Điểm báo ngày 15.11.2017: Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017

VietTimes -- Ban hành quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo Quốc gia về Đấu thầu qua mạng. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần sự chung tay liên tục và dài hơi. Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017. Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể "phá vỡ" thị trường lao động. Giảng dạy văn chương trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. 

Ban hành quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo Quốc gia về Đấu thầu qua mạng

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng. Theo đó, Ban Chỉ đạo là Tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến lĩnh vực đấu thầu qua mạng.
Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập thể bàn bạc và Trưởng Ban quyết định trên cơ sở thống nhất giữa các thành viên. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các thành viên, Trưởng Ban quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình. (Kinh tế & Đô thị 14/11/2017)

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần sự chung tay liên tục và dài hơi

Điểm báo ngày 15.11.2017: Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017 ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ ngành tham quan, nghe giới thiệu về dự án thiết bị bay siêu nhẹ ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. (ảnh: SGGP)

Ngày 14-11, tại Hà Nội đã khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2017 (TechFest 2017) với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, hoạt động này được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức và được xem là hoạt động khởi nghiệp lớn nhất hàng năm.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành lời cảm ơn tới các startup, các nhà đầu tư đến từ các quốc gia đã quan tâm, ủng hộ cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Điểm lại 10 mong muốn mà các bạn startup đã chia sẻ với Phó Thủ tướng vào Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2016, trong đó có việc xây dựng cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, sở hữu trí tuệ, không gian làm việc chung… Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách đã có những việc làm rất tốt và cụ thể nhưng nhiều việc thì cũng mới chỉ là ban đầu. Trong đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa nhỏ có một điều về hỗ trợ startup là một bước tiến quan trọng.

Cũng trong khuôn khổ của lễ khai mạc, Bộ KH-CN đã ra mắt Cổng Thông tin khởi nghiệp ĐMST Quốc gia tại địa chỉ http://startup.gov.vn. Đây sẽ là nơi cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các hoạt động khởi nghiệp ĐMST và là cầu nối hữu ích để bạn trẻ tìm kiếm cơ hội tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp, chia sẻ các tấm gương khởi nghiệp trên khắp cả nước. (SGGP Online 14/11/2017)

Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017

Điểm báo ngày 15.11.2017: Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017 ảnh 2Ban giám khảo chấm Chung khảo Nhân tài đất Việt 2017 (Ảnh: Dân Trí)

Ngày 14/11, tác giả của 17 sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 đã “đối mặt” với Ban giám khảo đầy kinh nghiệm với những câu hỏi xoáy đầy hóc búa. Phần đối đáp của các thí sinh cũng được hy vọng sẽ tạo ra những bất ngờ lớn của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.

Trước khi bước vào buổi chấm Chung khảo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, ông Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Nhân tài Đất Việt 2017 đã gửi lời tri ân tới tất cả các nhà giáo trên khắp cả nước và gửi những lẵng hoa tươi thắm tới những thành viên trong hội đồng Chung khảo là những nhà giáo từ các trường đại học hàng đầu. Ông Long cũng nhấn mạnh năm nay, nhằm hưởng ứng theo xu thế chung và theo định hướng của Chính phủ, giải thưởng đã thêm 1 nhóm mới đó là khởi nghiệp. Đúng như kỳ vọng, nhóm sản phẩm này được đông đảo các bạn trẻ tham gia, và đây cũng là điểm mới của giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.

Công tác chấm Chung khảo Giải thưởng NTĐV 2017 lĩnh vực CNTT sẽ được hoàn thành vào cuối ngày. Sau đó Hội đồng chấm thi Chung khảo tiến hành họp bàn, đánh giá để lựa chọn sản phẩm xứng đáng nhất tôn vinh tại đêm trao giải vào ngày 16/11 tới. Kết quả chấm thi sẽ được bảo mật đến phút chót và chỉ công bố vào đêm trao giải. (Dân Trí 14/11/2017)

Thẻ căn cước công dân sẽ thay thế sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân

Đó là phát biểu của Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an tại hội nghị trực tuyến triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - dự án trọng tâm tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Công an tổ chức ngày 14-11.

"Khi hoàn thiện được hệ thống dữ liệu về cư dân quốc gia, công dân đi làm việc, chỉ cần xuất trình thẻ căn cước là có thể giải quyết được tất cả thủ tục hành chính của các bộ, ban ngành. Việc này cố gắng đến năm 2020 sẽ áp dụng trên cả nước”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Điểm báo ngày 15.11.2017: Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017 ảnh 3Căn cước công dân sẽ thay thế CMND và sổ hộ khẩu

Sau hội nghị, công an các tỉnh, thành sẽ tham mưu cho UBND tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại địa phương. Do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi rộng khắp từ trung ương đến cơ sở nên lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Tổng cục cảnh sát và công an địa phương bố trí nhân lực, kinh phí triển khai dự án, bảo mật dữ liệu đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. (QĐND Online 14/11/2017)

Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể "phá vỡ" thị trường lao động

Điểm báo ngày 15.11.2017: Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017 ảnh 4Vìcách mạng công nghệ 4.0, các chủ sử dụng lao động đã đẩy mạnh đào tạo tại chỗ từ 20% vào năm 2015 lên hơn 50% vào thời điểm hiện tại (Ảnh:báo Hải Quan)

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tập đoàn Manpower Group Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội tổ chức hội thảo "Nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam". Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường lao động là không thể tránh khỏi, vì thế lao động cần hết sức chú ý đến việc xây dựng và bổ sung thêm các kỹ năng để thích nghi với những ngành nghề hình thành trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Manpower Group Việt Nam, tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp nhân lực cho biết, trong năm 2016-2017, ManpowerGroup đã tiến hành một khảo sát quy mô toàn cầu, với 42.000 doanh nghiệp và thấy rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có thể "phá vỡ" thị trường lao động, tự động hóa sẽ thay thế lao động chân tay, và nguy cơ hàng triệu lao động có thể mất việc. 

Tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng, một phần do tình trạng "chảy máu chất xám" với con số người Việt làm việc tại nước ngoài năm 2015 tăng 8% so với 2014. Chính vì khó khăn trong tuyển dụng nên 53% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chọn cách đào tạo và phát triển nhân lực tại chỗ, còn lại là tuyển dụng ngoài chuyên môn. 
Cũng vì cách mạng công nghiệp 4.0 mà các chủ sử dụng lao động đã đẩy mạnh đào tạo tại chỗ từ 20% vào năm 2015 lên hơn 50% vào thời điểm hiện tại. Đối với Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật mới chỉ có chưa tới 20% trong tổng số lao động. Vì thế, Việt Nam sẽ thiếu nguồn lao động có tay nghề.  (Hải Quan 14/11/2017)

Đình bản 3 tháng Tạp chí điện tử Nhà quản lý

Ngày 14/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định số 1982/QĐ-BTTTT, quyết định đình bản tạm thời hoạt động của Tạp chí điện tử Nhà quản lý.

Quyết định 1892/QĐ-BTTTT cho biết, Tạp chí điện tử Nhà quản lý bị đình bản tạm thời hoạt động trong thời gian 3 tháng vì Tạp chí đã đăng bài viết "Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?" ngày 21/8/2017 có thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (14/11/2017). Lãnh đạo cơ quan chủ quản là Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện đình bản. 

Trước đó, ngày 10/11, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã ký quyết định số 256/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính đối với Tạp chí điện tử Nhà quản lý. Tổng số tiền bị xử phạt là 50 triệu đồng. (Infonet 14/11/2017)

Đình bản 3 tháng chuyên trang Phụ nữ & Đời sống của báo Người đưa tin

Ngày 10/11/2017, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã ra Quyết định số 255/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Báo điện tử Người đưa tin thuộc Hội Luật gia Việt Nam.

Cụ thể, Báo điện tử Người đưa tin đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Trong bài viết đăng ngày 29/10/2017 trên chuyên trang Phụ nữ & Đời sống (tên miền phununews.vn) của Báo có thông tin vi phạm quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 8 Nghị định số 159/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Báo điện tử Người đưa tin bị xử phạt 140.000.000đ (Một trăm bốn mươi triệu đồng) đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung: Đình bản tạm thời (tước quyền sử dụng giấy phép) của chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn) của Báo điện tử Người đưa tin trong thời gian 3 tháng. (Infonet 14/11/2017)

Đà Nẵng: Đồng loạt triển khai ứng dụng hẹn giờ giao dịch hành chính

Điểm báo ngày 15.11.2017: Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017 ảnh 5Người dân Đà Nẵng đã có thể nhắn tin để hẹn giờ làm thủ tục hành chính tại tất cả các sở, ban ngành. (Ảnh: VietTimes)

Sau 4 tháng triển khai thí điểm thành công dịch vụ hẹn giờ giao dịch hành chính từ di động, ngày 1/11, TP Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng tại tất cả các sở ban ngành trên địa bàn.

Cụ thể, sau 4 tháng tiến hành thí điểm tại 4 Sở gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nội vụ, Giao thông vận tải, ngày 1/11, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai rộng rãi dịch vụ hẹn giờ giao dịch hành chính qua điện thoại tại tất cả các Sở ban ngành trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Để sử dụng ứng dụng, các cơ quan, đơn vị, công dân, tổ chức có thể gọi điện hoặc nhắn tin đến Trung tâm Thông tin dịch vụ công để hẹn giờ thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền. Cụ thể, để hẹn giờ người dân có thể gọi đến số điện thoại 0511.3 881 888 vào giờ hành chính (buổi sáng từ 7h30-11h30, chiều từ 13h30-17h30), cung cấp các thông tin về họ tên, số điện thoại, cơ quan cần giao dịch, tên thủ tục, nội dung cần giao dịch, dự kiến ngày giờ giao dịch.

Hoặc sử dụng tin nhắn với cú pháp HG [họ tên] [tên cơ quan cần giao dịch] [thủ tục, nội dung cần giao dịch] [giờ, ngày hẹn] gửi đến tổng đài 8188 vào bất cứ thời gian nào để hẹn giờ giao dịch hành chính. Và lưu ý giờ ngày hẹn phải nằm trong giờ làm việc (Buổi sáng từ 7h30-11h; buổi chiều từ 13h30-17h). Mức cước phí là 1.000 đồng/tin nhắn.

Sau khi nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ Tổng đài xác nhận thời gian đặt hẹn, tổ chức, công dân đến quầy giao dịch của Trung tâm Thông tin dịch vụ công tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tập trung theo giờ đã hẹn để nhận Phiếu hẹn giờ giao dịch hành chính và đến cơ quan cần giao dịch để tiến hành giao dịch. (VietTimes 15/11/2017)

Ra mắt kênh giáo dục Edutalk.vn 

Tại Trường Đại học Sài Gòn vừa diễn ra Ngày hội “Nghề dạy trực tuyến” và ra mắt kênh giáo dục trực tuyến Edutalk.vn, do Công ty CP Giáo dục Edutalk tổ chức. Tại ngày hội, Edutalk tuyển dụng các giáo viên, gia sư và nhà đào tạo trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhằm tạo ra cộng đồng dạy và học kết nối qua mạng internet.

Theo đó, sau khi phỏng vấn trực tiếp và nhận hồ sơ đăng ký, Edutalk sẽ tổ chức thẩm định năng lực các nhà đào tạo dựa vào bằng cấp chuyên môn do ứng viên cung cấp. Các môn học cần thiết sẽ được Edutalk thông báo rộng rãi để người học có nhu cầu lựa chọn. Hiện Edutalk đã thiết kế các lớp học về dạy ngoại ngữ, truyền thông đa phương tiện, nông nghiệp thông minh, đào tạo ca sĩ-diễn xuất, kỹ năng nói trước công chúng, làm chủ doanh nghiệp, marketing online, kỹ năng làm mẹ cho phụ nữ trẻ,... Tại kênh Edutalk.vn, các giáo viên chia sẻ kiến thức để có thêm thu nhập. Chiết khấu thu nhập cho giáo viên là hơn 80%.  (Văn Hoá 13/11/2017) 

Thái Lan: Hàng triệu người nghèo được phát sim để lướt mạng miễn phí

Người nghèo ở Thái Lan sẽ được chính phủ nước này cấp sim để sử dụng internet miễn phí thông qua điện thoại di động trên khắp cả nước.

Đây là chính sách phát triển xã hội nhằm nâng cao đời sống và tạo cơ hội cho người nghèo của nước này tiếp cận với thế giới thông tin và mạng xã hội. Mục đích của chính sách cũng nhằm giúp họ cải thiện thu nhập thông qua việc tìm kiểm thông tin phục vụ cho công việc làm ăn hàng ngày.

Bắt đầu từ tháng 12, người nghèo sẽ được cấp sim và có thể sử dụng internet miễn phí với dung lượng giới hạn, tương đương với giá trị từ 350 đến 500 baht (220.000 đến 320.000 đồng) mỗi tháng.

Dự kiến có trên 11 triệu người có thu nhập thấp sẽ được hưởng chính sách internet miễn phí từ chính phủ. Người thuộc diện nghèo khi có thu nhập dưới 100.000 baht (65 triệu đồng) mỗi năm.

Thái Lan đang thực hiện chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp bằng việc cấp thẻ đặc biệt dành cho người nghèo. Theo đó, với thẻ đặc biệt này họ có thể đến ngân hàng lấy tiền trợ cấp từ vài trăm đến vài ngàn baht một tháng hoặc sử dụng các dịch vụ công như đi tàu xe miễn phí. Phát sim cho người nghèo sử dụng internet miễn phí là chính sách bổ sung cho chính sách đang triển khai nói trên. (Thanh Niên Online 14/11/2017)

Giảng dạy văn chương trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Điểm báo ngày 15.11.2017: Khởi nghiệp là điểm mới của Nhân tài đất Việt 2017 ảnh 6Nhà giáo Trần Xuân Tiến. (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)

Theo nhà giáo Trần Xuân Tiến (Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Văn Hiến), Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi thế giới và giảng dạy văn chương không nằm ngoài bức tranh chứa đựng sự biến chuyển có nhiều ý nghĩa đó của nhân loại. Là một người trong cuộc, với vai trò giảng dạy, tôi đánh giá đây là cơ hội lớn.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến cho các đối tượng sinh viên trở nên gần nhau hơn, ít nhất là về mặt ứng dụng văn chương trong cuộc sống. Tức là, cơ hội chuyển hóa, vận dụng văn chương vào cuộc sống của các em là ngang nhau, cả thuận lợi lẫn khó khăn.

Giảng dạy văn chương ngày nay không đơn thuần chỉ là công việc rao truyền những giá trị nghệ thuật mà các bậc thầy văn chương đã sáng tạo nên, trong phạm vi của những trang sách, mà xa hơn cần tạo ra một cơ chế để người học có thể sử dụng văn chương như là một trong những kỹ năng của đời thường, một trong những vốn liếng để thực hành sống.

Cách mạng công nghiệp 4.0 chứng kiến cuộc chạy đua khốc liệt chưa từng có nhằm biến kho tàng tri thức trừu tượng thành sản phẩm cụ thể để phục vụ tốt hơn nữa cuộc sống của nhân loại.

Đây là những trải nghiệm quý giá mà theo cách giảng dạy truyền thống sẽ khó thỏa mãn. Công tác giảng dạy văn chương rất cần quan tâm đến sự thay đổi này. (Giáo dục Việt Nam 15/11/2017)

Lo ngại Luật An ninh mạng chồng chéo với các luật khác

Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gồm 8 chương và 55 điều. Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng hết sức cần thiết nhằm phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự quan ngại đối với phạm vi điều chỉnh quá rộng của dự luật này, có thể dẫn đến những qui định chồng chéo với các văn bản pháp lý đã ban hành trước đây như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 72/2013/ND-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dich vụ Internet...

Ông Nguyễn Chí Thành, Chánh văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chia sẻ, việc định nghĩa chính xác, rõ ràng và phù hợp về khái niệm an ninh mạng là rất quan trọng, vì đây là khái niệm cơ bản, liên quan và tác động tới phạm vi điều chỉnh và nội dung cụ thể quy định trong dự thảo Luật.  Theo phiên bản dự thảo hiện nay, đối tượng điều chỉnh của luật này là “hoạt động sử dụng không gian mạng”. Như vậy, đối tượng này sẽ được hiểu theo nghĩa rất rộng và có thể sẽ có sự trùng lẫn với đối tượng tác động của luật khác.

Đại diện cho các doanh nghiệp Internet Việt Nam, bà Phan Thị Hoài Thu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 2 Điều 47 Dự thảo Luật: Việc yêu cầu doanh nghiệp xóa bỏ thông tin trên không gian mạng là bất khả thi, nhất là trong vòng 24 giờ, vì doanh nghiệp chỉ quản lý một phần nhỏ không gian mạng, chứ không quản lý toàn bộ. Vì vậy đề nghị sửa đổi theo hướng là thông tin trên hệ thống thông tin do doanh nghiệp trực tiếp quản lý, chứ không thể trên toàn bộ không gian mạng được.

TS Mai Anh, Đại biểu Quốc hội khóa XI, Chủ tịch hội Tin học Viễn thông Hà Nội đề xuất, an ninh mạng và an toàn thông tin trong môi trường mạng thực chất là hai măt không thể tách rời của một vấn đề và năm 2015 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng. Do vậy, nội dung Luật An ninh mạng nên được tích hợp vào Luật An toàn thông tin mạng; trình Quốc hội xây dưng dự án sửa đổi bổ sung Luật An toàn thông tin mạng 2015 và đổi tên thành luật: An ninh mạng và an toàn thông tin trong môi trường mạng.” (Công Thương 14/11/2017)