Điểm danh những dự án “đổi đất lấy cầu vượt” tại Hà Nội trong tương lai

VietTimes -- Trong giai đoạn 2016-2020 Hà Nội dự kiến xây dựng nhiều cầu vượt có tổng mức đầu tư lớn bằng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Hà Nội dự kiến nhiều dự án cầu với tổng mức đầu tư lớn trong thời gian tới - Ảnh/Trí thức trẻ.
Hà Nội dự kiến nhiều dự án cầu với tổng mức đầu tư lớn trong thời gian tới - Ảnh/Trí thức trẻ.

Đưa vào dự án trọng điểm

Hầu hết các dự án xây dựng cầu vượt đều rơi vào danh mục các dự án trọng điểm của Hà Nội. Điển hình như cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu) với chiều dài 4,5km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư BOT đang nghiên cứu hình thức BT, thời gian thực hiện dự kiến 2017-2021.

Dự án cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh cũng đã nằm trong kế hoạch với dự kiến thời gian triển khai 2017-2021. Cây cầu dài 0,5km, tổng mức đầu tư dự kiến là 6.000 tỷ đồng, cũng theo hình thức đầu tư BOT hoặc BT.

Cầu (hầm chui) Trần Hưng Đạo qua sông Hồng dài 3,1km, tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng, hình thức BT, thời gian dự kiến thực hiện 2016-2021. Dự án này do Công ty CP Him Lam lập Hồ sơ đề xuất.

Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, trong đó dự kiến cầu dài 3,0km, đường 9km, tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng, dự án này có hình thức đầu tư là BT được triển khai trong giai đoạn 2016-2021.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 3,5km, tổng mức đầu tư dự kiến 2.561 tỷ đồng, thời gian dự kiến thực hiện 2016-2021. Dự án này đã được UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng theo hình thức hợp đồng BT.

Cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh) dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 với chiều dài khoảng 5,413km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.068 tỷ đồng, cũng được đề xuất đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã dự kiến dùng ngân sách Thành phố xây dựng cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 503 tỷ đồng, đã được HĐND TP chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 477/HĐND-KTNS ngày 19/9/2017.

Dự án xây dựng cầu vượt nút An Dương - đường Thanh Niên đang được TP Hà Nội sử dụng ngân sách để triển khai, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 311,989 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Trong số này, một số dự án giao thông cấp thiết được UBND TP Hà Nội xin cơ chế đặc thù như đầu tư cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; cầu Giang Biên và đường nối 2 đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp); cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2;...

Nội đô dùng cầu vượt thép nhẹ

Trước đó, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông tại các nút giao trọng điểm đầu năm 2012 Hà Nội quyết định đầu tư và xây dựng thí điểm hàng loạt cầu vượt nhẹ bằng thép.

Trong đó, ngày 9/3/2017, cầu vượt thép Cổ Linh - đầu cầu Vĩnh Tuy (quận Long Biên) chính thức thông xe sau 8 tháng xây dựng. Cầu có chiều dài 401m, mặt cắt ngang 12m, có 5 nhịp dầm, với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng. Đây là một trong 8 công trình giao thông trọng điểm được Thủ tướng đồng ý cho phép thành phố Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách.

Ngày 26/12/2016, cầu vượt nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái với tổng mức đầu tư 166 tỷ đồng được khánh thành sau 7 tháng xây dựng. Cầu có chiều dài 232m, rộng 12m, được chia làm 2 làn xe.

Ngày 21/5/2016, cầu vượt nhẹ nút giao Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám với chiều dài gần 600m, 02 làn xe, bề rộng 9m, tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng đã được thông xe, góp phần giải tỏa ùn tắc khu vực cửa ngõ phía Tây thủ đô.

Cầu vượt tại nút giao Liễu Giai - Kim Mã dài 276m, rộng 17m, tổng đầu tư trên 300 tỷ đồng được thông xe ngày 10/10/2013. Cầu được xây vĩnh cửu, sử dụng dầm hộp thép, liên hợp bản bê tông cốt thép, cho phép các loại phương tiện lưu thông, trừ xe siêu cường siêu trọng.

Cũng trong năm 2013, Hà Nội thông xe cầu vượt nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân (giao phố Huế - Bạch Mai) dài hơn 350m, rộng 11m, tổng đầu tư hơn 180 tỷ đồng.

Ngày 16/12/2012 cầu vượt Trần Duy Hưng - Láng dài 315m, dành cho 4 làn xe, với kết cấu trụ bê tông cốt thép, dầm thép hộp có độ bền vĩnh cửu chịu được trọng tải 80 tấn, tổng đầu mức đầu tư cầu là 348 tỷ đồng cũng đã được khánh thành.

Cầu vượt tại đường Lê Văn Lương - Láng Hạ dài 315m, rộng 9m gồm 2 làn ôtô, 2 làn xe máy, kết cấu nhịp dầm thép kết hợp bê tông cốt thép với tổng đầu tư hơn 200 tỷ đồng, thông xe năm 2012. Cầu đã góp phần giải phóng ùn tắc trên đường Láng và trục Lê Văn Lương - Láng Hạ.

Cũng trong năm 2012 cầu vượt cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà cũng đã được đưa vào sử dụng với 2 làn ôtô đi 2 chiều, dài 220m, mặt cắt ngang 12m, tổng kinh phí hơn 222 tỷ đồng. Cầu đã giúp các tuyến Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng giảm thiểu ùn tắc và xung đột giao thông.

Trước đó, vào năm 2006 cầu vượt Ngã Tư Sở - Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên tại Hà Nội đã được thông xe. Chi phí tổng cộng cho công trình là 1.139,6 tỉ đồng, với nguồn tiền từ vốn ODA của Nhật Bản và vốn của chính phủ Việt Nam. Cầu có chiều dài 237m, rộng 17,5m; gồm 8 trụ, 2 mố, 9 nhịp và 2 đường dẫn.