Diễn biến mới, Bộ trưởng Bộ Y tế “xuất hành” đầu năm vào tâm dịch Hải Dương họp khẩn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiều nay, mồng 3 Tết, tại vùng dịch Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cùng Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng chủ trì hội nghị trực tuyến về chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng chủ trì hội nghị trực tuyến tại vùng dịch Hải Dương.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng chủ trì hội nghị trực tuyến tại vùng dịch Hải Dương.

Dịch ở Cẩm Giàng còn phức tạp

Ông Lương Văn Cầu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết Hải Dương đã có 440 ca bệnh, chủ yếu ở Chí Linh, Kinh Môn, Cẩm Giàng và Nam Sách; 65/235 xã phường có ca mắc. Toàn tỉnh có 13.630 trường hợp F1 và đã lấy hơn 90 nghìn mẫu xét nghiệm.

Theo ông Cầu, hiện Hải Dương có 4 ổ dịch lớn là Chí Linh, Kinh Môn, Cẩm Giàng và Nam Sách, trong đó có những ca xét nghiệm lần 3 mới dương tính. “Diễn biến dịch trên địa bàn Cẩm Giàng hiện còn phức tạp” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.

Hội nghị trực tuyến về chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hải Dương vừa diễn ra chiều nay (14/2).

Hội nghị trực tuyến về chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hải Dương vừa diễn ra chiều nay (14/2).

Theo ông Cầu, Hải Dương sẽ chỉ đạo xét nghiệm trên diện rộng từ ngày 12 đến 17-2, ưu tiên xét nghiệm theo 4 nhóm đối tượng: Người có triệu chứng viêm phổi nặng nghi ngờ nhiễm COVID-19, người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 đầu tiên trong các cơ sở tập trung, người trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly, những trường hợp mới được cách ly tập trung và trước khi rời khu cách ly tập trung 1 ngày...; Người đến khám bệnh hoặc nhập viện với triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng, bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao và có triệu chứng liên quan đến bệnh COVID-19, nhân viên tham gia phòng chống dịch, một số ca nghi ngờ đầu tiên ở vùng chưa có ca bệnh khẳng định,... Dự kiến số lượng lao động trên địa bàn tỉnh lấy mẫu xét nghiệm khoảng 105.000 người.

Hải Dương sẽ tiếp tục khoanh vùng, cách ly triệt để tại nhà tất cả các trường hợp đi về từ Cẩm Giàng; thần tốc truy vết, thần tốc cách ly, khoanh vùng triệt để, xét nghiệm từ diện hẹp ra diện rộng để dập dịch. Tăng cường triển khai phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp:

“Ngày 27/1/2020 phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có mặt tại Chí Linh để hỗ trợ và giúp đỡ cho đến nay. Tỉnh đề nghị BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế tiếp tục duy trì Đoàn công tác hỗ trợ Hải Dương trong thời gian tới; Hỗ trợ Hải Dương sinh phẩm, vật tư để xét nghiệm, hỗ trợ xét nghiệm vì các phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh hiện đang quá tải” - Ông Lương Văn Cầu đề nghị.

Chưa thực hiện nghiêm việc cách ly

PGS.TS. Trần Như Dương – Trưởng Đoàn Công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế - tại Hải Dương cho biết: Dịch bùng phát ở môi trường rất phức tạp, đông công nhân, lại liên quan mật thiết với cộng đồng dân cư; xảy ra vào thời điểm cận Tết nên khó khăn cho việc chống dịch. Nhưng đến nay, về cơ bản đã kiểm soát được dịch trên từng địa bàn.

PGS.TS. Trần Như Dương – Trưởng Đoàn Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hải Dương

PGS.TS. Trần Như Dương – Trưởng Đoàn Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hải Dương

“Tình hình còn phức tạp, nguy cơ hiện hữu khó lường khi sau Tết các hoạt động thông, sản xuất trở lại. Dịch tễ ban đầu của Cẩm Giàng liên quan đến karaoke nên việc truy vết không dễ dàng. Việc quản lý các khu cách ly tập trung đang đặt ra vấn đề lớn về an toàn” – Ông Dương nêu ý kiến.

Đặc biệt, ông Dương lưu ý một số nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm việc cách ly người với người, nhà với nhà. Điều này lý giải vì sao trong khu phong toả vẫn xuất hiện ca nhiễm. Hiện, công xuất xét nghiệm ở Hải Dương đã tăng lên 30.000 mẫu/ngày, nhưng nhu cầu xét nghiệm thời gian tới sẽ rất lớn khi Hải Dương mở rộng xét nghiệm.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - cho biết công tác điều trị COVID-19 tại Hải Dương: Hiện có 416 bệnh nhân và hiện đã có 87 bệnh nhân bị tổn thương phổi. Trong số các bệnh nhân có 26 bệnh nhi, 2 người trên 80 tuổi và 4 bệnh nhân nặng đã ổn định. Bệnh viện Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương có tổng số 360 giường, như vậy còn hơn 160 giường trống. Tại Bệnh viện dã chiến số 3 ở Trường Đại học Sao đỏ có 239 giường đã sẵn sàng cho huy động.

Ông Nguyễn Trọng Khoa đề nghị sẵn sàng huy động Bệnh viện dã chiến 3 để sử dụng khi cần.

Ông Nguyễn Trọng Khoa đề nghị sẵn sàng huy động Bệnh viện dã chiến 3 để sử dụng khi cần.

Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết chiến lược điều trị quan trọng được áp dụng là điều trị dự phòng sớm các trường hợp có tổn thương phổi bằng thuốc chống đông, nhờ vậy, ít ca bệnh chuyển nặng. Trên cơ sở thực tế, ông Khoa đề nghị: Tiếp tục chuẩn bị nâng công suất cơ sở 2 lên 500 giường và chuẩn bị sẵn sàng huy động Bệnh viện dã chiến 3 để sử dụng khi cần (căn cứ vào kết quả xét nghiệm mở rộng trong khu vực phong toả); tăng cường giám sát, sàng lọc, kiểm soát ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng, tránh tình trạng chuyển nặng mới được phát hiện; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ bệnh nhân yếu thế.

“Tăng cường giám sát tuân thủ hướng dẫn tại các khu cách ly tập trung, thực hiện triệt để 5K và bổ sung các phương tiện cần thiết, giãn bớt mật độ các khu cách ly và có quy trình cụ thể để thực hiện, nhất là khi phát hiện có ca bệnh F0 tại khu cách ly” – ông Khoa đề xuất.

Đại diện Quân khu 3 cũng đề nghị xử lý nghiêm vi phạm cả trong và ngoài khu cách ly; hướng dẫn công dân cách ly cam kết nếu vi phạm phải xử lý.

GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc BV Bạch Mai - nhận định: 18 ngày qua mà Hải Dương vẫn có dương tính, thì khả năng có lây chéo trong khu cách ly, do chưa cắt được ổ dịch. Ông Tuấn cũng băn khoăn về việc cách ly nhưng không giãn cách; nghĩ nhiều đến nhóm người về từ Singapore… là nguyên nhân xuất hiện ca dương tính mới.

GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc BV Bạch Mai trao đổi tại hội nghị.

GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc BV Bạch Mai trao đổi tại hội nghị.

Đại diện đoàn chuyên gia của Bộ Y tế cũng cho biết hiện Hải Dương chưa tổ chức cách ly phân lớp nguy cơ với người có bệnh nền, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai vv…; thực hiện chưa tốt vấn đề 5K; một số nhân viên chưa được xét nghiệm định kỳ. Cần có người kiểm tra, giám sát nhất là những người F1; cần sắp sếp khu vực cho phù hợp theo nguy cơ; tăng cường bảo vệ nhân viên bằng việc xét nghiệm hàng tuần.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng Sở Y tế Hải Dương chưa tiếp thu các ý kiến của chuyên gia một cách sâu sắc, từ bộ tiêu chí chất lượng an toàn bệnh viện; an toàn cho thầy thuốc bằng tăng cường xét nghiệm.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu

Kiến nghị áp dụng Chỉ thị 16 diện rộng

Đại diện Hải Dương cho rằng dịch ở Chí Linh, Kinh Môn đã cơ bản kiểm soát được, chỉ còn Cẩm Giảng. Việc phòng, chống dịch còn khó khăn, khi ở Cẩm Giàng phải truy vết theo những người ở các quán karaoke, hay Nam Sách xuất hiện ca dương tính trong khu phong toả. Nhất là sau Tết, việc lưu thông và lao động sản xuất sẽ trở lại, mà Cẩm Giàng lại có đông công nhân. Tuy nhiên, việc có người xét nghiệm lần 3 mới dương tính đặt ra câu hỏi có vấn đề lây chéo trong khu cách ly?

Tuy nhiên có việc thực hiện cách ly chưa nghiêm trong khu tập trung, do dân sự chưa quản lý tốt như quân đội; việc trả mẫu chậm; khi có ca dương tính lại kéo dài thời gian cách ly nên gây bức xúc cho người cách ly.

Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực của Hải Dương thời gian qua và nhấn mạnh: Từ đầu, Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ của vụ dịch tại Hải Dương khó khăn hơn ở Đà Nẵng vì tốc độ lây lan nhanh gấp 4 lần so với chủng cũ; địa bàn rộng hơn. Bộ trưởng cũng nhận định có nhiều nguy cơ tiềm ẩn tương đối phức tạp ở Hải Dương, dịch có thể kéo dài, khi trong từng đơn vị có diễn biến phức tạp như Cẩm Giàng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị Hải Dương áp dụng Chỉ thị 16 ở diện rộng hơn để chặn hiệu quả nguồn lây trong cộng đồng. Nếu chậm, để đuổi theo dịch sẽ thất bại. Bộ trưởng cũng kiến nghị Hải Dương mở rộng diện xét nghiệm, ưu tiên tối đa cho ngăn chặn dịch. Tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn vì hiện rất chậm.

Trước ý kiến của địa phương, Bộ trưởng chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tăng cường máy móc, con người xuống giúp Hải Dương; BV Nhiệt đới xét nghiệm tại Hải Dương không đưa mẫu về Hà Nội nữa để giải toả nhanh. Bộ trưởng cũng kiến nghị phải giải toả toàn bộ khu cách ly ở trường nghề Canada; trường Chu Văn An sang các tỉnh khác. Giao các điểm cách ly lớn cho Quân đội quản lý và vận hành toàn bộ. Cần phải đưa người ra khỏi Công ty Poyon và Công ty Kagaku.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết sẽ triển khai sớm các gợi ý của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết sẽ triển khai sớm các gợi ý của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng đồng ý tăng tần xuất xét nghiệm trong khu cách ly và khi có ca nhiễm mới thì chỉ những người tiếp xúc gần với ca đó phải tiếp tục cách ly 14 ngày. Với các khu công nghiệp, vẫn giãn cách xã hội, vẫn triển khai xét nghiệm ở khu vực trọng tâm trọng điểm. Bộ trưởng yên tâm về công tác điều trị vì các BV cao nhất về COVID-19 đều đang ở Hải Dương nên yên tâm.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng tiếp thu toàn bộ các kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và cho biết sẽ triển khai sớm trong tuần tới.