏi biên giới Ukraine, nhưng NATO và các nước phương Tây nói không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đã rút quân. Tình báo Estonia cũng cảnh báo về các động thái của quân đội Nga.
Ảnh do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp cho thấy các xe tăng Nga trở về căn cứ sau khi diễn tập gần biên giới Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle).
Ảnh do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp cho thấy các xe tăng Nga trở về căn cứ sau khi diễn tập gần biên giới Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 17/2, mặc dù Nga hôm thứ Tư (16/2) cho biết đang đưa nhiều quân lính và vũ khí rời khỏi biên giới Ukraine, nhưng NATO cho biết họ không thấy dấu hiệu giảm bớt quân đội Nga và vẫn lo ngại khả năng Nga sớm xâm lược Ukraine vẫn tiếp tục tồn tại.

Mỹ và phương Tây không tin Nga rút quân thật

Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu cho rằng Nga đã tập kết khoảng 150.000 quân ở miền đông, miền bắc và miền nam Ukraine, điều này cũng khiến phương Tây lo ngại rằng Nga có thể đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine. Moscow đã nhiều lần phủ nhận họ có bất kỳ kế hoạch nào như vậy và trong tuần này cho biết họ sẽ rút một số binh lính và vũ khí, nhưng Nga không cung cấp các thông tin chi tiết.

Nhưng tuyên bố đó của Nga đã vấp phải sự nghi ngờ của Mỹ và các đồng minh. Vào ngày 16/2, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video cho thấy một đoàn tàu bọc thép chạy qua một cây cầu và rời khỏi Crimea. Một ngày trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin quân đội Nga đã bắt đầu rút về căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc tập trận gần Ukraine.


Ông Mikk Maran, người phụ trách cơ quan tình báo Estonia khẳng định Nga không rút mà còn tăng thêm quân (Ảnh: ERR).

Ông Mikk Maran, người phụ trách cơ quan tình báo Estonia khẳng định Nga không rút mà còn tăng thêm quân (Ảnh: ERR).

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã dội một gáo nước lạnh vào các thông báo của Nga, nói rằng tổ chức quân sự này không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Moscow đang giảm quân số ở trong và xung quanh Ukraine. Ông nói trước khi chủ trì cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels ngày 16/2: “Hiện tại, chúng ta chưa thấy quân đội Nga bắt đầu rút quân.”

Ông nói thêm: "Nếu họ thực sự bắt đầu rút quân, đó sẽ là điều chúng ta hoan nghênh, nhưng điều này vẫn còn phải chờ quan sát". Các nước thành viên NATO và Tổng thống Ukraine cũng bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Nga. Để thể hiện quyết tâm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần này đã tuyên bố lấy ngày 16/2 là "Ngày đoàn kết”. Để đánh dấu ngày này, những người biểu tình đã kéo một lá cờ Ukraine dài 200 mét (656 foot) tại một sân vận động ở Kiev.

Ông Zelensky nói trong một video phát biểu trên truyền hình trước cả nước: “Chúng ta đoàn kết với nhau vì mong muốn được sống hạnh phúc trong hòa bình. Chỉ có đoàn kết chúng ta mới bảo vệ được nhà của mình”.

Estonia đưa ra cảnh báo

Ngoài ra, cơ quan tình báo Estonia ngày 16/2 đưa tin rằng khoảng 10 đơn vị nhóm tác chiến của Nga đang tiến về biên giới Ukraine. Ông Mikk Marran, quan chức tình báo Estonia nói có khoảng 170.000 binh sĩ Nga đã được triển khai trong khu vực. Con số này bao gồm các binh sĩ thường xuyên được triển khai ở các khu vực xung quanh Ukraine, nhưng cũng bao gồm các binh sĩ được Nga được cử đến để tiến hành các cuộc tập trận gần biên giới Belarus-Ukraine.

Ông Marran cho biết một số binh sĩ có thể vẫn ở lại Belarus sau khi cuộc tập trận kết thúc ngày 20/2, đây là mối lo ngại lớn đối với các đồng minh NATO ở khu vực Baltic. Ông nói: “Điều này sẽ làm giảm thời gian chuẩn bị của họ cho một cuộc tấn công vào khu vực Baltic.”

Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei ngày 16/2 khẳng định tất cả quân đội và vũ khí của Nga sẽ rời khỏi Belarus sau khi cuộc tập trận kết thúc (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei ngày 16/2 khẳng định tất cả quân đội và vũ khí của Nga sẽ rời khỏi Belarus sau khi cuộc tập trận kết thúc (Ảnh: Reuters)

Marran nói thêm rằng một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ bao gồm các cuộc bắn phá bằng tên lửa và chiếm đóng "địa hình then chốt". Ông nói: "Nếu Nga thành công ở Ukraine, sẽ khuyến khích nước này gia tăng sức ép lên khu vực Baltic trong những năm tới. Đe dọa chiến tranh đã trở thành công cụ chính sách chính của Putin.”

Tình báo Estonia cho biết một khả năng khác là giao tranh sẽ gia tăng ở hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. Marran tin rằng một sự leo thang như vậy là "rất có thể xảy ra" và theo cách này, "Nga có thể phủ nhận một cách hợp lý sự tham gia của họ vào cuộc xung đột và tránh các lệnh trừng phạt."

Hành động của Nga làm dấy lên lo ngại

Cùng ngày, các máy bay chiến đấu của Nga đã thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện trên lãnh thổ Belarus, một quốc gia láng giềng của Ukraine ở phía bắc, nơi lính dù Nga tổ chức các cuộc tập trận tại một trường bắn như một phần của cuộc tập trận quy mô lớn ở quốc gia mà các nước phương Tây lo ngại được sử dụng để che đậy một cuộc xâm lược Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei ngày 16/2 nhắc lại rằng tất cả quân đội và vũ khí của Nga sẽ rời khỏi Belarus sau khi cuộc tập trận kết thúc vào Chủ nhật (20/2).

Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov châm biếm: "Các cuộc chiến tranh ở châu Âu hiếm khi bắt đầu vào thứ Tư..." (Ảnh: RIA).

Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov châm biếm: "Các cuộc chiến tranh ở châu Âu hiếm khi bắt đầu vào thứ Tư..." (Ảnh: RIA).

Nga cũng liên tục phủ nhận họ có kế hoạch xâm lược Ukraine và chế nhạo những lời cảnh báo của phương Tây về một cuộc xâm lược có thể xảy ra là một dấu hiệu "hoang tưởng".

Khi được phóng viên tờ báo Đức Die Welt (Thế giới) hỏi liệu Nga có mở cuộc tấn công vào Ukraine vào thứ Tư (16/2) hay không, Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu, ông Vladimir Chizhov, đã châm biếm: "Các cuộc chiến tranh ở châu Âu hiếm khi bắt đầu vào thứ Tư. Tình hình vào tuần tới cũng sẽ không leo thang, tuần sau, tháng sau cũng sẽ như vậy."

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đáp trả một cách mỉa mai những cảnh báo của phương Tây về một cuộc xâm lược Ukraine hôm thứ Tư. Ông cho biết các quan chức Nga đã ngủ rất ngon vào đêm hôm đó.

Tại Moscow, hôm thứ Ba (15/2) các nhà lập pháp Nga đã thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận lãnh thổ do lực lượng ly khai nắm giữ ở miền đông Ukraine là quốc gia độc lập. Nga đã hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine trong cuộc xung đột khiến hơn 14.000 người ở khu vực này thiệt mạng kể từ năm 2014.

Tổng thống Nga Putin nói rằng ông không có khuynh hướng ủng hộ hành động này, vì nó sẽ phá vỡ hiệu lực của Hiệp định hòa bình Minsk năm 2015.

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức điện đàm

Thủ tướng Đức Olaf Scholtz và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/2 đã điện đàm với nhau về cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm, nói họ đã hối thúc Nga thực hiện các bước để giảm căng thẳng.

Thủ tướng Đức Scholtz và Tổng thống Mỹ Biden hôm 16/2 đã điện đàm với nhau về cuộc khủng hoảng Ukraine (Ảnh: AP).

Thủ tướng Đức Scholtz và Tổng thống Mỹ Biden hôm 16/2 đã điện đàm với nhau về cuộc khủng hoảng Ukraine (Ảnh: AP).

Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit ngày 16/2 cho biết hai ông Biden và Scholz khẳng định rằng tình hình ở Ukraine là "cực kỳ nghiêm trọng" vì vẫn có nguy cơ xảy ra một cuộc xâm lược quân sự của Nga. Họ nói rằng không quan sát thấy có cuộc rút quân đáng kể nào của quân đội Nga khỏi biên giới Ukraine.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đang rút lui sau cuộc tập trận gần Ukraine, đồng thời công bố video cho thấy các xe tăng, xe chiến đấu và pháo tự hành rời khỏi Crimea.

Các quan chức phương Tây đã nghi ngờ tuyên bố của Nga về việc rút quân, các chỉ huy NATO đang lên kế hoạch tác chiến mới cho các binh sĩ và các nhà ngoại giao phương Tây cho biết các đơn vị của NATO có thể được triển khai ở Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia.

Theo một tuyên bố từ Phủ Thủ tướng Đức, hai ông Biden và Scholz ngoài việc cho rằng Nga phải thực hiện các bước đi thực sự để giảm leo thang tình hình, hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng điều quan trọng là phải thực hiện Hiệp định hòa bình Minsk và đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán theo mô hình Normandy giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp. Nhà Trắng nói rằng Biden và Scholz trong cuộc điện đàm của họ vào ngày 16/2 đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp xuyên Đại Tây Dương". Họ cũng thảo luận về việc củng cố sườn phía đông của NATO.

Lính Sư đoàn Dù 101 của Mỹ lên đường tới Ba Lan (Ảnh: AP).

Lính Sư đoàn Dù 101 của Mỹ lên đường tới Ba Lan (Ảnh: AP).

Mỹ đưa thêm quân chiến đấu tới Ba Lan

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 17/2, mặc dù Nga cho biết họ đã dần rút quân khỏi biên giới với Ukraine, nhưng cả Mỹ và NATO hôm thứ Tư (16/2) đều bày tỏ họ không tin rằng Nga đã rút quân, trái lại đang đẩy mạnh việc triển khai thêm quân. Vào thứ Ba (15/2), Sư đoàn Dù 101 của Lục quân Mỹ đã đến Ba Lan để tăng cường khả năng phòng thủ của NATO. Sư đoàn trưởng Joseph McGee cho biết nếu cần, các đơn vị khác sẽ sẵn sàng triển khai.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư (16/2) rằng Mỹ không thấy có một "cuộc rút lui có ý nghĩa" của quân đội Nga khỏi biên giới Ukraine, mà cho rằng quân đội Nga, đặc biệt là những đơn vị có thể là lực lượng tiên phong trong cuộc xâm lược Ukraine, tiếp tục tập kết ở biên giới Nga-Ukraine. Ông nói “Putin có thể bóp cò bất cứ lúc nào”. Blinken cũng chỉ ra rằng ông tin rằng Tổng thống Ukraine Zelensky "rất nghiêm túc" về mối đe dọa Nga có thể xâm lược Ukraine. Zelensky chỉ đang cố gắng giữ bình tĩnh và không muốn mọi người hoảng sợ.

Đồng thời, một quan chức cao cấp của Mỹ hôm 16/2 khi trả lời phỏng vấn đã nói, trong vài ngày qua, Nga đã đưa thêm 7 ngàn quân tới biên giới Nga-Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 16/2 cũng cho biết, mặc dù ông đã nghe thấy những dấu hiệu cho thấy Moscow sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, nhưng tình hình ở biên giới Nga-Ukraine cho đến nay vẫn chưa lắng dịu, ngược lại, Nga dường như đang tiếp tục tăng thêm quân đội của họ. Ông nói rằng việc triển khai quân đội Nga hiện tại ở biên giới Ukraine là đợt tập kết quân lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời mô tả mối đe dọa an ninh từ Nga là sự bình thường mới ở châu Âu.

Dân chúng Ukraine biểu tình ở Kiev trong "Ngày đoàn kết" 16/2 (Ảnh: Deutsche Welle).

Dân chúng Ukraine biểu tình ở Kiev trong "Ngày đoàn kết" 16/2 (Ảnh: Deutsche Welle).

Vào lúc này, quân đội Mỹ cũng đã tăng cường triển khai quân ở châu Âu. Đợt tăng viện thứ hai tổng cộng 3.000 quân tới châu Âu. Trụ cột là Sư đoàn Dù 82, Sư đoàn Dù 101 cũng cử mấy trăm người tham gia. Tuyên bố cho biết Sư đoàn Dù 101 đã được triển khai đến khu vực hoạt động của Quân đội Mỹ ở Châu Âu để hỗ trợ Quân đoàn Dù 18 và ổn định các đồng minh và đối tác NATO trong khu vực. Lực lượng tăng viện đầu tiên của Mỹ tại châu Âu gồm 2.000 quân, trong đó 1.700 người thuộc Sư đoàn Dù 82 và 300 người còn lại thuộc Quân đoàn Dù 18.

Tờ báo quân sự Stars and Stripes của Mỹ, cho biết 5.000 binh sĩ được triển khai thêm tới châu Âu sẽ tạo thành một lực lượng cơ động và linh hoạt có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Họ được triển khai để trấn an các đồng minh NATO, ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn nào có thể xảy ra ở sườn phía đông của NATO, để huấn luyện với quân đội của quốc gia sở tại và đối phó các trường hợp đột phát.

Lục quân Mỹ ở Châu Âu hiện có tổng cộng gần 80.000 quân, trong đó một phi đội của Trung đoàn kỵ binh bay số 2 đã được chuyển từ Đức sang Romania. Có gần 5.000 lính Mỹ được triển khai luân phiên ở châu Âu, trong đó 3.800 thuộc Lữ đoàn thiết giáp số 1 của Sư đoàn bộ binh số 1, với 80 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 và 130 xe chiến đấu bộ binh Bradley; số còn lại là gần 1.000 người thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia, phần lớn đóng quân ở Ba Lan.