Điểm báo ngày 14.11.2017: Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật

VietTimes -- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp lãnh đạo tập đoàn Siemens. Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật. Hàn Quốc mở trung tâm hợp tác CNTT tại Việt Nam. Đã cấp gần 1 triệu số định danh cho trẻ mới sinh. Phần mềm quản lý dân cư “chết lâm sàng” vì thiếu kinh phí! Hộ chiếu điện tử, nước đã tới chân. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp lãnh đạo tập đoàn Siemens

Điểm báo ngày 14.11.2017: Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật ảnh 1Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ông Cedrik Neike – Thành viên Ban điều hành Tập đoàn Siemens. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị)

Ngày 13/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp ông Cedrik Neike – Thành viên Ban điều hành Tập đoàn Siemens.

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức.
“Hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước là rất quan trọng. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tôi mong muốn Siemens với tư cách là tập đoàn hàng đầu của Đức sẽ tiếp tục đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Cảm ơn Phó Thủ tướng, ông Cedrik Neike- thành viên Ban điều hành Tập đoàn Siemens cho biết, hiện tại, Siemens đang hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là nhiệt điện; cung cấp các giải pháp kỹ thuật trong điều khiển, vận hành lưới điện. Trong tương lai, Siemens mong muốn được mở rộng sang các lĩnh công nghiệp phần mềm; phát triển hạ tầng giao thông vận tải thông qua việc cung cấp các giải pháp điều khiển giao thông, thành phố thông minh. (Kinh tế & Đô thị 13/11/2017)

Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật

Điểm báo ngày 14.11.2017: Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh: Lao Động)

Chiều 13.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật an ninh mạng và dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết: Bộ Công an được phân công chủ trì soạn thảo hai dự luật trên trình Quốc hội và đã rất thận trọng trong thực hiện. Dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước và An ninh mạng rất quan trọng, là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước và thực hiện Hiến pháp năm 2013, liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Nói về dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật. Có thể những vấn đề hôm nay là bí mật quốc gia nhưng ngày mai không phải vì đã được xử lý.

Về dự thảo Luật an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo xác định đây là vấn đề an ninh phi truyền thống. Vấn đề này hiện nhận được sự quan tâm của quốc tế, các diễn đàn song phương, đa phương, Liên hợp quốc, Liên minh nghị viện thế giới, các tổ chức quốc tế, khu vực... Vấn đề an ninh mạng không quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý. Đây là vấn đề đòi hỏi có sự đoàn kết thống nhất giữa các quốc gia.

Trái với các quan điểm của nhiều đại biểu, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lại ủng bộ với việc tăng cường quản lý, ngăn chặn thông xin xấu độc. “Luật An ninh mạng cần ngăn chặn hành vi thông tin xấu độc và phải phạt nặng hành vi lừa đảo người tiêu dùng Việt Nam, cũng như có biện pháp quản lý tốt nhất, chặt chẽ thông tin của các nhà cung cấp Facebook, Goolge”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, nếu việc cung cấp thông tin mang tính chất nhạy cảm về chính trị thì nhất thiết phải đặt máy chủ ở Việt Nam. (Lao Động Online 13/11/2017, Tiền Phong 14/11/2017)

Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày 13/11, Quốc hội đã chính thức chốt lịch diễn ra các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV. Theo đó, kỳ chất vấn lần này sẽ kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ sáng thứ Năm, ngày 16/11 đến hết ngày thứ Bảy, ngày 18/11.

Liên quan đến việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình… sẽ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng sẽ trả lời chất vấn về các giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội… (Đầu Tư 13/11/2017)

Hàn Quốc mở trung tâm hợp tác CNTT tại Việt Nam

Điểm báo ngày 14.11.2017: Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật ảnh 3Khai trương Trung tâm Hợp tác CNTT Việt Nam - Hàn Quốc (ảnh: ICT News)

Ngày 13/11, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức khai trương Trung tâm hợp tác CNTT đặt tại Keangnam Landmark Tower, Hà Nội.

Trung tâm hợp tác CNTT Việt Nam – Hàn Quốc sẽ là nơi để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, chuyên gia CNTT Hàn Quốc cùng hợp tác, chia sẻ.

Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đang ngày càng được thắt chặt, khẳng định là đối tác chiến lược hàng đầu. Trong đó, hợp tác về lĩnh vực CNTT – TT đang góp phần làm sâu sắc hơn về mối quan hệ này.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bày tỏ, Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Việc mở trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc tại Hà Nội sẽ là cầu nối quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước về CNTT- TT, không chỉ là hợp tác chia sẻ chính sách mới, mà còn góp phần thúc đẩy thực chất các cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Để hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc You Young – Min cho rằng trung tâm phải trở thành cầu nối hợp tác về chính sách CNTT giữa hai nước, là nơi chia sẻ, giao lưu sôi nổi về chính sách; đồng thời sẽ là nơi để các trường đại học, doanh nghiệp trao đổi về các vấn đề CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (ICT News 13/11/2017)

Đã cấp gần 1 triệu số định danh cho trẻ mới sinh

Chiều 13/11, tại buổi giao lưu trực tuyến: “Lộ trình và giải pháp thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh dân dân trong quản lý dân cư”, do báoCông An Nhân Dân tổ chức, thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký Quản lý Cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an), nhìn nhận người dân Việt Nam đang được các cơ quan Nhà nước cấp quá nhiều loại giấy tờ, với nhiều con số khác nhau để phục vụ cho việc quản lý.

Để thuận tiện hơn trong việc quản lý, Luật Căn cước công dân quy định Bộ Công an sẽ cấp mới mã số định danh cá nhân cho người dân. Mã số định danh cá nhân gồm 12 số, có cấu trúc 6 số đầu là: Mã thế kỷ sinh; Mã giới tính; Mã năm sinh của công dân; Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn 6 số sau là các số ngẫu nhiên của công dân.

“Số này sẽ sẽ được các ngành khác cập nhật vào dữ liệu của mình, làm chìa khóa kết nối thông tin giữa các cơ sở dữ liệu với nhau”, thượng tá Phú nói.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát Đăng ký Quản lý Cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp mã số định danh cá nhân cho gần 1 triệu trẻ mới sinh tại 17 tỉnh, thành phố. Mã số được ghi trên giấy khai sinh của trẻ.

Khi các bé đủ 14 tuổi, số này sẽ thành số căn cước công dân. “Cơ quan công an khi làm căn cước sẽ in số này lên thẻ căn cước công dân, đảm bảo đây là số định danh duy nhất, sử dụng vĩnh viễn trong cả đời người. (Zing 14/11/2017)

Tìm kiếm giải pháp xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam

15 đội được lựa chọn để trình bày giải pháp sáng tạo về xây dựng thành phố thông minh tại Sự kiện Demo Day, của cuộc thi Tìm kiếm Giải pháp Xây dựng Thành phố thông minh cho Việt Nam (SCIC). Sự kiện diễn ra trong hai ngày 12 và 13-11 tại Hà Nôi.

Trong tháng 7, MBI đã mở đơn kêu gọi giải pháp cho những thách thức đối với việc phát triên thành phố thông minh trong 12 lĩnh vực trọng điểm được xác định bởi chính quyền và ban chỉ đạo thành phố thông minh của các tỉnh, thành Việt Nam.

SCIC là cuộc thi mới nhất trong chuỗi những cuộc thi về đổi mới sáng tạo của MBI, cùng với Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp Du lịch Mekong (MIST) diễn ra vào đầu năm nay.

Các chương trình khác gồm cuộc thi Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mekong (MATCh) và Cuộc thi Tìm kiếm Giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Các chương trình của MBI được tài trợ và hỗ trợ bởi Chính phủ Australia và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

SCIC đã nhận được 197 đơn đăng ký từ hơn 30 quốc gia trên thế giới. Các đội thi được đánh giá bởi những giám khảo là các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan.

Các đội thi xuất sắc nhất sẽ tiếp tục được lựa chọn dựa trên tính độc đáo và khả năng có mặt tại Việt Nam trong thời gian diễn ra sự kiện. (CAND 13/11/2017)

Trên 2,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử đã được thực hiện

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 31/10, đã có hơn 2,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền hơn 392 nghìn tỷ đồng. Hiện hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% các chi cục thuế trực thuộc. Cả nước đã có 622.654 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,64% tổng số doanh nghiệp. 

Về triển khai hóa đơn điện tử có xác thực, cơ quan Thuế đã tổ chức hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp triển khai tại  Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh. Tính đến hết tháng 10/2017, đã xác thực được 5,2 triệu hóa đơn với số tiền thuế đã được xác thực 3.042 tỷ đồng.

Hiện Tổng cục Thuế đang tiếp tục triển khai thí điểm, dần dần mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế. Ngày 5/10, Tổng cục Thuế ban hành 13 Quyết định về tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm Ủy nhiệm thu thuế của cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán tại 99 chi cục thuế của 13 tỉnh. Đến nay, đã có 147 Chi cục Thuế thuộc 14 Cục Thuế tham gia thí điểm Ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán. (Hải Quan 13/11/2017)

Phần mềm quản lý dân cư “chết lâm sàng” vì thiếu kinh phí!

Điểm báo ngày 14.11.2017: Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật ảnh 4Người dân phường Bến Thành chờ làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Tiền Phong)

Là địa phương trong cả nước tiên phong áp dụng công nghệ triển khai mô hình quản lý dân cư bằng phần mềm điện tử thay hộ khẩu, UBND phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) đã giúp người dân tiết kiệm được thời gian công sức mỗi khi đi sao y, chứng thực,…Thế nhưng phần mềm này lại đang rơi vào cảnh “chết lâm sàng” vì thiếu kinh phí!

Ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành thừa nhận, mô hình này đã dừng hồi năm 2016 do thiếu kinh phí sửa chữa và phí duy trì vận hành quá cao, kinh phí Nhà nước không đủ.

Cũng tỏ ra tiếc nuối khi phần mềm dừng hoạt động, ông Vinh kể hồi năm 2010, lãnh đạo và cán bộ phường tiên phong trong mô hình này nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý, giúp người dân không mất thời gian, công sức đi lại mỗi khi làm giấy tờ.

Theo ông Vinh, hiện nay phần mềm đang bị trục trặc nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Lúc trước phường có thuê một kỹ sư công nghệ để vận hành phần mềm tuy nhiên do mức lương thấp nên người này bỏ việc. Phường cũng đã liên hệ với các công ty công nghệ thì được báo giá phải tốn gần 300 triệu đồng để sửa chữa trong khi số tiền này quá lớn với địa phương.

“Với mong muốn được tiếp tục phục vụ người dân tốt hơn bằng phần mềm quản lý dân cư này, phường cũng đã đề nghị cấp trên xem xét cấp kinh phí để sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa thấy”, ông Vinh nói.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, không vì thế mà địa phương bỏ cuộc. Vì khi phần mềm dừng hoạt động, bà con có lên phường thắc mắc hỏi lý do nên thời gian sắp tới, phường sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn có thể từ xã hội hóa để sửa chữa phần mềm hoạt động, nâng cấp lên phục vụ dân tốt hơn. (Tiền Phong 14/11/2017)

Nghệ An: Nhiều nông dân thoát nghèo nhờ internet

Nhiều nông dân đã quen với việc sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu thông tin (ảnh: Dân Sinh)

Nhờ internet, nhiều nông dân ở Nghệ An không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Họ chỉ cần một smartphone hay máy tính kết nối internet, những người nông dân “chân lấm tay bùn”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” này đã có thể tiếp cận, khai thác kiến thức khoa học công nghệ để phục vụ sản xuất chăn nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 2,3 triệu thuê bao di động, chiếm 71% dân số sử dụng điện thoại di động; Tốc độ tăng bình quân 13-15%/năm. Trong đó, nông dân chiếm một phần không nhỏ trong số lượng thuê bao di động đã đăng ký.

Ở Nghệ An, internet đang là một trong những tiện tích giúp người nông dân nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước, học tập và phát triển kinh tế. Cách đây chừng 10 năm, internet tại nhiều vùng nông thôn ở Nghệ An còn xa lạ, đến nay, hầu hết các thôn, xã đều đã có máy vi tính và dịch vụ internet. Nhiều nông dân còn mạnh dạn đăng ký đi học lớp tập huấn về sử dụng internet hoặc tự mày mò học hỏi cách sử dụng.

Khi phương pháp sản xuất truyền thống không còn mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân ở Nghệ An đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên googele hay facebook và sáng tạo ra nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng nhờ có máy tính, điện thoại thông minh và dịch vụ internet, người nông dân có thể dễ dàng tìm kiếm những kiến thức về khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất,  xây dựng các mô hình kinh tế, như: trồng rau, hoa, mô hình chăn nuôi, mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ tổng hợp, quảng bá thương hiệu sản phẩm...

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp tạo thành hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây là vấn đề cần nhiều giải pháp đồng bộ từ các cấp, các ngành cũng như việc mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, internet vẫn là kênh thông tin quan trọng và giải pháp tối ưu mà nhiều nông dân lựa chọn để tìm hướng phát triển kinh tế cho bản thân mình. Internet, đã giúp cho nhiều nông dân không chỉ xóa nghèo mà còn vươn lân làm giàu. (Dân Sinh 13/11/2017)

Hộ chiếu điện tử, nước đã tới chân

Điểm báo ngày 14.11.2017: Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật ảnh 6Trong các nước Đông Nam Á, chỉ còn Việt Nam và Myanmar là sử dụng hộ chiếu giấy. (ảnh: Tuổi Trẻ)

Khi hơn một nửa số nước trên thế giới đã chuyển sang hộ chiếu điện tử và Mỹ đặt ra đều kiện nhập cảnh Mỹ phải dùng hộ chiếu điện tử, các nước còn lại (trong đó có Việt Nam) không còn lựa chọn nào khác hơn là tăng tốc triển khai việc đổi hộ chiếu.

Hiện nay trên thế giới đã có 82 nước và toàn bộ khối Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước chuyển sang dùng hộ chiếu điện tử. Nghĩa là hơn một nửa số nước đã sử dụng hộ chiếu công nghệ cao, và số lượng này đang tăng lên nhanh chóng trước yêu cầu mới từ Mỹ.

Ngay cả Lào và Campuchia đều đã thay thế hộ chiếu truyền thống bằng hộ chiếu điện tử. Campuchia bắt đầu phát hành hộ chiếu điện tử hồi tháng 7-2014, còn Lào từ giữa năm 2016. Vậy là giờ đây trong khối ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á, chỉ còn mỗi Việt Nam và Myanmar vẫn xài hộ chiếu truyền thống.

Từ cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 2135/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam" với mục tiêu bắt đầu cấp hộ chiếu điện tử vào năm 2015. 

Nhưng chẳng rõ vướng từ khâu nào mà tới nay Bộ Công an vẫn chưa phát hành được hộ chiếu điện tử khiến nước ta bị tụt lại phía sau và có thể gây khó khăn cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài, cụ thể như vào Mỹ.

Theo Chỉ số Hộ chiếu (Passport Index) 2017 mới nhất do công ty tư vấn Arton Capital công bố hồi thượng tuần tháng 11-2017, hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 79 trong 95 hạng khi được vào 48 nước mà không cần phải xin visa. Nếu xếp theo thứ tự quốc gia, hộ chiếu Việt Nam hiện ở thứ 165 trong 199 nước.

Với vị thế hộ chiếu ở mức thấp như vậy, việc dùng hộ chiếu điện tử để tăng cường mức độ an ninh, xác thực và tính tương thích ở khía cạnh nào đó cũng có thể góp phần làm tăng giá trị cho hộ chiếu Việt Nam. Ít ra thì nó cũng đáng để tin cậy hơn. (Tuổi Trẻ 13/11/2017)